Đa dạng thị trường tiêu thụ
Sáng 28/10, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp Sở NN-PTNT Hưng Yên tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm cây có múi và sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên năm 2021.
Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết: Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là các sản phẩm cây có múi niên vụ 2021 và sản phẩm OCOP của tỉnh.
Trong năm 2021, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh Hưng Yên ước đạt 15.000ha, tăng 3,24% so với năm 2020, (chiếm 12,4% diện tích cây ăn quả vùng Đồng bằng sông Hồng). Sản lượng ước đạt hơn 236.000 tấn (tăng 11% so với 2020), trong đó, nhãn hơn 41.000 tấn, vải hơn 12.000 tấn, chuối hơn 89.000 tấn.
Toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 4.200ha cây ăn quả có múi, sản lượng ước đạt 65.000 tấn. Trong đó, diện tích trồng cam, quýt trên 2.100ha, bưởi trên 2.000ha, còn lại là cây có múi khác như chanh, quất,... Đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh đã có 65 vùng sản xuất cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) với tổng diện tích trên 1.000ha, sản lượng trên 20.000 tấn quả tươi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm cây ăn quả có múi của Hưng Yên chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước, hiện chiếm 98 - 99% tổng sản lượng sản xuất, sản phẩm xuất khẩu mới chỉ chiếm khoảng 1-2%.
Đối với chương trình mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP, tính đến 31/6/2021, toàn tỉnh Hưng Yên có 70 sản phẩm của 33 chủ thể được xếp hạng, công nhận, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng đề xuất 5 sao, 18 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt 3 sao.
Tính hết tháng 10/2021, có thêm 69 sản phẩm OCOP được công nhận, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 139 sản phẩm. Một số sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu như: Nhãn lồng Hưng Yên xuất sang thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc; Bột nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên xuất sang một số nước EU, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Trung Đông…
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Trong bối cảnh cả sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đều đang gặp khó khăn, sự chủ động của tỉnh Hưng Yên trong việc sớm lên phương án kết nối, tiêu thụ là việc làm rất cần thiết.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, tỉnh Hưng Yên đã xác định tập trung tiêu thụ các sản phẩm tại thị trường trong nước thì không nên bó hẹp phạm vi thị trường. Ngoài những thị trường truyền thống như Hà Nội, các tỉnh lân cận…hiện các tỉnh phía Nam đang có sự hồi phục trên tất cả các phương diện, Hưng Yên nên nghiên cứu đến hướng đưa sản phẩm nông sản vào tiêu thụ tại thị trường này, trong đó TP.HCM được đánh giá là thị trường rất tiềm năng.
Đối với việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, ông Toản lưu ý các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất cần nhanh chóng thiết lập hồ sơ điện tử cho từng sản phẩm nông sản. Vì khi đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nếu sản phẩm không có định danh, tên gọi sẽ rất dễ bị sàng lọc, đồng thời khi xây dựng được hồ sơ bán hàng việc kết nối tiêu thụ sẽ thuận lợi, mang lại hiệu quả cao hơn.
Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Để việc tiêu thụ các sản phẩm cây có múi của tỉnh Hưng Yên diễn ra thuận lợi, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là các đầu mối cung cấp, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và vệ sinh ATTP.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ biến động thất thường do ảnh hưởng của dich Covid-19, các HTX, hộ sản xuất ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống cần linh hoạt, kết hợp bán hàng qua các sàn thương mại điện tử sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, các HTX, hộ sản xuất tỉnh Hưng Yên cần liên tục nâng cấp sản phẩm của chính mình về chất lượng, mẫu mã, bao bì…theo hướng không chỉ phục vụ tiêu thụ trong nước mà hướng tới xuất khẩu.
Bà Vũ Thị Hậu lưu ý, các sản phẩm của tỉnh Hưng Yên được chứng nhận OCOP mà vẫn gặp khó khăn trong việc đi vào các siêu thị, chuỗi bán hàng… địa phương, HTX, người sản xuất hãy phản ánh về Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam để nhận được sự hỗ trợ.
Đẩy mạnh kênh thương mại điện tử
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ: Trong bối cảnh do tác động của dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, cũng như hình thức kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp, theo hướng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã kết nối với các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo…đưa ra nhiều chính sách để đồng hành, hỗ trợ nông dân các tỉnh nói chung và thời gian tới sẽ là nông dân tỉnh Hưng Yên từng bước tiếp cận và sử dụng thành thục công nghệ bán hàng mới.
Bà Phạm Thị Hường, phụ trách thu mua miền Bắc hệ thống siêu thị Big C thuộc Central Retail chia sẻ: Sau hơn 1 tháng triển khai, Big C đã kết nối tiêu thụ được hơn 70 tấn cam lòng vàng cho tỉnh Hưng Yên. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy chất lượng sản phẩm cây có múi của Hưng Yên rất rốt, được thị trường đón nhận.
Trong thời gian tới, hệ thông siêu thị Big C sẽ tiếp tục đồng hành cùng các HTX, người sản xuất nhằm tìm ra phương án tốt nhất để vừa đảm bảo tiêu thụ thuận lợi, vừa đảm bảo được giá thành, lợi ích cho tất cả các bên.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản và sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên với chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại thị trường Hà Nội về việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm và giữa tỉnh Hưng Yên với các đơn vị thuộc Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT.