Sản phẩm cá tra đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ
Sự kiện này được tổ chức nhằm cổ vũ, động viên, ghi nhận sự đóng góp tích cực của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế của địa phương và khu vực ĐBSCL. Giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu cá tra Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: Lịch sử phát triển nghề nuôi cá tra thương phẩm được chia thành 2 giai đoạn chính. Đó là giai đoạn đầu vớt giống tự nhiên bắt đầu từ những năm 1940 nhưng dần giảm và kết thúc vào cuối những năm 1990. Giai đoạn sau nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo bắt đầu từ năm 1978 và thành công vào những năm 1995 - 1998 và ứng dụng quy mô sản xuất đầu những năm 2000. Dù được nuôi từ khá lâu, nhưng suốt thời gian dài, cá tra chỉ là một loại thực phẩm bán tại các chợ quê. Cuối năm 1990, khi thị trường mở cửa, doanh nghiệp chú ý và giới thiệu với đối tác nước ngoài, từ đó cá tra đã từ ao làng vươn ra thị trường thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, đến nay sản phẩm cá tra đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về giá trị trên 2 tỷ đô hàng năm. Đặc biệt, có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, với kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021. Trong đó, Đồng Tháp đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra gần 1 tỷ đô/2,4 tỷ đô cả nước. Ðây là cơ hội tốt để các địa phương nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng có thế mạnh tiếp tục đầu tư nuôi trồng, xuất khẩu cá tra và xa hơn là tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị cá tra phát triển bền vững.
Ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, ngành hàng cá tra nước ta không ngừng phát triển và hiện đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động.
Năm 1997 lần đầu tiên cá tra tham gia vào thị trường thế giới, xuất khẩu chỉ thu về 1,6 triệu USD. Năm 2008, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1 tỷ USD. 10 năm sau, xuất khẩu cá tra đạt thêm cột mốc mới khi lần đầu tiên vượt mốc 2 tỷ USD (2,26 tỷ USD) vào năm 2018. Năm 2022, mặc dù chịu tác động từ hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng ngành hàng cá tra nước ta đã hết sức năng động, sáng tạo, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng, tận dụng tối đa nhu cầu từ các thị trường sau đại dịch.
Theo đó, sản lượng cá tra năm nay dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỷ USD (tính đến ngày 15/11/2022 kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 3,2 tỷ USD) là đỉnh cao nhất trong lịch sử của ngành hàng. Các sản phẩm từ cá tra đã có mặt trên 134 quốc gia, trong đó có các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, mục tiêu đến năm 2025 và 2030 đạt tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản là 5,6/7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8-12 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 4,0- 4,5%/năm. Bênh cạnh đó còn chủ động sản xuất, cung ứng được trên 70-100% nhu cầu cá tra bố mẹ chọn giống đầu tư. Nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 30-50 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 10-50% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản.
“Với mục tiêu, định hướng phát triển như trên rất cần các giải pháp đồng bộ, như việc đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết.