| Hotline: 0983.970.780

Khấm khá nhờ nuôi thỏ New Zealand

Thứ Ba 28/02/2023 , 15:24 (GMT+7)

HÀ NỘI "Khởi nghiệp" với 3 con thỏ mẹ và một số thỏ con, đến nay ông Khánh đã khấm khá nhờ nuôi thỏ New Zealand với tổng đàn 3 - 4 nghìn con.

Chăn nuôi thỏ cần kiên trì

Đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của mình, ông Nguyễn Quốc Khánh ở Gia Lâm (Hà Nội) tâm sự về cơ duyên đến với nghề chăn nuôi thỏ: “Ngày trước làm công nhân thu nhập thấp, một lần nghe bạn bè giới thiệu mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand cần ít vốn, thấy phù hợp với hoàn cảnh gia đình nên năm 2012, tôi quyết định nuôi thử.

IMG_4205

Trại thỏ New Zealand với 200 con cái sinh sản cùng hàng nghìn thỏ con chỉ cần 2 nhân công có thể duy trì hoạt động tốt. Ảnh: Diệu Vy.

Ban đầu, nhà tôi thử nghiệm mô hình nuôi 3 thỏ mẹ và một số thỏ con. Chưa đầy 1 năm, vì giống thỏ đẻ nhanh, đàn thỏ phát triển được gần 100 thỏ mẹ và hàng nghìn thỏ con. Thấy hiệu quả, gia đình tôi kiên trì phát triển đàn thỏ”.

Qua tìm hiểu, ông Khánh được biết, thỏ New Zealand có chất lượng thịt tốt, hàm lượng đạm, mỡ thấp, khoáng nhiều... Bên cạnh đó, thịt thỏ ngon bổ, có tác dụng điều dưỡng cho những bệnh nhân tim mạch, người già, người béo phì..., phân thỏ có thể dùng làm phân bón rất tốt cho các loài hoa và cây cảnh, còn lông, da thỏ dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp thuộc da.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của thị trường, ông Khánh mạnh dạn mở rộng mô hình, đầu tư thuê đất làm chuồng trại chăn nuôi. Hiện nay, trại thỏ của ông Khánh có diện tích 1.000m2, đầu ra ổn định, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

IMG_4163

Thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, hấp dẫn và là giống thỏ được nuôi phổ biến để lấy thịt. Ảnh: Diệu Vy.

Với kinh nghiệm 10 năm theo nghề, ông Khánh nhận định, muốn nuôi thỏ đạt hiệu quả, ngoài khâu chọn giống có nguồn gốc đảm bảo, người chăn nuôi cần kiên trì lưu ý từng giai đoạn phát triển của thỏ để có chế độ chăm sóc phù hợp.

Ở khâu chọn giống, ông Khánh khuyến nghị: Bà con nên chọn thời điểm thỏ được 45 - 50 ngày tuổi, khối lượng đạt 1,5 - 1,7kg/con, hoạt bát, không bị thương tật, dị tật. Có thể phân biệt giới tính bằng cách một tay cầm da gáy thỏ nhấc lên, tay kia kẹp đuôi thỏ vào ngón tay trỏ và ngón giữa.  Ngón tay cái ấn nhẹ vào lỗ sinh dục, vuốt nhẹ ngược lên phía trên bụng. Nếu thấy lỗ sinh dục tròn, hình trụ nổi lên và xa lỗ hậu môn thì đó là con đực, nếu lỗ sinh dục kéo dài thành khe rãnh gần hậu môn thì đó là con cái.

Chia sẻ kinh nghiệm nhận biết thỏ đến thời điểm sinh sản, ông Khánh nói: “Thông thường thỏ cái 4 - 5 tháng tuổi là đến kỳ sinh sản, còn thỏ đực 8 tháng mới phối giống được. Khi thấy con thỏ cái có biểu hiện khác lạ như cào ổ, cào chuồng..., nhấc lên kiểm tra hậu môn thấy hồng thì lúc đó có thể cho thỏ sinh sản”.

IMG_4077

Thỏ cái mang thai 1 tháng thì đẻ. Thỏ hay đẻ đêm nên người nuôi cần thường xuyên kiểm tra và chuẩn bị cho thỏ ổ đẻ. Không để thỏ đẻ quá dày, 1 năm chỉ nên để thỏ đẻ 5 - 6 lứa nhằm đảm bảo sức khoẻ cho cả thỏ mẹ và thỏ con. Ảnh: Diệu Vy.

Nên đánh dấu thỏ đực và thỏ cái sinh sản để tránh cận huyết, ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn thỏ. Tốt nhất sau một khoảng thời gian nên đổi thỏ đực sang các trang trại khác, sẽ giúp đàn thỏ phát triển tốt.

Khi thỏ đẻ và tiết sữa, phải cho thỏ uống nhiều nước, thường xuyên để nước sạch mát trong lồng, tránh hiện tượng thỏ mẹ thiếu sữa. Thời gian này nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường hoặc ăn mía đế phục hồi sức khỏe nhanh, tiết nhiều sữa, giúp đàn con phát triển tốt.

Thỏ cái nuôi con cần được đảm bảo đầy đủ khẩu phần ăn để có đủ sữa cho thỏ con, bởi trong 18 ngày đầu đời, thỏ con sống phụ thuộc hoàn toàn vào lượng sữa mẹ tiết ra. Khẩu phần ăn hàng ngày yêu cầu cần đảm bảo 600 - 800 gam lá các loại, 200 - 300 gam củ quả và 200 - 300 gam thức ăn tinh hỗn hợp đảm bảo 16% protein.

“Thời gian đầu, tôi chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên thỏ chết nhiều. Có những ngày thỏ chết trắng chuồng, cũng nản chẳng thiết tha làm nữa. Tuy nhiên, vì đám thỏ con còn nhiều, dự kiến nuôi nốt để bán thì chúng lại sinh sôi nảy nở. Từ đó, gia đình lại kiên trì theo nghề, dần tự rút ra kinh nghiệm về cách chăm sóc thỏ”, ông Khánh kể.

Bí quyết đảm bảo môi trường sống cho thỏ

“So với các giống vật nuôi khác, thỏ rất dễ bị bệnh và chết rất nhanh. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiêm vacxin phòng bệnh và bổ sung các loại vitamin, bà con nên tận dụng diện tích đất xung quanh chuồng trại nếu có để trồng các loại như cỏ, lá mật gấu, đinh lăng, chè..., vừa làm thức ăn, vừa là thảo dược để ngừa bệnh tiêu chảy và bổ sung chất đạm cho thỏ”, ông Khánh khuyên.

IMG_4041

Vào mùa hè, nhiệt độ trong trại nuôi thỏ không được quá 34 độ C, nhiệt độ thích hợp nhất từ 20 đến 28 độ C. Ảnh: Diệu Vy.

Theo kinh nghiệm của ông Khánh, thỏ rất dễ nhiễm bệnh ngoài da và đường ruột nên chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo, ngăn từng lồng. Lồng nuôi được đặt trên các trụ cách mặt đất 70cm và được trang bị hệ thống uống nước tự động. Sau 30 ngày tuổi thì chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm.

Đặc biệt, vì sức đề kháng của thỏ kém, bà con nên phun khử trùng chuồng trại 1 tuần/lần giúp đảm bảo môi trường sống cho thỏ.

Chủ trại cũng lưu ý bà con, khi mới chăn nuôi, thỏ rất dễ bị các bệnh rối loạn tiêu hoá, đường ruột. Do đó, người nuôi nên tạo cho thỏ phản xạ ăn uống có điều kiện về thời gian. Tại trại thỏ của ông Khánh, thỏ được bố trí thức ăn thô xanh trong buổi sáng, còn buổi chiều tối dùng cám (loại dành riêng cho thỏ).

Để đảm bảo đủ lượng rau cỏ trong khẩu phần ăn cho đàn thỏ, bà Nguyễn Thu Hà, vợ ông Khánh cho biết, sáng nào hai ông bà cũng đi cắt cỏ, hái rau. Riêng công việc này cũng đã rất mất thời gian và công sức.

IMG_4047

Nhờ vận dụng đúng phương pháp trong chăn nuôi, trại thỏ của ông Khánh đạt tổng đàn 3.000 – 4.000 con, trong đó có 200 thỏ mẹ sinh sản. Thỏ xuất ra đến đâu thương lái thu mua ngay đến đó. Ảnh: Diệu Vy.

“Việc tự trồng rau cỏ giúp đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh cho thỏ. Nếu mua bên ngoài, bà con sẽ không kiểm soát được rau cỏ có phun thuốc không, thỏ không may ăn phải rau cỏ có thuốc sẽ dễ bị chết, khiến đàn thỏ bị hao hụt”, bà Hà tâm sự thêm.

Hiện nay, trại thỏ của ông Khánh được chăn nuôi theo quy mô khép kín, hiện đại, trang bị hệ thống quạt làm lạnh, nước uống tự động và máng đựng thức ăn tinh, có quạt để điều chỉnh nhiệt độ...

Xem thêm
Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.