Gác bằng cử nhân với ước mơ làm giàu từ con thỏ
Được sự giới thiệu của Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, chúng tôi tìm đến HTX thỏ sạch An Nhơn Tây vào một buổi chiều cũng là lúc anh Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc HTX đang chăm sóc cho đàn thỏ. Những chú thỏ trắng tinh sạch sẽ được nuôi trong từng ô, có máng đồ ăn riêng, hệ thống nước uống tự động, hệ thống quạt, hệ thống làm mát trên trên mái, tấm cách nhiệt chống nóng… Nhìn vào cách làm chuyên nghiệp này mới thấy được tâm huyết của anh Hùng với quyết tâm làm giàu từ nghề nuôi thỏ.
Nói về cơ duyên đến với việc nuôi thỏ, anh Hùng cho biết, từ khi còn là sinh viên Khoa Môi trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, anh đã tìm hiểu về con vật nuôi này. Sau khi tốt nghiệp, Hùng đi làm tại công ty nhà nước, rồi chuyển sang tư nhân với chuyên ngành an toàn môi trường với mức lương ổn định. Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời chính là lúc Hùng nhận ra “cần phải thay đổi, tìm hướng đi mới”.
Năm 2017, trong khi đi tìm mô hình chăn nuôi, với sự nhạy bén của mình, Hùng nhận thấy về mặt kinh tế, thỏ sinh sản nhanh, trong khi đó, trên thị trường chưa có nhiều người đầu tư bài bản, sẽ dễ cho mình cạnh tranh.
Vừa làm vừa học kinh doanh, vừa tìm kiếm đầu ra, Hùng quyết phải chăn nuôi khác với các hộ chăn nuôi thuần túy. “Người chăn nuôi trước đây chỉ biết chăn nuôi rồi bán cho thương lái, nhà vườn thì đem lên quán bán để kiếm chênh lệch. Người ta không đầu tư nhiều về chất lượng, không có thương hiệu, bán bấp bênh. Vì vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu làm mô hình thỏ sạch và phải làm theo hướng kinh tế nông nghiệp để đem đến giá trị cao cho sản phẩm chăn nuôi”, anh Hùng chia sẻ.
Liên kết chăn nuôi bền vững
Bà Huỳnh Khánh Thủy Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM cho biết, HTX thỏ sạch An Nhơn Tây cũng như các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM khi mới thành lập đều được trung tâm hỗ trợ miễn phí xây dựng thương hiệu, trang web, thiết kế logo, bao bì, tờ bướm quảng bá cho sản phẩm.
Đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu cho 371 đơn vị; Hỗ trợ bao bì, tem, bảng hiệu cho 374 đơn vị; Hỗ trợ ấn phẩm quảng bá cho 329 đơn vị; Hỗ trợ xây dựng, nâng cấp website cho 266 đơn vị.
Năm 2020, sau khi thành công, Hùng mở rộng các trại vệ tinh cùng chăn nuôi, sau đó thành lập tổ hợp tác chăn nuôi thỏ An Nhơn Tây và đến 25/3/2022, HTX thỏ sạch An Nhơn Tây được thành lập với 40 thành viên là các hộ nông dân tại Củ Chi, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cà Mau hoạt động theo mô hình chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra.
Với định hướng mô hình thỏ sạch, thỏ thịt chất lượng cao, HTX thỏ sạch An Nhơn Tây tập trung ở con giống, lựa chọn giống tốt giao cho hội viên. Quy trình chăn nuôi khép kín được áp dụng là mô hình nuôi thỏ công nghiệp, với lồng nuôi công nghiệp, mỗi con thỏ ở trong một ô riêng, hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Hội viên HTX sẽ được tư vấn, chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi thỏ như công tác phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại định kỳ, xử lý chất thải chăn nuôi… theo quy trình chăn nuôi khép kín của HTX để đảm bảo đầu ra được đồng đều về chất lượng, sản lượng đủ năng lực để cung cấp cho đối tác, chất lượng ổn định, giá cạnh tranh được. Đồng thời, thành viên HTX được mua giống, cám, thuốc với giá ưu đãi, được bao tiêu 100% đầu ra với giá từ 60.000-80.000 đồng/kg thịt thỏ.
“Người chăn nuôi chỉ việc tập trung vào chăn nuôi để tăng hiệu quả, giảm hao hụt và có lợi nhuận. Làm tốt đúng quy trình sẽ giảm mầm bệnh, thỏ khỏe mạnh sẽ không cần dùng kháng sinh. Thức ăn ngoài cám viên dành cho thỏ, HTX còn sử dụng thêm phụ phẩm như rau cỏ, thức ăn thô với tỉ lệ 50% thức ăn tinh – 50% thức ăn thô để đảm bảo thịt thỏ dai, thơm”, giám đốc HTX thỏ sạch An Nhơn Tây Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Để hỗ trợ xã viên trong suốt quá trình chăn nuôi, HTX lập nhóm zalo hỗ trợ kỹ thuật gồm 2 kỹ sư thú y, ai có vấn đề gì sẽ mô tả bệnh, gửi hình ảnh thỏ lên nhóm là được tư vấn hỗ trợ chẩn đoán đúng bệnh, tìm đúng thuốc, đúng thời điểm giảm thiệt hại trong chăn nuôi.
Là một trong những thành viên của HTX thỏ sạch An Nhơn Tây, anh Nguyễn Thanh Toàn (ngụ 189 ấp Lót Tràm, xã An Nhơn Tây, Củ Chi) đã mạnh dạn đầu tư từ 100 con thỏ ban đầu, đến nay tăng lên 500 con bao gồm thỏ lái, thỏ giống, thỏ thịt. Trung bình mỗi tháng anh Toàn xuất khoảng 200 con thỏ với giá 70.000 đồng/con. “Từ khi vào HTX, hội viên chúng tôi chăn nuôi dễ dàng hơn vì có nhiều anh em cùng chia sẻ kinh nghiệm giúp mình nuôi tốt hơn, nhàn hơn, lại yên tâm về đầu ra. Mỗi tháng bình quân thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng từ việc nuôi thỏ, tốt hơn nhiều lúc tôi đi làm công nhân, lại có thời gian rảnh chăm sóc gia đình vì một ngày chỉ mất khoảng 3-4h chăm sóc thỏ. Tôi đang đầu tư mở rộng thêm trang trại để nuôi thêm khoảng 400 con thỏ”, anh Toàn chia sẻ.
Đến nay, quy mô tổng đàn của HTX thỏ sạch An Nhơn Tây là trên 3.000 thỏ sinh sản và 20.000 thỏ thịt. Để chăn nuôi thỏ bền vững, không phải phụ thuộc bởi thương lái, không bị tác động bởi biến động thị trường, HTX phát triển cơ sở chế biến cũng như 2 điểm bán thỏ quay trực tiếp tới tay người tiêu dùng, ngoài ra cung cấp cho 30 đối tác phân phối và bán các sản phẩm thỏ quay.
Chính việc xây dựng mô hình chăn nuôi bền vững từ người chăn nuôi, đảm bảo cho người chăn nuôi có lợi nhuận, cho đến người thu mua, chế biến bán ra thị trường tới khách hàng sẽ tạo ra chuỗi liên kết gắn kết, mỗi khâu, mỗi mắt xích ai cũng có lợi nhuận, đã giúp cho HTX thỏ sạch An Nhơn Tây đảm bảo chuỗi chạy đều và ổn định về đầu ra, tăng thu nhập cho mỗi hội viên. Hàng tháng HTX cung cấp ra thị trường trên dưới 3.000 con thỏ móc hàm, tương đương 6 tấn thịt thỏ cho thị trường TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Quốc.
Giám đốc HTX thỏ sạch An Nhơn Tây cho biết, hiện HTX đang làm hồ sơ để thẩm định sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Hội Nông dân TP.HCM đã tư vấn HTX phát triển hơn nữa bằng việc xây dựng theo hướng thỏ thảo dược nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn, cũng như sản phẩm đặc biệt hơn, chất lượng hơn cung ứng cho thị trường trong thời gian tới.
Mô hình HTX thỏ sạch An Nhơn Tây là một trong những mô hình chăn nuôi kinh doanh hiệu quả từ chính những thay đổi trong tư duy "kinh tế nông nghiệp" trong bối cảnh hiện nay, để từ đó giúp các hộ chăn nuôi phát triển bền vững hơn, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM đánh giá, HTX thỏ sạch An Nhơn Tây là một mô hình chăn nuôi mới trên địa bàn huyện Củ Chi, nhưng đã nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và xây dựng được phương án kinh doanh hiệu quả nên đã gặt hái được những thành công bước đầu đáng khích lệ. Đây cũng là địa điểm của hội viên nông dân các xã Nhuận Đức, Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) và một số huyện thuộc tỉnh Tiền Giang và lân cận đến tham quan học tập kinh nghiệm và phát triển mô hình.