| Hotline: 0983.970.780

Khấm khá nhờ trồng hoa giấy

Thứ Năm 09/07/2020 , 10:42 (GMT+7)

Đến thăm vườn hoa giấy của anh Lê Ngọc Hải với diện tích 1 ha có đến 5.000 gốc hoa lớn nhỏ khác nhau, có cây giá trị lên đến cả trăm triệu đồng.

Anh cũng là người tiên phong trồng hoa giấy đầu tiên của xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An có thu nhập đều đặn 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Nhằm đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như nâng cao giá trị kinh tế, nhiều nông dân ở xã Nghi Ân đã sáng tạo những cây hoa, cây cảnh độc đáo, mới lạ. Trong đó, vườn hoa giấy ngũ sắc có tới 5 màu (đỏ, cam, vàng, hồng, trắng) của anh Lê Ngọc Hải nổi bật giữa bạt ngàn hoa. Sinh ra và lớn lên ở xã Nghi Ân, nơi có nghề trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng, ngay từ khi còn nhỏ, anh Hải đã làm quen với công việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. Lớn lên, anh tiếp nối nghề truyền thống của địa phương và gia đình như một lẽ tự nhiên.

Vườn hoa giấy của anh Hải.

Vườn hoa giấy của anh Hải.

Cách đây khoảng 15 năm, anh Hải bắt đầu khởi nghiệp từ một vườn cây cảnh nhỏ. Những năm đầu trồng cây, do nắm bắt được nhu cầu thị trường, thời tiết thuận lợi, anh thắng lớn, có thêm vốn, kinh nghiệm để mở rộng sang các loại cây cảnh khác. Tuy nhiên vài năm trở lại đây do cung vượt cầu nên các loài cây cảnh ế ẩm. Cách đây 4 năm, anh Hải đã tìm hiểu và đưa giống cây hoa giấy ngũ sắc từ Thái Lan, Lào về trồng.

Theo anh Hải, hoa giấy ngũ sắc được ghép mắt từ loài hoa giấy Thái Lan. So với loại hoa giấy ở Việt Nam, giống cây này có ưu điểm là khỏe mạnh, dễ chăm sóc, chịu được thời tiết rét, cây cho hoa quanh năm, sai hoa, thời gian lặp hoa nhanh, màu sắc hoa phong phú, rực rỡ, hoa nở kéo dài từ 20 - 45 ngày...

Anh Hải quyết tâm lặn lội sang Thái Lan, Lào và tìm mua gốc cây hoa giấy về trồng. Có những cây tuổi đời 15 - 20 năm, dáng, thế đẹp, anh phải mất nhiều công sức và chi phí để mua và vận chuyển về quê. Mua được cây giống đã khó, anh còn mày mò, tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây để về áp dụng. Trong đó, công đoạn chỉnh sửa, uốn thế cây theo anh là khó nhất, đòi hỏi tay nghề cao của người thợ.

Với đôi tay khéo léo, cần cù, óc sáng tạo và không ngừng học hỏi, vườn hoa giấy ngũ sắc của anh Hải phát triển tốt, cho hoa đẹp, nổi bật giữa các loại cây cảnh truyền thống của địa phương. Vườn cây thu hút được khá đông khách đến tham quan, học tập và mua cây.

Theo phân tích của anh Hải, hoa giấy là loài cây rất khỏe, có thể sống và phát triển trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Không chỉ “dễ tính”, hoa giấy còn sở hữu những màu sắc rất đẹp, nhưng được ưa chuộng nhất là màu xác pháo, màu trắng và màu vàng.

Anh Hải hướng dẫn ghép cành.

Anh Hải hướng dẫn ghép cành.

Hiện, trong nhà vườn của anh Hải có 1 cây hoa giấy anh mới mua ở huyện Yên Thành về có giá 100 triệu đồng và có nhiều người ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa đến trả 500 triệu đồng mà anh không bán. Còn những cây có giá vài ba chục triệu thì chiếm đa số trong hàng trăm cây đang đứng trong vườn.

Hoa giấy được xem là cây hoa dương tính, loại cây đại phát lộc, do đó hiện nay rất được người chơi ưa chuộng. Người nhiều tiền, có vị thế trong xã hội thì chơi cây to, người ít tiền thì chơi cây nhỏ. Hoa giấy cho hoa quanh năm, màu hoa rực rỡ, nhất là màu hoa xác pháo. Hoa giấy bất cứ kích cỡ nào cũng được tiêu thụ mạnh.

Theo anh Hải, hoa giấy cho hoa nhiều vào 2 mùa chính, là mùa xuân và mùa hè. Vào 2 mùa này nhìn cây hoa giấy chỉ thấy hoa chứ không thấy lá. Nhưng thực chất có thể cho hoa giấy ra hoa quanh năm. Muốn hoa giấy cho hoa vào những mùa không phải mùa chính, chủ nhà vườn chỉ cần bỏ khô, không tưới nước khoảng 1 tuần, khi ấy toàn bộ lá cây đều úa, nhưng đừng sợ cây chết. Sau khi lá đã úa hết, chủ vườn có thể cắt tỉa, tạo dáng cho cây theo ý thích của mình, sau đó cho nó “ăn” một ít phân NPK để bổ sung dinh dưỡng tạo cành tạo hoa. Sau khi cây ra hoa cần tưới nước nhiều, có thể tưới 1 ngày 2 lần, hoa sẽ sáng rực cả cây.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Hải còn nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân của địa phương về kiến thức trồng hoa giấy.

Một cây hoa giấy cổ thụ.

Một cây hoa giấy cổ thụ.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.