| Hotline: 0983.970.780

Làm nông trên lưng chừng núi giữa biển Tây

Thứ Ba 03/05/2022 , 07:05 (GMT+7)

KIÊN GIANG Sống ở đảo khơi với quỹ đất hạn hẹp, nông dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) phải lên lưng chừng núi, chắt chiu những triền đất ít dốc để làm nông rất vất vả.

Những vườn cây giữa lưng chừng núi

Bài liên quan

Lên tàu cao tốc từ TP Rạch Giá ra huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang), sau hành trình khoảng một tiếng lênh đênh trên biển, đảo Hòn Tre đã hiện ra trước mắt. Nhìn từ xa, đảo Hòn Tre có hình dáng như một con rùa đang bơi giữa biển, với phần thân là một núi đá lớn và phần đầu là một núi đá nhỏ.

Tàu cập cảng, có rất nhiều tài xế xe ôm sẵn sàng chở khách vi vu quanh đảo hoặc giao hẳn xe cho khách tự chạy với chi phí chỉ hơn 100.000 đồng một ngày. Họ chỉ cần lấy số điện thoại là vui vẻ giao xe trị giá cả chục triệu đồng cho những vị khách xa lạ, một kiểu cho thuê xe đặc thù chỉ có ở các đảo.

Nhìn từ xa, đảo Hòn Tre có hình dáng như một con rùa đang bơi giữa biển. Ảnh: Trung Chánh.

Nhìn từ xa, đảo Hòn Tre có hình dáng như một con rùa đang bơi giữa biển. Ảnh: Trung Chánh.

Bài liên quan

Từ con đường giao thông nông thôn mới bằng bê tông quanh đảo Hòn Tre, cặp bên hông những căn nhà là đường mòn, lối mở dốc ngược lên trời dẫn vào vườn cây, trại nuôi gà lưng chừng núi của các hộ dân. Nếu không có người quen dẫn đường, khó mà tìm ra đúng những vườn cây dù đã được chỉ dẫn chu đáo.

Theo chân anh Đỗ Trung và chị Trần Thị Thủy, Trưởng trạm và Phó trưởng trạm Khuyến nông huyện Kiên Hải, chúng tôi tìm đường lên khu vườn của chị Tô Diễm Thúy và anh Đinh Văn Nhớ ở ấp 3, xã Hòn Tre. Con đường ngoằn ngèo xen lẫn với những tảng đá lớn nhỏ lởm chởm. Vậy mà những người dân ở đây họ quen chân đi thoăn thoát, mang vác vật tư lên để chăm sóc vườn cây, thức ăn nuôi gà, xong lại gùi nông sản xuống bán.

Gần tới nơi, chúng tôi phải gọi điện thoại cầu cứu chủ vườn Tô Diễm Thúy để khỏi đi lạc, vì lúc này đã thấm mệt, chỉ đi một đoạn ngắn cũng thấy đuối. Khu vườn của chị Thúy nằm ở lưng chừng núi, với những dây hồ tiêu bám trên trụ sống là cây xoan, cây gòn cao tới 6 - 7m như đâm toạc vào mây trời. Ngoài ra, chị còn trồng rất nhiều loại cây khác như xoài cát Hòa Lộc, dâu, mận, bơ…

Làm nông trên đảo núi rất vất vả, cán bộ khuyến nông huyện Kiên Hải phải thường xuyên leo núi để chuyển giao kỹ thuật cho nhà nông. Ảnh: Trung Chánh.

Làm nông trên đảo núi rất vất vả, cán bộ khuyến nông huyện Kiên Hải phải thường xuyên leo núi để chuyển giao kỹ thuật cho nhà nông. Ảnh: Trung Chánh.

Bài liên quan

Chị Thúy bảo làm vườn trên núi này có lợi thế là đất núi có nhiều dưỡng chất, cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh tấn công. Nhưng cái khó là quỹ đất hạn hẹp và đặc biệt là phải tìm ra được mạch nước ngầm từ các khe núi để có nước tưới vào mùa khô. Để trữ nước, người dân phải tìm những triền đất bằng để xây bể chứa hoặc đào hầm lót bạt tốn khá nhiều công sức, tiền của.

Để sản xuất trên núi, có khi công vận chuyển còn tốn gấp mấy lần chi phí mua vật tư. Cách đây gần chục năm, khi gia đình chị Thúy đầu tư xây bể chứa nước, mỗi bao xi măng mua địa lý chở tới nhà giá chỉ 90.000 đồng nhưng công mướn người vác lên núi hết hơn 100.000 đồng. Tốn nhiều nhất là tiền thuê vác cát, đá, vì công vác họ cân ký tính tiền. “Tiền mua vật tư xây bể chứa nước chỉ khoảng 30 triệu đồng, nhưng làm xong tính cả tiền vận chuyển, tiền công thợ thành ra gần 120 triệu đồng. Đúng là một tiền già ba tiền thóc”, chị Thúy nhớ lại.

Anh Đỗ Trung và chị Trần Thị Thủy, Trưởng trạm và Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kiên Hải đang trao đổi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Đỗ Trung và chị Trần Thị Thủy, Trưởng trạm và Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kiên Hải đang trao đổi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ. Ảnh: Trung Chánh.

Bài liên quan

Cách vườn của chị Thúy không xa là vườn của anh Sáu Nhớ (Đinh Văn Nhớ). Quê gốc Đồng Tháp, cha mẹ anh Sáu Nhớ qua Kiên Giang chọn đảo Hòn Tre lập nghiệp cách đây hơn nửa thế kỷ. Gia đình 6 anh, em đều sinh ra và lớn lên trên đảo. Thời đó, ở đảo học hành khó khăn nên hết lớp 8 anh Sáu Nhớ nghỉ học và theo tàu cá của gia đình ra khơi đánh bắt. Sau một thời gian lênh đênh trên biển, Sáu Nhớ nghỉ để lên bờ làm kinh tế vườn với 3ha trồng hồ tiêu, xoài cát và gần đây là trồng thêm bơ.

Khoảng năm 2015 - 2016, thời điểm giá tiêu lên đỉnh điểm hơn 200.000 đồng/kg, nông dân trồng hồ tiêu ở Kiên Hải hốt bạc. Đến năm 2017, giá tiêu bắt đầu giảm xuống còn 185.000 đồng/kg, nhưng mức giá này nhà vườn vẫn sống khỏe. Và khi tiêu xuống rẻ nhất chỉ còn 45.000 đồng/kg (năm 2019), nhà vườn bỏ bê không chăm sóc, năng suất giảm mạnh, dẫn đến lỗ cả công thu hoạch.

Chị Trần Thị Thủy (bên phải), Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kiên Hải hướng dẫn nhà vườn Tô Diễn Thúy kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Trung Chánh.

Chị Trần Thị Thủy (bên phải), Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kiên Hải hướng dẫn nhà vườn Tô Diễn Thúy kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Trung Chánh.

 Hiện giá tiêu đã tăng trở lại, ở mức 85.000 - 90.000 đồng/kg tiêu đen (tiêu chín phơi khô). Nếu như trước đây, với giá này nông dân đã có lãi nhưng hiện nay giá vật tư phân bón tăng rất cao nên chi phí đầu tư ăn hết vào lợi nhuận. Theo anh Nhớ, để giảm chi phí, anh và nhiều nhà vườn đã bàn tính cùng nhau vào đất liền mua phân bón từ đại lí lớn, sau đó thuê tàu chở ra đảo.  

Ngoài hồ tiêu, người dân Hòn Tre còn có thêm thu nhập từ trồng xoài cát Hòa Lộc và bơ. Anh Sáu Nhớ bảo: “Giá xoài hiện nay từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, cứ bẻ một cần xé xoài vác xuống là cũng kiếm được tiền triệu. Từ đầu vụ đến nay, tui đã thu hơn 1 tấn xoài, mùa xoài ở đây thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch năm trước kéo dài đến tháng 5 năm sau, nên còn thu hoạch thêm 1 - 2 tháng nữa”.

Làm vườn trên sườn núi, với những dây hồ tiêu bám trên trụ sống là cây xoan, cây gòn cao tới 6 - 7 mét, nhà vườn phải dùng thang leo lên cao chăm sóc. Ảnh: Trung Chánh.

Làm vườn trên sườn núi, với những dây hồ tiêu bám trên trụ sống là cây xoan, cây gòn cao tới 6 - 7 mét, nhà vườn phải dùng thang leo lên cao chăm sóc. Ảnh: Trung Chánh.

Trưởng trạm Khuyến nông huyện đảo Kiên Hải Đỗ Trung cho biết: “Do đặc thù là huyện đảo nên đất dành cho canh tác nông nghiệp của Kiên Hải khá khiêm tốn. Trong tổng diện tích 1.896ha đất nông nghiệp toàn huyện thì chỉ có 609ha là đất sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ. Phần lớn đất bằng phẳng ở quanh các chân đảo là dành cho đất ở và đường giao thông, nên nông dân phải khai phá những triền đất bằng và ít dốc trên lưng chừng núi để làm vườn, chăn nuôi… Nông dân chủ yếu trồng xen các loại cây như hồ tiêu, bơ, xoài, mít, dừa, thanh long, rau màu các loại…”.

Đặc thù là huyện đảo với xu hướng phát triển du lịch sinh thái nên việc đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi về quy mô, hình thức nuôi không được khuyến khích phát triển. Chỉ tập trung ở quy mô nông hộ, chăn nuôi gia cầm thả vườn, trong đó gà nuôi thả vườn ở các triền đồi của huyện Kiên Hải thịt rất thơm ngon. Ngoài các loại hải sản tươi sống như cá bống mú, cá bóp, tôm thẻ biển, tôm tích, ghẹ, mực… thì món cháo gà tại đảo Hòn Tre rất được du khách và người địa phương ưa chuộng. Hiện toàn huyện có đàn gia cầm khoảng 21.000 con, chủ yếu là nuôi gà thả vườn.

Thế mạnh nuôi hải sản

Kiên Hải là huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, được hình thành bởi các đảo Hòn Tre, Lại Sơn và quần đảo Nam Du. Các cụm đảo này được bàn tay của tạo hóa sắp đặt với khoảng cách khá đều nhau, khoảng 30km mỗi chặng. Trong đó, Hòn Tre là xã đảo, trung tâm huyện lỵ Kiên Hải. Kinh tế biển có đóng góp rất lớn đối với Kiên Hải.

Ngoài nuôi cá lồng bè, ngư dân xã đảo Hò Tre còn đầu tư nuôi hàu Thái Bình Dương. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài nuôi cá lồng bè, ngư dân xã đảo Hò Tre còn đầu tư nuôi hàu Thái Bình Dương. Ảnh: Trung Chánh.

Ngư dân Lê Văn Hơn (Sáu Hơn, 70 tuổi), đã có hơn 50 năm sinh sống trên đảo Hòn Tre và bám biển mưu sinh. Khi nghề đi biển qua thời hoàng kim, ông Sáu Hơn bán tàu, đầu tư làm lồng bè nuôi cá bớp, cá mú trân châu và hiện nay là có thêm cá chim vây vàng, cá bè vẩu…

Ông Sáu Hơn tâm sự, xu hướng chuyển dịch từ khai thác tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản là tất yếu. Tuy nhiên, nghề nuôi biển cũng có những khó khăn thách thức như chi phí đầu tư công nghệ nuôi hiện đại rất cao, nguồn nước vùng nuôi ngày càng ô nhiễm, chất lượng con giống chưa được kiểm định nên tỷ lệ hao hụt còn cao. 

Hiện giá cá biển nuôi đã tăng bật trở lại sau dịch bệnh Covid-19, người nuôi đang rất phấn khởi và mạnh dạn đầu tư. Nằm chung khu vực nuôi với ông Sáu Hơn, anh Lê Việt Hồng đang đầu tư nuôi cá bớp, cá chim vây vàng…

Anh Hồng đang chờ đến dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sẽ xuất bán bầy cá bớp hiện đã đạt 5 - 6 kg/con. Anh Hồng cho biết, hiện giá cá bớp đã tăng lên 200.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với thời điểm năm ngoái khi giãn cách xã hội. Với mức giá này, mỗi con cá xuất bán ngư dân có thể thu về tiền triệu, lãi khoảng 50 - 60% sau khi trừ chi phí đầu tư.

Ngư dân Lê Văn Hơn năm nay 70 tuổi, đã có hơn 50 năm sinh sống trên đảo Hòn Tre và bám biển mưu sinh. Ảnh: Trung Chánh.

Ngư dân Lê Văn Hơn năm nay 70 tuổi, đã có hơn 50 năm sinh sống trên đảo Hòn Tre và bám biển mưu sinh. Ảnh: Trung Chánh.

Huyện đảo Kiên Hải đang tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về phát triển nuôi trồng thủy sản quanh các đảo nhằm bù đắp sự sụt giảm của khai thác hải sản, tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn và tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi trồng. Hiện nay toàn huyện có 223 hộ đầu tư nuôi trồng thủy sản, với 1.110 lồng nuôi, nhiều nhất là quần đảo Nam Du với 90 hộ, 454 lồng nuôi, đảo Hòn Tre 42 hộ, 269 lồng, còn lại là An Sơn và Lại Sơn. Mỗi năm sản lượng cá nuôi lồng bè của ngư dân Kiên Hải khoảng hơn 1.000 tấn, với doanh thu khoảng từ 150 - 200 tỷ đồng.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.