| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương "giải cứu" lúa Đông Xuân

Thứ Tư 13/04/2011 , 09:46 (GMT+7)

 

Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát vừa có Công điện số 12/CĐ- BNN - TT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP các tỉnh phía Bắc về chỉ đạo sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2010-2011. 

Đến nay các tỉnh phía Bắc đã gieo cấy cơ bản xong lúa vụ Đông Xuân 2010-2011, tuy nhiên vừa qua thời tiết tiếp tục có nhiều đợt rét, độ ẩm không khí lớn, số giờ nắng trong ngày thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đã làm hạn chế quá trình hấp thu dinh dưỡng, quang hợp và đẻ nhánh của cây lúa, dẫn tới lúa sinh trưởng phát triển chậm và đẻ nhánh muộn hơn so với cùng kỳ hàng năm. Nhiều diện tích cấy từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 chưa đẻ nhánh, hàng chục ngàn ha lúa bị nghẹt rễ, vàng lá.

 Để chăm sóc lúa kịp thời, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết, đảm bảo thắng lợi sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2010-2011, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP phía Bắc tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Với lúa gieo cấy sớm đã bón thúc đợt 2, đang chuẩn bị phân hoá đòng cần tăng cường chăm sóc, không bón thêm đạm để hạn chế lúa đẻ lai rai, tập trung bón nuôi đòng, đặc biệt tăng cường bón kali để tăng số hạt chắc trên bông.

2. Với lúa gieo cấy mới bón thúc đợt 1, đã đến kỳ bón thúc đợt 2 cần phải bón thúc ngay; bón đủ lượng, bón cân đối N:P:K. Nếu lúa có biểu hiện vàng lá, nghẹt rễ, khi bón thúc nên kết hợp làm cỏ sục bùn, bón thêm vôi bột, tăng cường sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh kết hợp với phân bón lá.

3. Với lúa gieo cấy muộn chưa bón thúc phải khẩn trương bón thúc ngay, bón cân đối N: P: K, tăng cường sử dụng phân NPK tổng hợp. Trên các chân ruộng nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ nước kém có thể kết hợp phun bổ sung dinh dưỡng bằng các loại phân bón lá, duy trì mực nước trên ruộng từ 2- 3cm để lúa đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển nhanh.

4. Với diện tích lúa vùng chua trũng có biểu hiện bị nghẹt rễ, vàng lá cần làm cỏ sục bùn, thay nước, đồng thời bón bổ sung vôi bột, phân lân super hoặc phân vi sinh tổng hợp kết hợp phun phân bón qua lá. Chỉ bón thêm đạm cho lúa bị nghẹt rễ sau khi đã làm cỏ sục bùn, bón thêm vôi bột, phân lân super hoặc phân vi sinh...và khi cây lúa có biểu hiện phục hồi ra rễ, lá mới.

5. Đối với lúa gieo thẳng khẩn trương kết thúc tỉa dặm, bón thúc tập trung, cân đối N: P: K, duy trì mực nước ruộng 2-3 cm để thúc đẩy lúa đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển tốt.

6. Hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại lúa, đặc biệt đối với các đối tượng như rầy, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn. Với những diện tích lúa đã nhiễm bệnh lùn sọc đen cần sớm phát hiện, nhổ, vùi ngay những khóm lúa bị bệnh; phân loại mức độ nhiễm bệnh và tuân thủ triệt để hướng dẫn về phương pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa của Ngành bảo vệ thực vật.

7. Lúa Đông Xuân năm nay sẽ trỗ muộn hơn so với mọi năm, một số diện tích sản xuất giống không kịp thu hoạch để chuyển vụ, do vậy các địa phương cần chủ động bố trí lịch gieo cấy, cơ cấu giống và các giải pháp kỹ thuật phù hợp, chuẩn bị đủ giống và vật tư cho vụ Hè Thu, vụ mùa tiếp theo.

8. Phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại đến sinh trưởng, phát triển của lúa.

9. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, thường xuyên đưa tin chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa để nông dân nắm bắt kịp thời và áp dụng trong sản xuất đạt hiệu quả.

+ Tính từ đầu vụ Đông Xuân đến cuối tháng 3, miền Bắc hứng chịu trên 20 đợt không khí lạnh tăng cường, trong đó có bốn đợt rét đậm, rét hại; sang đến tháng 3/2011 đợt gió mùa đông bắc ngày 15/3 có cường độ hiếm thấy trong thời kỳ giữa tháng 3 gây gió mạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao làm nhiệt độ giảm mạnh, nhiệt độ trung bình ngày sau 48 giờ giảm 8-9 độ C gây rét hại ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

+ Rét hại kéo dài, biên độ nhiệt độ ngày đêm cao, độ ẩm không khí lớn, số giờ nắng trong ngày thấp so với cùng kỳ năm trước, đã làm hạn chế quá trình hấp thu dinh dưỡng và đẻ nhánh của cây lúa, dẫn tới lúa sinh trưởng phát triển chậm và đẻ nhánh muộn hơn so với cùng kỳ hàng năm. 

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.