| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương hỗ trợ hộ dân có heo chết sau khi tiêm vacxin NAVET-ASFVAC

Thứ Năm 22/09/2022 , 06:45 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Sau khi xảy ra sự cố heo chết sau tiêm vacxin NAVET-ASFVAC, ngành chức năng Bình Định khẩn trương lập danh sách hộ bị thiệt hại, đề nghị Navetco sớm hỗ trợ cho bà con.

Sau khi vacxin NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) được công nhận và cấp phép lưu hành, Cục Thú y lựa chọn Bình Định là một trong 24 địa phương tham gia thí điểm tiêm vacxin NAVET-ASFVAC có điều kiện trước khi cho tiêm đại trà. Theo đó, Bình Định đăng ký mua 100.000 liều vacxin NAVET-ASFVAC để tiêm thí điểm diện hẹp giai đoạn 1.

Hiện Bình Định đã dừng tiêm phòng vacxin NAVET-ASFVAC cho đàn heo. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện Bình Định đã dừng tiêm phòng vacxin NAVET-ASFVAC cho đàn heo. Ảnh: V.Đ.T.

Sở NN-PTNT Bình Định giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát, lập danh sách và lựa chọn các cơ sở đủ điều kiện tham gia tiêm phòng. Đợt thí điểm đầu tiên, cả tỉnh có 85 cơ sở đăng ký tiêm. Qua rà soát, ngành nông nghiệp Bình Định chỉ chọn 9/85 cơ sở đủ điều kiện tham gia tiêm thí điểm với 905 liều. Quá trình tiêm thí điểm giai đoạn 1 có sự giám sát của cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cùng cán bộ của Navetco, số heo tiêm phòng trong đợt này đều ổn định.

Nhận thấy đợt tiêm thí điểm vacxin NAVET-ASFVAC giai đoạn 1 heo được tiêm không có phản ứng xấu, vào đầu tháng 8/2022, nhiều hộ chăn nuôi chủ động mua vacxin NAVET-ASFVAC từ các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các đại lý kinh doanh thuốc thú y để tiêm phòng cho đàn heo của mình. Thế nhưng trong đợt tiêm tự phát này, đã xảy ra tình trạng sau khi tiêm vacxin khoảng 7 - 10 ngày, một số heo có biểu hiện sốt, bỏ ăn rồi chết.

“Sở dĩ xảy ra sự cố nói trên là do đợt tiêm phòng tự phát của hộ chăn nuôi không sự giám sát của ngành chức năng. Ngay sau khi nghe thông tin, Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo ngừng tiêm vacxin NAVET-ASFVAC. Song song đó, Sở NN-PTNT Bình Định khẩn trương làm việc với cơ quan chuyên môn và các địa phương tập trung rà soát nắm bắt thông tin, làm việc với Cục Thú y, với Navetco để xác định nguyên nhân.

Đồng thời, khẩn trương tổng hợp số liệu từ các địa phương để phối hợp với Navetco tìm giải pháp khắc phục sự cố, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi có heo bị chết sau khi tiêm vacxin NAVET-ASFVAC”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay.

Đàn vật nuôi ở Bình Định được ngành chức năng tiêm phòng định kỳ. Ảnh: V.Đ.T.

Đàn vật nuôi ở Bình Định được ngành chức năng tiêm phòng định kỳ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ: Sở NN-PTNT và Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định rất thận trọng trong công tác tiêm phòng. Chính vì thế, ngay khi có quyết định cho phép tiêm thí điểm diện hẹp vacxin NAVET-ASFVAC có giám sát, Sở NN-PTNT Bình Định đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo dõi sát sao quy trình tiêm phòng để kịp thời xử lý khi có vấn đề phát sinh.

Với tinh thần chủ động phòng bệnh cho vật nuôi, một số người dân đã chủ động mua và tiêm vacxin cho heo để phòng dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên do việc tiêm phòng thiếu giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc nói trên.

“Chúng tôi đã trực tiếp gặp những hộ có heo bị chết do tiêm vacxin NAVET-ASFVAC, làm việc với chính quyền các cấp để nhanh chóng rà soát, thống kê danh sách số hộ bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại. Đến cuối tháng 9 này sẽ hoàn tất số liệu để có cơ sở làm việc và đề nghị Navetco sớm hỗ trợ, khắc phục thiệt hại để bà con nhanh chóng ổn định sản xuất.

Song song đó, chúng tôi đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị, thành phố tổ chức tiêu độc, khử trùng, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại và thực hiện đầy đủ khuyến cáo của ngành chức năng trong việc tiêm phòng cho vật nuôi”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.