| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương nhân rộng diện tích chuối xuất khẩu

Thứ Ba 28/02/2023 , 09:02 (GMT+7)

Đồng Nai có diện tích chuối lớn nhất nước. Chuối tươi tỉnh này được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.

Mở rộng vùng chuyên canh

Thời điểm này ở vùng “thủ phủ” chuối tỉnh Đồng Nai, nông dân và các doanh nghiệp đang tập trung thu hoạch phục vụ cho những chuyến hàng xuất khẩu đầu năm. Đặc biệt, từ sự kiện xuất khẩu chuối tươi đầu năm Quý Mão năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai càng khiến các doanh nghiệp và nông dân trồng chuối phấn khởi vì thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn so với mọi năm.

Trong những năm gần đây diện tích chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã không ngừng tăng nhanh và được chọn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Anh: MS.

Trong những năm gần đây diện tích chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã không ngừng tăng nhanh và được chọn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Anh: MS.

Từ sau đại dịch Covid-19 trở lại đây, nhất là hiện nay giá chuối tươi xuất khẩu luôn ổn định ở mức cao từ 12-14 ngàn đồng/kg. Chuối tươi của tỉnh Đồng Nai được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Hiện, nông dân trồng chuối già cấy mô xuất khẩu có thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/ha. Do đạt lợi nhuận cao nên những năm gần đây diện tích chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã không ngừng tăng nhanh và được chọn là cây trồng chủ lực của tỉnh.

Nông dân và các doanh nghiệp ở Đồng Nai đang tập trung thu hoạch phục vụ cho những chuyến hàng xuất khẩu đầu năm. Ảnh: MS.

Nông dân và các doanh nghiệp ở Đồng Nai đang tập trung thu hoạch phục vụ cho những chuyến hàng xuất khẩu đầu năm. Ảnh: MS.

Cây chuối được trồng tập trung nhiều ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, tuy là những vùng đất đồi, sỏi đá nhưng rất phù hợp cho cây chuối sinh trưởng và phát triển. Nông dân trồng chuối cũng đã mạnh dạn đầu tư về cây giống, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cũng như đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất… Đến nay, 95% diện tích chuối trên địa bàn tỉnh được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và 100% diện tích chuối xuất khẩu được bao buồng.

Nông dân Hoàng Văn Lập, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom cho hay, hiện nay trên địa bàn xã bà con chủ yếu trồng chuối cấy mô vì cây trồng này cho lợi nhuận cao. Điều khiến bà con nông dân yên tâm mở rộng diện tích trồng chuối vì thấy địa phương thu hút nhiều thương lái, doanh nghiệp về đầu tư kho bãi đóng hàng xuất khẩu. Đo dó, giá thuê đất trồng chuối tại địa phương hiện cũng tăng lên cả trăm triệu đồng/ha/năm.

Thực tế việc hàng loạt nghị định thư xuất khẩu trái cây tươi được ký kết với Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu trái chuối nói riêng, nông sản nói chung vào thị trường lớn này trong năm 2023. Ông Lê Trung Hòa, Giám đốc Công ty GreenFarm (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) hào hứng chia sẻ: “Mỗi tháng doanh nghiệp chúng tôi bình quân xuất khẩu trên 200 container, tương đương 4 ngàn tấn chuối. Nhất là từ sau khi có Nghị định thư với Trung Quốc thì giống như mình đã có được tấm visa để xuất khẩu chính ngạch, nên việc xuất khẩu trái chuối tươi ngày càng thuận lợi. Để nhân rộng diện tích chuối xuất khẩu, chúng tôi đã tăng cường liên kết với nông dân, cung cấp cho họ các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn chuối xuất khẩu và những yêu cầu khác từ các đối tác”.

Tại các vùng chuyên canh chuối Đồng Nai ngày càng thu hút nhiều thương lái, doanh nghiệp về đầu tư kho bãi đóng hàng xuất khẩu. Ảnh: MS.

Tại các vùng chuyên canh chuối Đồng Nai ngày càng thu hút nhiều thương lái, doanh nghiệp về đầu tư kho bãi đóng hàng xuất khẩu. Ảnh: MS.

Chủ doanh nghiệp đầu tư vùng chuyên canh chuối xuất khẩu tại tỉnh Đồng Nai, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An cũng cho rằng, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải có vùng trồng gắn với nông dân, vừa hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo ông Huy, tỉnh Đồng Nai đã chọn cây chuối là cây trồng chủ lực thì đòi hỏi tính liên kết phải ngày càng cao và nghiêm túc hơn. Khi doanh nghiệp gắn với nông dân sẽ giúp sản phẩm minh bạch, tăng niềm tin của thị trường quốc tế với nông sản Việt. Thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai rất quan tâm và kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường liên kết với nông dân để có sản lượng chuối lớn cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Chuối đứng tốp đầu xuất khẩu

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, trong vài năm gần đây diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục được nhân rộng. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã có gần 14,2 ngàn ha, năng suất bình quân đạt 40 - 45 tấn/ha, cho sản lượng ước tính 450.000 tấn/năm. Đa số diện tích và sản lượng thu hoạch chuối trên địa bàn tỉnh đều cung cấp cho thị trường xuất khẩu nên nông dân trồng chuối đầu tư bài bản, cải tiến quy trình canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm giúp cây trồng đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp và chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trong vài năm gần đây diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục được nhân rộng. Ảnh: MS.

Trong vài năm gần đây diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục được nhân rộng. Ảnh: MS.

Hiện nay, chuối đang thuộc tốp đầu xuất khẩu của tỉnh Đồng Nai, năm 2022 đã xuất khẩu được trên 400 ngàn tấn chuối. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh này đã xuất khẩu trên 200 ngàn tấn chuối và dự kiến cả năm sẽ vượt con số 500 ngàn tấn. Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp xây dựng, quản lý các vùng trồng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng sản phẩm chế biến sâu và gia tăng giá trị từ phụ phẩm chuối; tổ chức sản xuất theo chuỗi và đẩy mạnh liên kết gắn với nỗ lực hoàn thiện hình ảnh trái chuối Đồng Nai trên thị trường quốc tế.

Theo ông Sinh, thời gian tới Đồng Nai tập trung nhân rộng diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng theo chuẩn thị trường xuất khẩu chính ngạch, trong đó có cây chuối phát triển bền vững hơn. Tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung, phát triển bền vững theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị bằng các cái giải pháp về khoa học công nghệ, sản xuất tiên tiến, theo hướng hữu cơ, để vừa giúp mở rộng được quy mô, cũng như khâu cơ giới hóa.

Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung, phát triển bền vững theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu hướng đến xuất khẩu. Ảnh: MS.

Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung, phát triển bền vững theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu hướng đến xuất khẩu. Ảnh: MS.

Để đến năm 2025, giá trị của ngành chuối đạt được 5000 tỉ đồng, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã đưa ra 6 nhóm giải pháp về phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng; đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh, chuyển giao các giống chuối đặc sản phù hợp với việc mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao chất lượng chuối tươi thông qua việc áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, canh tác hữu cơ, tăng cường cơ giới hóa; chuẩn hóa, nâng cấp khu sơ chế, đóng gói và bảo quản chuối; đảm bảo duy trì an toàn vệ sinh thực phẩm từ vận hành hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và công tác kiểm dịch thực vật.

Hiện nay thị trường xuất khẩu trái cây tươi nói riêng, nông sản nói chung không còn dễ tính. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2023 đối với sản phẩm chuối tươi cũng như các mặt hàng trái cây khác, Đồng Nai sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu.

“Để sản phẩm trái cây nói chung, trái chuối nói riêng phát triển mạnh và bền vững, Đồng Nai tích cực mời gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng vùng chuyên canh sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới”, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

“Việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã góp phần “chuẩn hoá” ngành hàng sản xuất quả chuối tươi của Việt Nam. Đến nay, ba loại trái cây tươi của Việt Nam gồm sầu riêng, chuối và măng cụt đã có nghị định thư với Trung Quốc. Năm 2023, Bộ NN-PTNT đã và đang tiếp tục đàm phán để ký nghị định thư đối với các loại trái cây tươi như: bưởi, na, bơ, thanh long, dưa hấu, chanh, dừa…”, Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.