| Hotline: 0983.970.780

Nơi hàng trăm héc-ta chuối 'đội đá' đâm chồi

Thứ Hai 02/01/2023 , 15:53 (GMT+7)

Trên vùng đồi đá khô cằn, hàng trăm ha cây chuối cấy mô lại 'đội đá' đâm chồi, giúp đời sống người dân thêm 'xuân' nhờ tiêu thụ tốt trong nước và xuất khẩu.

Chuối công nghệ cao trên vùng đất cằn

Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về “thủ phủ chuối” Đồng Nai, đi trên quốc lộ 20 đoạn qua địa bàn các xã Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) và đường ĐT 762 qua địa bàn các xã Cây Gáo, Thanh Bình, Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), được chứng kiến không khí người dân đang tất bật bước vào vụ thu hoạch chuối.

Empty

Về "thủ phủ chuối" Đồng Nai chứng kiến không khí người dân đang tất bật bước vào vụ thu hoạch chuối cuối năm. Ảnh: MS.

Từ sáng sớm, bà con nông dân đã kéo nhau vào rẫy trên những đồi đá để thu hoạch chuối bán cho thương lái xuất khẩu. Những chuyến xe chất đầy chuối nối đuôi nhau trên đường nông thôn mới, người dân rất phấn khởi vì năm nay chuối được mùa được giá.

Dẫn chúng tôi vào thăm Farm chuối công nghệ cao của mình, anh Trần Danh Thế, hiện đang sở hữu 12ha chuối tại phường Bàu Sen, thành phố Long Khánh hào hứng chia sẻ: “Diện tích chuối này tôi trồng từ năm 2021, đến nay đã thu hoạch được hai lứa, cho sản lượng hằng năm khoảng 600 tấn. Nếu thị trường vẫn giữ giá cao như cuối năm nay thì dự kiến sẽ cho doanh thu khoảng 7 đến 8 tỷ đồng. Hiện các mối thu mua đã liên hệ đặt hàng, chỉ khoảng 10 ngày tới tôi sẽ bắt đầu thu hoạch lứa chuối mới để kịp phục vụ cho thị trường cuối năm và xuất khẩu”.

Empty

Anh Trần Danh Thế, hiện đang sở hữu 12ha chuối tại phường Bàu Sen, thành phố Long Khánh chia sẻ về kinh nghiệm trồng chuối cây mô phục vụ xuất khẩu. Ảnh: MS.

Thời gian gần đây chuối công nghệ cao của anh Thế chủ yếu cung cấp cho các vựa thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với giá 14.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất chỉ từ 5.000 đến 6.000 đồng, đây được xem là mức giá khá cao so với những năm trước. Do đó, các nhà vườn Đồng Nai đang tập trung bắt tay vào thu hoạch chuối cuối năm để tranh thủ đợt giá cao kiếm lời bộn.

"Khi mới bước vào nghề trồng chuối, tôi chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính nên năng suất và chất lượng chuối chưa cao. Tuy nhiên, đến nay khi thị trường Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch, quy định khắt khe hơn về mẫu mã, chất lượng cũng như dư lượng thuốc BVTV nên buộc chúng tôi phải đầu tư bài bản, cải tiến quy trình canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, chuối đạt năng suất và sản lượng khá cao, đáp ứng theo tiêu chuẩn xuất khẩu”, anh Thế nói.

Empty

Người dân Đồng Nai đầu tư trồng chuối công nghệ cao, dùng máy bay phun thuốc BVTV, đầu tư hệ thống chuỗi ròng rọc để thu hoạch, vận chuyển chuối cho đỡ dập, hư hao… Ảnh: MS.

Nhìn những cây chuối giống cấy mô lúc lỉu trái, buồng nào cũng đều tắp trong vườn đang đến kỳ thu hoạch cuối năm mới thấy chủ nhân của Farm chuối này đã có sự đầu tư rất bài bản.

Anh Thế không ngại chia sẻ những khó khăn về vốn và không ít lần thất bại mới có được thành quả thu hoạch như hôm nay. Thậm chí, đầu tư trồng chuối công nghệ cao, anh còn thuê cả máy bay phun thuốc BVTV, đầu tư hệ thống chuỗi ròng rọc để thu hoạch, vận chuyển chuối cho đỡ dập, hư hao… 

Chuối mọc trên… đá

Đồng Nai có nhiều vùng chuyên canh cây chuối, nhưng tập trung phần lớn trên địa bàn huyện Trảng Bom và Thống Nhất, chủ yếu là các giống chuối truyền thống như chuối bơm, chuối sứ, tiêu, cau… Mấy năm qua, người dân địa phương còn trồng thêm giống chuối laba, chuối già hương để hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, hầu hết diện tích chuối ở những địa phương này đều trồng trên vùng đất đồi đá, sỏi cơm.

Empty

Dọc hai bên đường những vườn chuối nối dài tít tắp. Màu xanh của cây chuối lấn át các cây trồng khác. Ảnh: MS.

Tiếp tục đi dọc theo tỉnh lộ 762 và các tuyến giao thông nông thôn mới đấu nối với tỉnh lộ, chúng tôi chứng kiến hai bên đường những vườn chuối nối dài tít tắp. Màu xanh của cây chuối gần như lấn át các cây trồng khác. Được biết, trước đây khu vực này chỉ trồng cây thuốc lá, nhưng đến nay ai cũng chuyển qua trồng chuối cấy mô xuất khẩu giúp cho đời sống nông dân khấm khá hẳn.

Anh Nguyễn Thanh Phước, người dân xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) tâm sự: “Đá ong, đá mồ côi cứ xếp tầng xếp lớp kín mít mặt đất, người dân phải cạy đá để trồng chuối vào, ban ngày nắng nóng nhưng đến đêm đá ra “mồ hôi” nên rất mát, cây chuối vì thế phát triển xanh tốt dù trồng trên đá. Từ khi trồng xuống, chỉ sau một thời gian ngắn các mầm chuối non “đội đá'” vươn lên, rễ chuối bám chặt vào từng kẽ đá để hút dưỡng chất nuôi cây phát triển”.

Empty

Đá ong, đá mồ côi cứ xếp tầng xếp lớp kín mít mặt đất, người dân phải cạy đá để trồng chuối, ban ngày nắng nóng nhưng đến đêm đá ra “mồ hôi” nên rất mát, cây chuối vì thế phát triển xanh tốt dù trồng trên đá. Ảnh: MS.

Theo người dân địa phương, trồng chuối có lời và khỏe hơn trồng cây khác. Có những hộ còn đi thuê lại đất với giá 50 - 60 triệu đồng/năm để trồng 2 vụ bắp, 1 vụ thuốc lá, nhưng cũng chỉ lời được 60-70 triệu đồng/năm. Còn nay chuyển sang trồng chuối, nếu tính giá thị trường như hiện nay thì phải cho lãi từ 150 đến vài trăm triệu đồng. Do đó, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn để chuyển sang trồng chuối nhằm có thu nhập khá hơn. Chính vì vậy, vùng đất này giờ chỉ thấy màu xanh của chuối phủ kín trên vùng đất đồi sỏi đá.

Ngồi trong quán cà phê ở ngã ba ấp Trung Tâm (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), ông Tư Hưng đang nhâm nhi ly cà phê buổi sáng chờ vựa chuối đến thu mua.

Theo nhận định của ông Tư, do việc xuất khẩu chuối đi Trung Quốc, Đài Loan thời gian gần đây khá thuận lợi, không bị nghẽn như trước nên giá chuối tại thời điểm đầu tháng 12/2022 đã đạt khoảng 11 ngàn đồng/kg. Vì vậy, dịp cuối năm, ai có chuối để bán thì ắt sẽ có cái Tết Nguyên Đán vui, vì thu nhập cao hơn những tháng trước đó.

z3976162316435_18dedfefdda7fc8033d5834926b20e52

Mô hình trồng chuối công nghệ cao, người dân đầu tư bài bản, cải tiến quy trình canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm đạt năng suất và sản lượng khá cao, đáp ứng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: MS.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên vùng đất Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), Cây Gáo, Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) bà con nhà vườn thường trồng các loại chuối truyền thống như: chuối tiêu, chuối mốc, chuối già, chuối bơm để chế biến bánh, kẹo và chuyên chở ra miền Trung, miền Bắc bán.

Do các loại chuối này tiêu dùng nội địa, lợi nhuận không cao nên trước sự hấp dẫn của cây chuối cấy mô xuất khẩu, nông dân gần như thu hẹp diện tích các giống chuối truyền thống, chuyển sang trồng chuối cấy mô xuất khẩu.

“Nông dân ở xã Gia Kiệm tiên phong trong việc đưa cây chuối trồng trên những khu vực rẫy nhiều đá sỏi cơm ngay từ trước giải phóng, thỉnh thoảng bà con lại “cõng” vài buồng chuối ra chợ bán để cải thiện bữa ăn. Từ đó, người dân ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), trong đó có đồng bào dân tộc Hoa thấy hiệu quả nên bắt chước làm theo. Thời đó, cây chuối ít được chăm sóc nên mùa khô rất èo uột, héo lá và không cho buồng. Cây chuối chỉ cho thu nhập vào mùa mưa và dứt mưa khoảng 2 tháng”, anh Nguyễn Hữu Phước, một nông dân có thâm niên trồng chuối kể lại.

Theo anh Phước, vì là cây trồng phụ nên khu đất nào xấu, nhiều đá, khó canh tác, thiếu nước tưới, nông dân mới dành trồng chuối. Tuy vậy, nông dân vẫn nhìn thấy lợi ích kinh tế từ lá, bắp, buồng chuối... nên những lúc nông nhàn, nông dân bắt đầu tập trung vào chăm sóc vườn chuối.

Empty

Cơ giới hóa được các nhà vườn trồng chuối Đồng Nai đang ứng dụng vào sản xuất. Ảnh: MS.

Đường vào xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) trước kia hai bên toàn là những vườn tiêu, điều, cây ăn trái thẳng tắp, nhưng nay dọc hai bên đường chỉ toàn màu xanh của chuối với chuối. Đi đến đâu cũng thấy những hàng chuối thẳng tắp, xanh um, che mát cho muôn vàn khối đá to, nhỏ ngổn ngang dưới gốc.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) Phạm Văn Bình cũng cho biết: “Phong trào trồng chuối xuất khẩu trên địa bàn xã Xuân Bắc phát triển khá mạnh trong vài năm gần đây, với trên 150 ha. Chúng tôi mong đầu ra của trái chuối luôn ổn định để bà con có thu nhập, nâng cao đời sống, góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.

“Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có diện tích trồng chuối lớn nhất cả nước, với trên 10 ngàn ha cây chuối cấy mô xuất khẩu, trong đó huyện Trảng Bom có diện tích chuối xuất khẩu lớn nhất tỉnh với trên 4,5 ngàn ha. Diện tích còn lại được trồng rải rác ở các địa phương khác như Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ... Nhất là những năm gần đây, cà phê, tiêu, điều liên tục xảy ra dịch bệnh, mất mùa, mất giá, nên nông dân vùng đất đá ở các huyện đã từng bước chuyển diện tích cây tiêu, điều, cà phê sang trồng chuối cấy mô, chuối Đài Loan xuất khẩu”.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm