Toàn huyện Bảo Yên (Lào Cai) có hơn 100ha chuối, trồng tập trung tại các xã Xuân Hòa, Yên Sơn, Cam Cọn..., tạo thành vùng chuối hàng hóa lớn, phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, trên một số diện tích trồng chuối tại thôn Mạ 2, xã Yên Sơn đang xuất hiện bọ giáp gây hại.
Đây là loại bọ cánh cứng nhỏ gây hại trên cây chuối ở mọi giai đoạn sinh trưởng, chúng gây hại trên chuối bằng cách gặm phần thịt lá, vỏ của bẹ lá, vỏ quả chuối non làm cho cây còi cọc, tạo các vết sẹo sần sùi trên quả và chúng chủ yếu tập trung ở các ngọn chuối ăn lá non, quả chuối mới trỗ tạo thành các vết xước ở quả chuối, khi quả lớn thành sẹo, hay những vết ghẻ làm giảm giá trị khi bán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và năng suất, chất lượng quả chuối.
Ngay sau khi phát hiện bọ giáp gây hại, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã đi kiểm tra thực tế, cây chuối tiêu đang giai đoạn phát triển thân lá - trỗ hoa - ra buồng, bọ giáp gây hại với mật độ trung bình 5 - 10 con/cây, cao 20 con/cây, diện tích nhiễm 5ha (trong đó nhẹ 4ha, trung bình 1ha), đã gây thiệt hại đáng kể đến các hộ trồng chuối.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bảo Yên hiện đang tập trung khoanh vùng, hướng dẫn các hộ dân trồng chuối phòng trừ bọ giáp. Đồng thời ra công văn chỉ đạo khẩn trương phòng trừ bọ giáp hại chuối và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân tự kiểm tra phát hiện, áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đến nay, nhân dân đã tích cực phun phòng trừ đạt 100% diện tích nhiễm.
Với tình hình thời tiết hiện nay diễn biến phức tạp, dự báo trong thời gian tới, bọ giáp tiếp tục phát sinh gây hại mạnh trên cây chuối, nếu không chủ động phòng trừ kịp thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và năng suất, chất lượng chuối. Trung tâm Dịch vụ nông huyện Bảo Yên khuyến cáo bà con nông dân chủ động thường xuyên kiểm tra vườn, đồi chuối, phát hiện bọ giáp sớm và áp dụng một số kỹ thuật như sau:
- Biện pháp canh tác: Sử dụng giống chuối sạch sâu bệnh. Nên sử dụng chuối cấy mô, tuyệt đối không sử dụng cây giống từ những vườn đã có bọ giáp gây hại.
Thường xuyên vệ sinh vườn, thu, tiêu hủy (đốt) cỏ dại, lá khô và tàn dư thực vật. Vào mùa bọ giáp sinh sản mạnh (mùa hè) nên thường xuyên xới xáo vườn chuối để tiêu diệt trứng và bọ non. Bón phân theo liều lượng cân đối các chất dinh dưỡng.
Luân canh cây trồng với cây họ đậu hoặc cây trồng khác họ nhằm thay đổi môi trường, cắt đứt nguồn dinh dưỡng. Trồng các loại thực vật có hoa (hướng dương, hoa cúc, thì là...) trên bờ làm bẫy thu hút các loài thiên địch (nhện, bọ rùa, bọ hung, bọ gậy, bọ tai và những loài khác) sinh sống.
Biện pháp hiệu quả nhất là bao buồng quả, sử dụng các bao túi nylon, tốt nhất là bao túi màu xanh. Khi bắp hoa chuối vừa trỗ, dùng bao nylon bao lấy bắp hoa, dùng dây mềm buộc đầu trên của bao nylon (có thể để bao nylon này đến khi thu hoạch chuối).
Đối với các vườn chuối trồng lâu đã già cỗi, bị bọ giáp gây hại nặng thì nên phá bỏ, trồng các loại cây trồng khác họ thay thế (tốt nhất là cây họ đậu). Khi phá bỏ cần phun thuốc bao vây phòng trừ bọ giáp, vệ sinh và tiêu hủy (đốt) toàn bộ cây và tàn dư thực vật để hạn chế nguồn phát tán gây hại sang các vườn khác.
- Biện pháp sinh học: Sử dụng các sản phẩm sinh học như Bacillus thuringiensis, Beauveria bassiana, Metarhium anisopliae có nguồn gốc từ nấm hoặc vi khuẩn phù hợp phun vào vườn chuối phòng trừ, vừa có tác dụng diệt bọ non và trưởng thành của bọ giáp, vừa bảo vệ thiên địch ký sinh, không độc hại, không gây ô nhiểm môi trường.
- Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Cartap, Thiamethoxam, Emamectin benzoate… (như Padan 95 SP, Actara 25 WG, Abatin 1.8 EC, Vimatox 5SG, Thiamax 25WG…) phun trừ.
Để phòng trừ bọ giáp được hiệu quả, cần có sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động, thường xuyên kiểm tra vườn, đồi để phát hiện bọ giáp sớm, phòng trừ kịp thời, triệt để hạn chế lây lan trên diện rộng.