| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương tiêm vacxin viêm da nổi cục

Thứ Bảy 10/07/2021 , 13:47 (GMT+7)

CAO BẰNG Dù đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhưng bệnh viêm da nổi cục vẫn tiếp tục lây lan trên diện rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh Cao Bằng.

Một con bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại huyện Bảo Lâm. Ảnh: C.H.

Một con bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại huyện Bảo Lâm. Ảnh: C.H.

Là địa phương đàn gia súc lớn nhất tỉnh Cao Bằng, bệnh viêm da nổi cục cũng bùng phát mạnh nhất ở huyện Bảo Lâm mấy tháng gần đây. Riêng trong tháng 6, huyện có thêm hơn 2.000 con gia súc mắc bệnh. Toàn huyện từ đầu năm đến nay đã có 3.680 con gia súc mắc bệnh, trong đó chết 218 con, 2.604 con khỏi bệnh.

Ông Ban Thanh Tùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng thông tin: Do thời tiết nắng nóng, vật trung gia truyền bệnh là các loại ruồi, ve, mòng phát triển rất mạnh nên làm lây lan dịch bệnh ra nhiều địa phương trong huyện.

Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vacxin bệnh viêm da nổi cục để hạn chế lây lan dịch bệnh trong thời gian tới. Đến nay, toàn huyện đã tiêm được hơn 10.600 liều vacxin viêm da nổi cục trên tổng số 15.000 liều được cấp.

Người dân xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh chăn thả gia súc tập trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: C.H.

Người dân xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh chăn thả gia súc tập trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: C.H.

Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng, trong tháng 6, bệnh viêm da nổi cục trâu, bò phát sinh mới 28 ổ dịch tại các xã, thị trấn: Cô Ngân, Minh Long, Kim Loan, Thị Hoa (Hạ Lang); Cao Thăng, Lăng Hiếu, Trung Phúc, Quang Trung, Đoài Dương, Đức Hồng, thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh); Lê Chung (Hòa An); Tiên Thành, Quảng Hưng, Hồng Quang, Phúc Sen, Ngọc Động, Cách Linh (Quảng Hòa); Vũ Minh, Thịnh Vượng (Nguyên Bình); Canh Tân, Lê Lợi, Lê Lai (Thạch An); thị trấn Thông Nông, thị trấn Xuân Hòa, Lương Can, Tổng Cọt, Nội Thôn (Hà Quảng).

Tổng số gia súc mắc bệnh là 3.879 con trâu bò, chết 209 con. So với tháng trước, số gia súc mắc bệnh tăng 2.345 con, số chết tăng 119 con. Đến nay, đã có 604 thôn/xóm, thuộc 131 xã/phường/thị trấn ở 10 huyện, thành phố có gia súc mắc bệnh. Toàn tỉnh có 52 xã/thị trấn qua 21 ngày không có ca bệnh mới phát sinh, còn 79 xã/phường/thị trấn chưa qua 21 ngày.

Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cấp vacxin bệnh viêm da nổi cục cho các địa phương. Ảnh: C.H.

Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cấp vacxin bệnh viêm da nổi cục cho các địa phương. Ảnh: C.H.

Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết: Thời gian qua, Chi cục đã cung ứng đầy đủ các loại vật tư, hóa chất, vac xin cho các địa phương để triển khai thực hiện phòng, chống dịch.

Từ đầu năm đến nay, đã cấp 9.755 lít hóa chất khử trùng tiêu độc; 10.413 lọ hóa chất diệt ruồi, ve, mòng. Cấp 68.000 liều vacxin viêm da nổi cục trên tổng số 80.000 liều các địa phương đăng ký. Tuy nhiên, do đội ngũ thú y ở nhiều địa phương còn thiếu, kiêm nhiệm nên công tác tiêm phòng gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục triển khai tiêm vacxin, tuy nhiên tiến độ tiêm phòng tại nhiều địa phương rất chậm, chưa hoàn thành so với kế hoạch đề ra. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục tiêm phòng vacxin nhằm bao vây, khống chế các ổ dịch viêm da nổi cục trên toàn tỉnh.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.