| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa: Đối thoại với dân để cùng bảo tồn biển vịnh Nha Trang

Thứ Năm 15/08/2024 , 17:13 (GMT+7)

Sau khi phân vùng khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản chỉ được thực hiện trong phân khu dịch vụ - hành chính.

Đảo Bích Đầm trên vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Đảo Bích Đầm trên vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

5 khu vực nuôi biển công nghệ cao

Thực hiện kế hoạch hoạt động của dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Trang Trang (Khánh Hòa)", ngày 15/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa và Ban Điều hành dự án tổ chức diễn đàn đối thoại về khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, rạn san hô vịnh Nha Trang và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun.

Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, có diện tích khoảng 507km2, với chiều dài bờ biển từ Vĩnh Lương đến mũi Cù Hin khoảng 30km. Vịnh này là vùng biển hở tiếp giáp với đại dương, hệ thống động lực dòng chảy tốt giúp cho nước luôn được trao đổi, tự làm sạch, ít bị ô nhiễm.

Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới, có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Đặc biệt vịnh Nha Trang có tính đa dạng sinh học cao với 350 loài rạn san hô, trong đó có 40% số loài san hô trên thế giới.

Ông Nguyễn Như Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, hiện nay nghề nuôi trồng thủy sản trong khu vực vịnh Nha Trang tập trung chủ yếu ở các khu vực hòn Miếu, Bích Đầm, Đầm Bấy với các đối tượng như tôm hùm, cá biển. Tuy nhiên, do định hướng phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch, nên diện tích nuôi trồng thủy sản trên vịnh ngày càng thu hẹp.

Ông Nguyễn Như Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Như Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Theo ông Đào, hiện khu vực vùng mặt nước Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên) có 141 hộ nuôi, với 4.090 ô/lồng. Còn tại khu vực vùng nước Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên) có 34 hộ nuôi, với 692 ô/lồng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Nha Trang có xã Vĩnh Lương và phường Vĩnh Hòa có 327 ô/lồng nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch.

Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Các vị trí, khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển tại Đề án đã được tích hợp theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tại thành phố Nha Trang có 5 khu vực biển nuôi theo hướng công nghệ cao như Tây Trí Nguyên (13ha), Bắc Hòn Dung (203ha), Nam Hòn Dung (200ha), vùng giao mặt nước giữa Đầm Bấy - Bích Đầm (50ha), Bích Đầm (6ha).

Về định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu UBND thành phố và Đảng ủy các xã, phường triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn thành phố Nha Trang theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty STP Group, một trong 5 doanh nghiệp cung cấp hạ tầng nông nghiệp xanh bền vững cho biết, thời gian qua tại Khánh Hòa, STP cung cấp nhà bè để bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào của Tổ cộng đồng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty STP Group. Ảnh: KS.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty STP Group. Ảnh: KS.

Đối với phát triển khai thác, nuôi biển bền vững, bảo tồn rạn san hô vịnh Nha Trang, STP đưa ra tổ hợp nuôi trồng thủy sản đa tầng gồm nuôi rong xen hàu giúp giảm thiểu carbon gia tăng giá trị kinh tế, mang giá trị sâu sắc trong bảo vệ môi trường biển.

STP cam kết đồng hành công tác bảo tồn và tái tạo tài nguyên, hệ sinh thái biển; đồng thời cung cấp sản phẩm lồng HDPE chất lượng cho ngư dân, cùng với chính sách như cho thuê, trả góp với chi phí ưu đãi hay hỗ trợ tới 30% chi phí chuyển đổi.

Vịnh Nha Trang được quy hoạch là Khu bảo tồn biển

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn thành phố Nha Trang có 1.419 tàu có chiều dài từ 6m trở lên. Trong đó, 544 chiếc có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, chiếm tỷ lệ lớn nhất là 38,34%, chủ yếu hoạt động ở vùng biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa, trong đó có vịnh Nha Trang. Số tàu cá trên tập trung nhiều ở phường Vĩnh Nguyên 191 chiếc (chiếm 26,07%), phường Vĩnh Trường 83 chiếc (chiếc 20,72%). Ngoài ra, còn có số lượng tàu cá dưới 6m do địa phương thống kê quản lý.

Các đại biểu tại diễn đàn đối thoại. Ảnh: KS.

Các đại biểu tại diễn đàn đối thoại. Ảnh: KS.

Về tình hình hoạt động khai thác thủy sản tại vịnh Nha Trang, chủ yếu thuộc nhóm tàu có chiều dài dưới 6m, công suất nhỏ, tập trung chủ yếu ở các phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thọ... Ngư dân chủ yếu hoạt động nghề lưới rê cước, lưới đăng, câu mực, vây pha xúc để đánh bắt các loài cá nổi, mực… Sản phẩm thủy sản khai thác được trên vịnh chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, phục vụ du lịch và tiêu thụ nội địa.

Theo Quyết định số 389 ngày 9/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì vịnh Nha Trang được quy hoạch là khu bảo tồn biển.

Hiện nay, UBND thành phố Nha Trang, Ban quản lý vịnh Nha Trang phối hợp Viện Hải dương học đang thực hiện khảo sát, phân vùng chức năng khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 37/2024/NĐ-CP do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, dự kiến tháng 12/2024 bàn giao sản phẩm. Sau khi phân vùng khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản chỉ được thực hiện trong phân khu dịch vụ - hành chính.

Sau khi nghe các thông tin trên, người dân tại đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên tham dự diễn đàn đối thoại đều đồng tình với nhiệm vụ chung tay bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Ông Nguyễn Hòa, tổ trưởng tổ dân phố đảo Bích Đầm cho biết, hiện nay người dân Bích Đầm không còn đóng tàu mới để đánh bắt thủy sản. Thời gian qua, người dân địa phương cũng đã nhận thức trong việc bảo vệ rạn san hô, không còn vào vùng lõi Hòn Mun để đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên để đảm bảo sinh kế cho người dân, chính quyền địa phương cần hỗ trợ cho người dân trong việc chuyển đổi nghề, cũng như có chính sách chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng HDPE hiện đại.

Ông Nguyễn Hòa, tổ trưởng tổ dân phố đảo Bích Đầm. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Hòa, tổ trưởng tổ dân phố đảo Bích Đầm. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn chính quyền sớm đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường sá, sửa chữa đình làng… để phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, các chị em phụ nữ tại Bích Đầm đều mong mong muốn phát triển du lịch cộng đồng để đảm bảo sinh kế lâu dài nên rất đồng tình hưởng ứng.

Trước ý kiến của bà con, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, hiện tỉnh đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng cho đảo Bích Đầm. Còn việc sửa chữa đình làng Bích Đầm là nhiệm vụ của thành phố Nha Trang, sẽ triển khai trong năm 2024 - 2025.

Về hỗ trợ người dân chuyển đổi sang lồng HDPE, ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, trong đó Sở NN-PTNT cùng các địa phương triển khai mở rộng đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao. Hiện nay Sở NN-PTNT đang chọn các hộ nuôi, trong đó ưu tiên đối tượng theo điều 44 của Luật Thủy sản. Sắp tới, khi triển khai nhân rộng mô hình nuôi biển công nghệ sao sẽ có chính sách để hỗ trợ, cũng như thu hút bà con chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng HDPE. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa sẽ có cam kết hỗ trợ cho bà con gói 30.000 tỷ để chuyển đổi mô hình nuôi biển công nghệ cao.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi kết thúc dự án pha 1, chúng ta sẽ đề ra các chính sách cũng như những việc cần làm để triển khai pha 2 nhằm trao phương tiện sinh kế, giải quyết phát triển bền vững cho người dân Bích Đầm. Khi đó, người dân sẽ thay đổi môi trường phát triển sinh kế, không đánh bắt thủy sản bừa bãi, từ đó bảo vệ tốt rạn san hô và môi trường vịnh Nha Trang để phát triển du lịch.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.