Sập xệ hạ tầng
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 984ha đất sản xuất muối, với trên 250 hộ và gần 1.000 lao động. Trong đó đối với sản xuất muối quy mô công nghiệp gồm 2 tổ chức là Công ty Cổ phần muối Khánh Hòa và Công ty Cổ phần muối Cam Ranh với diện tích 637ha, năng xuất bình quân 100 tấn - 120 tấn/ha/năm.
Đối với sản xuất muối thủ công, hiện có 240 hộ diêm dân trực tiếp sản xuất tại các xã Vạn Khánh, Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh); xã Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Thủy (Thị xã Ninh Hòa); xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) và 3 hợp tác xã (HTX) sản xuất muối là HTX 1/5 Ninh Diêm, HTX Sản xuất muối Ninh Thủy và HTX Sản xuất muối Cam Nghĩa với diện tích 405 ha. Thời vụ sản xuất muối chính từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm.
Tuy nhiên hầu hết diêm dân sản xuất theo phương pháp phơi nước phân tán trên nền đất cát và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, với năng suất bình quân từ 60 - 62 tấn/ha/năm.
Chất lượng sản phẩm muối tạo ra không cao, lẫn tạp chất. Bên cạnh đó các vùng muối chưa có đủ kho bãi đạt tiêu chuẩn để lưu giữ muối, diêm dân thường phải tập kết muối ngay tại ruộng sau đó dùng bạt nhựa phủ lên để tránh mưa nắng. Vì vậy, lượng muối thất thoát sau thu hoạch còn cao, khoảng 22 - 25% tổng sản lượng muối.
Không những thế, cơ sở hạ tầng cho sản xuất muối cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Kênh mương cấp thoát nước chủ yếu theo kênh rạch tự nhiên lấy nước theo con triều, chưa chủ động trong sản xuất.
Các ô ruộng muối nhỏ lẻ, nằm gần các ao nuôi tôm, cạnh khu dân cư nên chưa đảm bảo chất lượng và năng suất. Hệ thống đường giao thông nội đồng chưa được xây dựng hoàn thiện. Do đó gây rất nhiều khó khăn cho diêm dân trong việc sản xuất và tiêu thụ.
Điển hình như vùng sản xuất muối Hòn Khói (Thị xã Ninh Hòa) được cung cấp và tiêu thoát nước qua hệ thống kênh Cầu Treo dài khoảng 7,7km, chiều rộng bình quân 30m được đào từ thời Pháp. Tuy nhiên thời điểm hiện tại kênh nhiều đoạn đã bị bồi lấp, mực nước khi triều lên chỉ còn độ sâu hơn 1m, nhiều nơi cạn.
Bên cạnh đó, hệ thống kênh dẫn nước từ kênh Cầu Treo vào ruộng muối đều được đắp bằng đất, hiện cũng đã xuống cấp không đảm bảo dẫn nước phục vụ cho sản xuất muối. Từ đó gây tắc dòng chảy không đáp ứng tiêu thoát phục vụ sản xuất muối, làm tăng chi phí giá thành sản xuất và giảm năng suất muối bình quân của cả vùng. Cụ thể, trước năm 2001, năng suất muối đạt từ 80 - 100 tấn/ha, nhưng nay chỉ đạt bình quân 50 tấn/ha.
Sẽ nâng cấp
Trước thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao các Sở, ngành, các địa phương có nơi sản xuất muối tổ chức thực hiện đề án. Với mục tiêu phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững, trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.
Trong đó, tổng diện tích sản xuất muối duy trì đến năm 2030 là 710ha (587ha sản xuất quy mô công nghiệp và 123ha sản xuất thủ công); với sản lượng bình quân đạt 112.000 tấn/năm. Đồng thời hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối thủ công và công nghiệp; nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đến thu hoạch.
Song song đó, sẽ hỗ trợ đầu tư các mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; áp dụng khoa học và công nghệ; tín dụng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh muối.
Được biết, trong đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn Khánh Hòa, sẽ có dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối Hòn Khói với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Bộ NN-PTNT.
Khi đó sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp những đoạn xung yếu tuyến kênh chính cầu Treo đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất muối kết hợp giao thông. Đồng thời nạo vét, gia cố kênh nhánh cấp nước vào ruộng muối và làm mới các cầu qua kênh và các cống dẫn nước đảm bảo vận chuyển muối và đi lại của người dân làm muối.
Bên cạnh đó, mở rộng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; xây mới một số kho bảo quản muối để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất. Cải tạo nền ô kết tinh để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đến thu hoạch, rửa và đánh đồng bảo quản muối.