| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hoà tăng cường giữ rừng dịp Tết

Thứ Tư 26/01/2022 , 15:16 (GMT+7)

Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa dự báo tình hình xâm hại rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ khá phức tạp, nguy cơ tăng về số vụ vi phạm.

Nhất là các khu vực rừng còn có trữ lượng gỗ cao, gần đường giao thông, đặc biệt ở các khu vực rừng phía Tây huyện Khánh Vĩnh (dọc tuyến đường Khánh Vĩnh - Lâm Đồng), khu vực rừng căm xe ở Ninh Hòa...Bên cạnh đó hiện thời tiết đã hanh khô, nắng nóng đã nhiều ngày, nguy cơ cháy rừng trong dịp Tết vẫn có thể xảy ra.

Triển khai giải pháp giữ rừng dịp tết

Ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, cho biết, ngành Kiểm lâm Khánh Hòa xác định công tác bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Những ngày này, lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng ở tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực tuần tra rừng. Ảnh: KS.

Những ngày này, lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng ở tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực tuần tra rừng. Ảnh: KS.

Do đó, Kiểm lâm Khánh Hòa đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh tăng cường nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa các vi phạm về khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trên từng địa bàn, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như các xã phía Tây huyện Khánh Vĩnh, các xã phía Tây thị xã Ninh Hòa…

Các giải pháp chủ yếu là kiểm lâm tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, toàn diện tinh thần Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết 71 của Chính phủ; Chương trình hành động 09 của Tỉnh ủy và kế hoạch 9047 của UBND tỉnh Khánh Hòa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng. Cùng với đó hỗ trợ tích cực cho các chủ rừng nhà nước để ngày càng bảo đảm việc tự bảo vệ lâm phần của mình; tổ chức tuần tra, truy quét các tụ điểm có khai thác, tàng trữ lâm sản trái phép...

Những ngày giáp Tết lực lượng quản lý bảo vệ rừng ngày đêm tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Ảnh: KS.

Những ngày giáp Tết lực lượng quản lý bảo vệ rừng ngày đêm tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Ảnh: KS.

Về phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong thời gian trước cho đến sau Tết Nguyên đán đã biệt phái công chức kiểm lâm từ các Hạt Kiểm lâm cho Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng để ứng trực 24/24, sẵn sàng cơ động giải quyết các hành vi xâm hại rừng, cũng như phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Thu, hiện lực lượng kiểm lâm từ tỉnh đến huyện và các địa bàn xã đang tổ chức nắm chắc diễn biến mọi hoạt động của các đối tượng vi phạm để kịp thời tổ chức kiểm tra, truy quét, ngăn chặn; kiên quyết không để xảy ra tình trạng xâm hại rừng trên quy mô lớn trong dịp Tết Nguyên đán.

Các chủ rừng phải nâng cao cảnh giác

Rút kinh nghiệm trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ phá rừng để làm nương rẫy, canh tác nông nghiệp…ở các huyện Khánh Sơn,Khánh Vĩnh và TX Ninh Hòa... Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên do các chủ rừng được giao quản lý bảo vệ rừng chưa thật sự quản lý chặt chẽ lâm phần, cũng như việc phối hợp với chính quyền cơ sở (xã) để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được thực hiện có hiệu quả. Cũng như chưa thực hiện việc xác định rõ ranh giới, mốc giới của diện tích rừng để cùng chính quyền địa phương giải quyết khi người dân xâm phạm…

Thời điểm này lực lượng quản lý và bảo vệ rừng rất vất vả, đóng chốt giữ rừng. Ảnh: KS.

Thời điểm này lực lượng quản lý và bảo vệ rừng rất vất vả, đóng chốt giữ rừng. Ảnh: KS.

Vì vậy, ông Trần Minh Thu đề nghị trong thời gian tết này, các chủ rừng phải nâng cao cảnh giác nguy cơ khai thác rừng trái pháp luật, nguy cơ cháy rừng và đặc biệt là nguy cơ phá rừng, lấn chiếm rừng để lấy đất canh tác ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Lực lượng bảo vệ rừng phải chủ động tuần tra, phát hiện các vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phần của mình để ngăn chặn ngay và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Được biết, năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 297 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản, giảm 53 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Cơ quan chức năng đã xử lý tịch thu sung quỹ 188m3 gỗ tròn; 349m3 gỗ xẻ, hộp; thu nộp ngân sách 2,8 tỷ đồng.

Cùng với đó đã quyết định khởi tố vụ án hình sự 8 vụ, trong đó 5 vụ về tội hủy hoại rừng; 3 vụ về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

 Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà nỗ lực bảo vệ rừng

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà được UBND tỉnh giao quản lý, sử dụng với tổng diện tích tự nhiên hơn 22.012 ha, nằm trên địa bàn hành chính của 9 xã thuộc 4 huyện gồm Suối Cát, Suối Tân (huyện Cam Lâm); xã Diên Tân, Suối Tiên, Diên Lâm (huyện Diên Khánh); xã Sơn Trung, Sơn Hiệp, Sơn Bình (huyện Khánh Sơn); xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh). Trong đó hơn 19.285 ha rừng đặc dụng và hơn 2.726 ha rừng sản xuất.

Lực lượng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đang nỗ lực tuần tra, giữ rừng. Ảnh: BC.

Lực lượng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đang nỗ lực tuần tra, giữ rừng. Ảnh: BC.

Ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh, Phó Giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, cho biết, nhằm ngăn chặn không để xảy ra các điểm nóng về khai thác gỗ, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng, khai thác khoáng sản trong lâm phần được giao quản lý trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, từ tháng 1/2022, đơn vị đã chỉ đạo các Phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm Hòn Bà và các Trạm Kiểm lâm trực thuộc phối hợp tăng cường thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra kiểm soát lâm sản cả ngày và đêm tại các khu vực trọng điểm như: các đường mòn của tuyến đường Hòn Bà, Đá Trắng, Đá Hàn, Đá Giăng (Suối Cát); Suối Tân; Ku lak (Sơn Bình), Tà Gụ (Sơn Hiệp); khu vực Ma O, Chi Chay (Sơn Trung); khu vực Kho đạn, Suối Nước Nóng - thác Yang Bay, Biến Lội (Khánh Phú); khu vực Lỗ Gia (Suối Tiên); Hổ Am Chúa (Diên Điền), khu vực Mỏ Đá (Diên Tân) và các tiểu khu 239, 242, 214, 215.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã thực hiện nghiêm túc Công văn số 172 ngày 17/01/2022 của Sở NN- PTNT về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau Tết nguyên đán. Trong đó đã duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ kể cả các ngày nghỉ lễ, thứ bảy và chủ nhật trong suốt mùa khô hanh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.