Tôi vẫn chọn làm “người điên”!
Trời trưa nắng to. “Máu điên” nổi lên ông kéo tôi đi rừng. Tuổi ngoài 60, ông vẫn rắn giỏi, leo dốc thoăn thoắt như con sóc, con hươu; giọng ào ào như nước đổ, ròn như ngô rang.
Để có tiền trồng rừng tôi lấy ở đâu anh biết không?
Tôi ngần người một lúc ông tiếp. Tôi “cướp” của Hà bá đó! Đêm tối tôi mang lưới đi chèo thuyền đánh cá, bắt tôm. Khi thuyền đầy ăm ắp cá, tôm tôi mang về cho vợ con đi chợ bán lấy tiền đong gạo, vốn còn lại đổ hết vào trồng rừng. Câu chuyện về ông Đoàn Công Oánh ở xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên - người sở hữu nhiều rừng nhất Hà Giang với tôi được bắt đầu như thế.
16 tuổi, cái đói lay lắt ở vùng quê Nam Định thôi thúc ông Oánh mò mẫm lên tận Hà Giang nơi chỉ có rừng rú, cọp beo để sinh tồn. Cái đói thê thảm vì thiếu lương thực trong khi trên rừng có củ mài, củ chuối, rau rừng… khiến ông yêu rừng, ơn rừng. Bởi thế, năm 1993, khi nhà nước giao cho giữ rừng ông tình nguyện nhận. Tiếp đến năm 2007, khi nhà nước có chủ trương giao đất cho các hộ dân trồng rừng ông tiếp tục nhận trồng hơn 100ha. Người ta bảo ông là “người điên”, ông mặc kệ.
Ông không trách chuyện người làng bảo ông là người điên. Bởi ngày ấy, chỉ cần ở nhà ngày ngày mải mê với vài ha ruộng vườn, tối bì bõm quăng chài, đơm đó dọc đôi bờ sông Lô thì chuyện ăn no, mặc đủ của vợ con chẳng còn ám ảnh. Nhưng ông lại chọn lên rừng, mang khổ vào người.
Bỏ lại ngôi nhà, vườn tược nơi đất cũ cho người em trai trông nom, vợ chồng ông bồng bế đàn con nhỏ lên khu cổng chào Hà Giang dựng ngôi nhà gỗ tạm để tiện việc trồng rừng.
Những cánh rừng rộng mênh mông là nơi người làng thả hàng trăm, hàng nghìn con trâu. Người ta còn đắp ao, be bờ để đàn trâu có chỗ đằm khi thả rông trên rừng không đi xa vào rừng sâu lạc mất. Trâu đằm, đi lại nhiều khiến đất rừng cứng như đá. Đất trơ ra nuốt chửng biết bao lưỡi cuốc, lưỡi bồ cào của ông.
Khi những chỗ bằng đã cải tạo xong, thì đến những đoạn dốc thẳng đứng thật sự khó nhọc. Người đi tay không còn muốn xiêu vẹo chưa tính đến chuyện mang theo cây, theo phân bón. Rồi ông nghĩ ra cách dùng ngựa, dùng trâu để chở cây lên. Nhưng đường dốc đứng, con trâu, con ngựa chân cứ liêu xiêu tìm cách bỏ cuộc. Cách duy nhất là dùng sức người để cõng cây, cõng phân đổ lên rừng.
Ông vận động những người được thuê, mỗi người khi lên rừng mang hộ ông khoảng 50 cây rừng. Nể trọng cái tính ham rừng của ông, họ cũng chẳng tính thêm tiền công về chuyện mang thêm cây lên rừng.
Gian khổ thế nhưng giờ được chọn lại, tôi vẫn chọn làm người điên! - ông Oánh chia sẻ.
Hiên ngang trước mũi súng lâm tặc
Khoảng rừng hoang mênh mông thoải mái để người phá, trâu phá mà ông cứ giữ khư khư như của quý nhà mình khiến nhiều người làng chẳng thể yêu quý ông như trước. Họ ghét ông ra mặt.
Người nhát gan thì nhìn thấy ông chẳng thèm hồ hởi cười chào. Những kẻ liều hơn thì cứ rình đêm khuya hoang vắng, cậy khu nhà ông chỉ có một mình đơn độc giữa chốn hoang vu mà mượn men rượu lè nhè nửa chửi, nửa dọa. Những kẻ như thế ông cứ túm cổ, tạt tai đuổi thẳng cổ ra ngoài.
Dự báo được khó khăn, trước khi mang cây lên rừng trồng, ông Oánh xuống UBND huyện Vị Xuyên, xuống lâm trường Vị Xuyên xin làm thông báo để báo cho các thôn bản xung quanh và UBND xã Phương Thiện biết không được chăn thả trâu lên rừng nữa. Nhưng việc thông báo dường như vô tác dụng.
Từng tốp trâu hằng ngày vẫn lên phá rừng của ông. Lúc đầu ông bắt xong gọi chủ đến nhận lại trả về. Nhưng hôm trước bắt được trâu nhà này hôm sau lại xuất hiện trâu của nhà khác. Ông lại nghĩ ra cách đề nghị chính quyền hỗ trợ cho áp dụng phương án yêu cầu chủ trâu phải trồng lại diện tích bị phá, nhưng đều vô tác dụng. Vậy là ông xin chính quyền cho chủ trương ai không nghe thì phạt. Ông bảo, cứ đánh vào túi tiền ắt sẽ rập tắt được nạn trâu phá.
Lòng dân lành đã thuận, nhưng lòng những kẻ vừa hèn, vừa liều, vừa cậy quyền thì chưa thông. Họ vẫn lùa đàn trâu lên rừng phá cây non mới trồng, người thì phá cây già cổ thụ. Có kẻ liều lĩnh mang cả súng săn vào dọa ông. Ông quay clip, chụp ảnh làm bằng chứng. Người chĩa mũi súng vào ngực, rồi hét vào mặt ông. Ông vạch áo, ưỡn ngực ra như thách thức. Kẻ phá rừng chưa kịp lên nòng súng thì đã bị ông quật ngã giữa rừng.
Lại thêm lần những cây sồi to cả 4, 5 người ôm mới hết, đám lâm tặc ngang nhiên chặt xẻ mang về phần để bán lấy tiền, phần làm nhà sàn. 2 bố con ông phải bỏ công, bỏ sức bí mật rình bắt quả tang. Rồi ông dùng máy ảnh dí sát vào mặt kẻ phá rừng và kéo cổ chúng về giao cho chính quyền xử lý.
Sau 2 vụ ấy, người ta sợ tính gàn của ông. Đàn trâu đã biết lựa chẳng còn tìm đường lên phá cây, phá rừng của ông nữa. Đám lâm tặc có tiếng gặp ông chỉ cúi đầu rồi lẳng lặng lủi mất.
Khu rừng của ông Oánh rộng cả 100ha, có tuổi đời hơn 10 năm. Càng lên cao cánh rừng càng mở ra rộng lớn hơn. Cánh rừng trải dọc cổng chào của thành phố Hà Giang lớp lớp xanh biêng biếc bên dòng sông Lô.
Nơi đây có những cây thông vài người ôm thân không xuể, chúng được trồng từ những năm 1971 của thế kỷ trước. Đây cũng là số ít khu rừng thông cổ thụ còn tồn tại đến hôm nay ở Hà Giang. Xen lẫn thông là những cây keo đường vanh lên đến cả mét, dáng thẳng đứng xiên tít tắp lên trời xanh, vỏ xù xì rêu mốc. Khu rừng ấy có người trả ông cả chục tỷ đồng nhưng ông chưa bán.
Truyền rừng cho con
Ông Oánh thong thả buông giọng đọc mấy câu thơ tự sáng tác: "Cha con ta lên đất này/Xuống sông bắt cá lên rừng trồng cây/Cá tôm thì để ăn ngay/Rừng cây thì để sau này phần con".
Cái máu mê rừng của ông truyền sang cả cậu con trai Đoàn Tuấn Anh. Từ nhỏ Tuấn Anh đã theo cha đêm xuống sông bắt cá ngày lên rừng phát nương. Tuấn Anh thuộc nằm lòng từng lụm cây, khe suối trong cánh rừng. Sau khi học xong, Tuấn Anh không xin việc tại các cơ quan hành chính mà chọn lựa sát cánh cùng bố làm rừng.
Ông Oánh nhớ đợt giữa năm 2020, khu rừng của ông bỗng ngùn ngụt khói. Chính quyền địa phương gọi điện bảo có cần huy động dân quân, công an viên không? Tuấn Anh bảo với bố: Nếu chờ huy động đủ lực lượng có lẽ đám cháy lẹm hết cả cánh rừng. Nói rồi, cậu vác dao cùng bố lên rừng, dùng kinh nghiệm bao năm làm rừng để chữa cháy.
Khi đám cháy được khống chế cũng là lúc trời nhập nhẹm sáng, soi nhọ mặt người. Núi rừng mênh mông hoang vắng, gió thổi thốc tháo tứ bề, ông Oánh chợt lạnh sống lưng hoảng hốt bởi chẳng nhìn thấy thằng con trai. Mặt cắt không ra máu, ông nín thở căng mắt nhìn cái bóng nhờ nhờ phía trước mặt. Con trai ông nằm bất động trên bãi cỏ hoang cách đám cháy vừa dập tắt không xa. Tiến lại gần, khoảng không gian hoang vu tĩnh mịch bỗng bị xé toạc bởi tiếng người ngáy phì phì. Tuấn Anh vì mệt quá đã ngủ thiếp đi.
Ông bảo, những lúc bình thường chuyện đó chẳng dọa được ông. Nhưng đời ông đã 2 lần bị mất người thân tại cánh rừng này nên rất sợ cảm giác mất mát. Một người chị gái mất khi đi phát cỏ rừng cắt phải dây điện nước người ta bắc ngang qua rừng. 5 năm sau cũng ngày ấy, đứa cháu họ của ông chưa đầy 10 tuổi bị chết đuối bên con thác trong khe rừng.
Ngoài trồng rừng giỏi, ông Oánh còn say mê tính toán chuyện trồng dưa lưới, đào ao thả cá… Mỗi lần thấy ông hăng hái bàn tính chuyện mở rộng đầu tư cho vườn dưa. Vợ ông chen ngang: Tôi xin ông đừng cố nữa, già rồi tiền rừng còn chẳng tiêu hết phải biết giữ sức. Ông chẳng nói gì, mấy hôm sau cứ lặng lẽ làm. Thế rồi thương chồng vất vả lận đận, bà lại sắn tay vào việc cùng ông. Giờ thì khu nhà vườn dưa lưới của ông đẹp nhất tỉnh Hà Giang, mỗi năm co thu lãi khoảng 700 triệu đồng.