| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng đảo Trần

Thứ Ba 21/01/2020 , 07:01 (GMT+7)

Chỉ cách đường phân giới Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa đầy 10 hải lí, với diện tích 4,5 cây số vuông, đảo Trần là hòn đảo nhỏ nhưng chiếm giữ vị trí đặc biệt trên biển Đông Bắc.

Chiến sĩ trẻ đảo Trần. Ảnh: XT.

Dù cuộc sống biệt lập còn nhiều gian nan, nhưng mỗi chiến sĩ, mỗi người dân nơi đây vẫn ôm ấp một khát vọng sống, điều đáng nói, đó là những khát vọng không cho bản thân họ. Họ, như những chiếc lá căng mình xanh nơi địa đầu Tổ quốc.
 

Khát vọng được thắp sáng

Từ trước năm 2014 đảo Trần chưa có dân. Thực ra là có, nhưng chỉ đúng một hộ duy nhất. Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Cảnh và anh Hoàng Văn Hiển.

Sau đó, với nhiều nỗ lực, bằng những chương trình, dự án cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách ưu đãi để động viên dân ra với đảo, cụ thể nhất là đã xây 16 căn hộ khang trang để đặt nền móng cho khu dân cư tại đảo Trần.

Trưởng thôn Đảo Trần bây giờ chính là chị Nguyễn Thị Cảnh, người lặn lội ra đảo lập nghiệp từ năm 2006, nay vẫn ở trong căn nhà tạm khiêm tốn, tương phản với những căn hộ mới được đầu tư xây dựng.

Nữ trưởng thôn cho biết, do nhiều lí do khác nhau mà 16 hộ dân “vốn liếng” của đảo tiền tiêu nay chỉ còn 11. Trong đó nguyên nhân lớn nhất là vì đảo chưa có điện.

Thực ra đảo Trần cũng đã được quan tâm về năng lượng. Ở một mạn đảo hiện có 2 cột điện năng lượng gió, nhưng không hiểu vì lí do gì hiện không còn vận hành nữa. Hiện tại các hộ gia đình ở đảo Trần dùng điện chạy máy nổ, tiền dầu rồi tiền công cho người trực máy các hộ dân góp lại mức chi phí rất cao. Như nhà chị Cảnh, mỗi tháng phải chi tới bốn triệu đồng cho tiền điện, bởi chồng chị đi biển, đánh được con tôm con cá cần giữ lạnh để bán.

Trưởng thôn Nguyễn Thị Cảnh, người tiên phong mở đường, khăn gói ra với đảo từ năm 2006 không giấu vẻ ưu tư. “Cứ có điện, dân sẽ ra với đảo!”. Chị Cảnh nói chắc như đinh đóng cột.

Căn nhà của chị Nguyễn Thị Cảnh, người đầu tiên ra sinh sống tại đảo Trần. Ảnh: XT.

Là bởi nếu nhìn sang Thanh Lân, Vĩnh Thực hay Cô Tô là những đảo lớn trong tuyến đảo Đông Bắc thì thấy ngay sự khác biệt rõ rệt ở thời điểm trước và sau khi có điện lưới quốc gia vươn khơi.

Điện về, đảo như được lột xác. Khổ một nỗi, đảo Trần thì quá bé, lại ở xa, dân thì ít… để đưa được dòng điện ra với đảo là cả một nguồn kinh phí lớn. Vậy nên việc dòng điện vươn khơi đến với đảo, để đảo được tiếp năng lượng, giúp cho việc nuôi trồng, đánh bắt hải sản thuận lợi hơn đến nay vẫn chỉ là ước mơ.

Không có điện đồng nghĩa với không có dân. Dân ít nên phân cấp hành chính chỉ là cấp thôn, thậm chí một thôn cũng là quá ít. Vì thế, tương lai gần đảo Trần vẫn sẽ là “đảo một thôn” như hiện tại.

Tương lai gần trưởng thôn Cảnh mỗi lần đi họp “trên xã” vẫn phải vượt biển sang đảo Thanh Lân, quãng đường xa cũng tương đương như vào đất liền.

Mỗi lần đi xuồng về xã công tác, trưởng thôn Cảnh lại đi một vòng các hộ dân thu các loại giấy tờ cần xác minh, đóng dấu hành chính này nọ để làm một thể, vì có mấy khi lên xã đâu.

“Làm ra bao nhiêu điện ăn hết”, chị Cảnh nói đầy nỗi niềm. “Không cần vận động nhiều, chỉ cần có điện dân khắc ra với đảo, khắc gắn bó với đảo”, vị trưởng thôn Đảo Trần lặp lại, như cam kết.
 

Khi bài báo này lên khuôn thì tôi có điện thoại cho trưởng thôn Cảnh và nhận được một tin vui. Chị nói, điện lực Quảng Ninh đã cử cán bộ ra khảo sát, nhận mặt bằng để chuẩn bị làm hạ tầng biến áp phục vụ việc kéo điện ra đảo Trần. Như vậy là ước mơ của quân và dân đảo tiền tiêu đã sắp thành hiện thực. Không xa nữa, hòn đảo nơi đầu sóng biển Đông Bắc này sẽ được thắp sáng, và sẽ có nhiều hơn những người dân chọn nơi đây lập nghiệp.

Khát vọng ươm mầm chữ

Trước đây đảo Trần hoàn toàn trắng về giáo dục. Con trai đầu của chị Cảnh anh Hiển phải gửi ông bà ngoại ở Hà Cối để đi học. Đến thời của cậu em thì khá hơn.

Cháu Việt Anh con anh chị đã được đi học tại điểm trường sở tại. Khi đưa các hộ dân ra sinh sống thì mới có điểm trường này. Hai giáo viên cũng được điều từ đảo Thanh Lân sang.

Tỉ lệ giáo viên nam - nữ ở đảo Trần rất cân bằng, 1 - 1. Nhưng chỉ là một thầy giáo và một cô giáo. Độc đáo nữa là mỗi người phụ trách hẳn một cấp học.

Thầy Đặng Văn Tuấn trọng trách cao hơn, phụ trách bậc tiểu học với cả thảy 4 em. Thầy cũng là người đảm trách việc lên lớp cho tất cả các lớp theo độ tuổi từng em. Còn cô Ngần Thị Minh thì phụ trách bậc mầm non cũng với hình thức tương tự.

Một phát hiện khá lạ của tôi đó là không ai ngờ trên đảo lại có một cô gái người dân tộc Thái. Nếu cứ theo lẽ thường thì cô giáo Ngần Thị Minh sẽ là cô giáo vùng cao chứ không phải cô giáo đảo xa như hiện tại.

Cô Minh người Mộc Châu, Sơn La, học dân tộc nội trú rồi học sư phạm mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Uông Bí trước đây, sau về quê miền núi mà không xin được việc, Minh về Hà Nội dạy mầm non tư thục rồi nghe một người bạn nói ngoài Cô Tô đang tuyển giáo viên, thế là nộp hồ sơ và cơ duyên đã đưa người con gái dân tộc Thái vùng sơn cước về với biển Đông Bắc.

Năm 2012, khi Minh ra với xã đảo Thanh Lân thì đảo này cũng chưa có điện lưới. Nay Thanh Lân đã được thắp sáng thì ngành giáo dục huyện lại lập trường liên cấp tại đảo Trần, cô lại tình nguyện sang đây, lại là nơi điện chưa chạm tới.

Mùa Xuân về đảo. Ảnh: XT.

Tuy điều kiện khó khăn như vậy nhưng mọi chế độ đối với giáo viên ở đảo Trần không khác gì bên đảo Thanh Lân, bởi đảo Trần chỉ là một thôn của Thanh Lân, mà Thanh Lân thì không còn nằm trong diện xã nghèo nữa, nên ngành giáo dục cũng không có một văn bản nào để mà “vin” vào đó tính chế độ cho các giáo viên ở đây cho hợp lí.

Đãi ngộ thì như vậy nhưng các giáo viên vẫn làm hết trách nhiệm. “Thường chúng em mỗi người cống hiến một năm, năm vừa rồi hết nghĩa vụ nhưng em tiếp tục xin ở lại. Ai cũng chỉ hết nghĩa vụ rồi đi thì không làm được gì bền vững cả”, Minh chia sẻ với chất giọng chân thành của người miền núi. Tôi đã đọc thấy trong những chia sẻ của cô giáo vùng cao bám biển một khát vọng, một sự mà cô gọi là “bền vững” cho sự nghiệp trồng người ở hòn đảo xa xôi này.
 

Khát vọng xanh

Đảo Trần là đảo gồm những núi đất, toàn đảo được phủ một màu xanh của cây cối, những tưởng việc trồng trọt ở đây sẽ thuận lợi nhưng không hoàn toàn như vậy. Chỉ có một số loài cây rừng hợp với thổ nhưỡng ở đảo mới có thể sinh trưởng, còn lại những cây “thuộc về đất liền” đều khó mà trụ lại. Bởi vậy, việc đưa cây ra đảo cũng khó khăn chẳng kém việc đưa dân ra đảo sinh sống.

Tác giả cùng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo Trần. Ảnh: Phạm Khả Lân.

Các loại rau ở đây cũng không lên được, nên rau xanh trên đảo vẫn phải đưa từ đất liền ra. Có đợt gió to, biển động, tàu bè không ra được là anh em nhịn rau cả tuần. Nhìn luống rau của anh em đồn biên phòng là những cây lạ hoắc.

Tôi hỏi tên nhiều anh em cũng không biết nó là rau gì, chỉ biết rằng chúng ăn được và sống tốt ở đảo thì trồng, thế hệ này bàn giao cho thế hệ sau, chẳng biết ai là người trồng đầu tiên, ăn đầu tiên. Có lẽ chúng cũng được phát hiện theo kiểu “truyền thuyết Mai An Tiêm”, chim ăn được người cũng ăn được.

Chị Cảnh chỉ cho tôi vạt keo sau triền núi lưng nhà được anh chị và bộ đội trồng cách nay cả chục năm. Tất cả vẫn là những cây còi cọc thấp lè tè, trong khi nếu ở đất liền thì chúng đã cho thu hoạch gỗ.

Để trồng vạt keo này, ngoài sự giúp đỡ của chiến sĩ các đơn vị bộ đội trên đảo, vợ chồng chị cũng tốn không ít công sức. Vạt keo ấy cùng tuổi với cậu con trai thứ hai của anh chị. Nay cậu bé đã 11 tuổi, má phúng phính đầy sức sống, nhưng vạt keo thì còi cọc, “chủ yếu lấy màu xanh là chính” như cách nói lạc quan của vị nữ trưởng thôn.

Đồn Biên phòng đảo Trần mới được đầu tư xây dựng doanh trại mới, một khuôn viên được dành làm vườn cây trước đồn, thế nhưng hiện tại nhìn vẫn khá trống trọc. Anh em đồn đã trồng thử đủ các loại cây mà không cây nào trụ được.

Đảo Trần, nhìn từ điểm cao nhất xuống. Ảnh: XT.

Đất ở đây xót mặn khiến cây cối cứ chột đi mà chết. Cuối cùng, anh em cán bộ chiến sĩ phát hiện ra chỉ có cây ổi là có vẻ sống tốt hơn. Vậy là anh em đành chuyển sang… trồng ổi.

Đồn trưởng Phạm Hồng Thái cho biết, một mặt chỉ huy đồn cũng cho anh em nạo vét đất trong khuôn viên thay vào đó là một lớp đất mới hi vọng sẽ phù hợp để các loài cây khác cùng sinh trưởng. Một thứ cây nữa mới được thử nghiệm. Đó là cây bàng vuông.

“Thời tiết khắc nghiệt, bão tố như Trường Sa bàng vuông còn sống được thì với đảo Trần cây cũng sẽ sống được”, đồn trưởng Thái tin tưởng.

Bên cạnh việc trồng cây, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cũng chú trọng việc bảo vệ môi trường, không xả rác bữa bãi. Năm 2019, mỗi hộ dân trên đảo cũng đã xây một lò đốt rác để xử lí rác thải sinh hoạt. Còn môi trường chung thì bộ đội và nhân dân cùng chung sức, hàng năm đảo vẫn tổ chức dọn rác trên bãi biển để giữ cho đảo Trần sự thanh sạch vốn có.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đảo Trần cùng bà con nhân dân dọn vệ sinh trên bãi biển. Ảnh: TL.

Họ đã cùng nhau nuôi một khát vọng xanh như thế giới đang làm, như mỗi quốc gia, mỗi chính phủ, mỗi thể chế vùng miền đang kêu gọi những cộng đồng, những người dân cùng chung tay góp sức.
 

Khát vọng một cái tết đoàn viên

Đã là người lính, lại là lính biên phòng thì xác định “đồn là nhà” như một lẽ đương nhiên. Thế nhưng sau lưng mỗi người lính luôn là hậu phương, gia đình. Ở đâu đó dưới những mái ấm là những người con mong bố, là những người vợ mong chồng. Nhất là khi tết đến.

Nếu hỏi họ, trong cuộc đời binh nghiệp đã được ăn tết với gia đình mấy lần thì sẽ rất dễ trả lời thay vì hỏi đã bao nhiêu lần ăn tết đơn vị, bởi họ sẽ phải nhẩm tính rất lâu, thậm chí là chẳng nhớ nổi.

Bản thân vị Đồn trưởng, thiếu tá Phạm Hồng Thái khi ra đảo còn chưa kịp xây dựng gia đình. Thái cho biết, sau cuộc gặp với chúng tôi mới xin phép về bờ làm lễ cưới. Không biết cái tết đầu tiên khi có vợ, liệu Thái có được ở nhà?

Tuần tra bảo vệ đảo. Ảnh: XT.

Tết với mỗi cán bộ chiến sĩ nơi đây là cái gì đó là xa xôi và mơ hồ. Bởi ăn tết đơn vị thì cũng không khác ngày thường là mấy. Mà đời lính là vậy, năm nay về ăn tết thì đương nhiên sang năm sẽ trực.

Không ăn tết ở đồn này thì sẽ ăn tết ở đồn khác. Khi tôi hỏi ai đã từng ăn tết ở đơn vị, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng đảo Trần, Thiếu tá Đào Xuân Nguyên nói nhẹ như không, “thiếu gì, năm vừa rồi anh cũng ăn tết ở đây, nhưng làm gì đã đến tết mà hỏi”.

Tìm hiểu thêm tôi được biết, Thiếu tá Đào Xuân Nguyên cũng đã ăn đến cả gần chục cái tết trên các đảo tuyến Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh trong đó có đảo Trần. Nhắc đến tết anh khoe hồ hởi, “trông thế thôi, tết bọn anh dựng cành đào trang trí đẹp lắm”.

Đi biền biệt cả năm, đến cái tết cũng phải san sẻ, nghỉ đợt một đợt hai. Bởi “vọng gác” của Tổ quốc không lúc nào ngơi nghỉ. Bản thân họ sẵn sàng hi sinh, nhưng một cái tết đoàn viên trong sâu thẳm luôn là khát vọng của mỗi người lính đảo Trần, và xét cho cùng, khát vọng ấy thực ra như một món quà mà họ muốn dành tặng cho những người thân yêu nhất.

Như những chiếc lá…

Họ, những người dân ở nơi biên cương hải đảo, nơi mà ý thức về chủ quyền quốc gia được đề cao hơn bao giờ hết, luôn được ví như những cột mốc sống.

Những người dân ít ỏi trên đảo địa đầu Tổ quốc này cũng vậy. Nhưng tôi muốn nhìn họ ở một góc độ bình dị như họ vốn vậy.

Những câu chuyện, những con người với những khát vọng ở hòn đảo tiền tiêu này khiến tôi nhớ đến bốn câu thơ của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: "Người dời non lấp bể/ Kẻ đắp lũy xây thành/ Mình chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh".

Có những khát vọng thật bình dị mà cũng thật cao quý như cuộc đời của họ, bởi nó không chỉ cho/vì bản thân mà là cho/vì cộng đồng, vì quê hương đất nước. Họ là những chiếc lá nhưng không chỉ xanh cho mình.

Ở đảo Trần tôi đã thấy những chiếc lá đặc biệt. Trên điểm cao nhất của đảo tôi đã bắt gặp những chiếc lá mang sắc đỏ, đỏ thắm như màu cờ Tổ quốc tung bay trên điểm cao ấy.

Chúng, cũng như những con người tôi gặp trên đảo này, đã căng mọng thanh xuân và tuổi trẻ để chín lúc nào bản thân cũng không hay, họ đã chín đỏ bởi đã sống những ngày xanh nhất. Tôi đã thấy ở họ những sự bình dị lấp lánh, như những chiếc lá cháy đỏ nơi đầu sóng.

Anh em sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở Đồn Biên phòng Đảo Trần phần lớn quê Quảng Ninh. Tiếng là đóng quân trong tỉnh nhà nhưng đừng tưởng là gần.

Người ở xa như đại úy Lê Đức Cường, nhân viên hàng hải trên tàu trinh sát nhà ở Quảng Yên, tính ra cũng tầm 300 cây số đi lại cả trên biển và đất liền.

Còn người gần hơn như thượng uý Nguyễn Lê Tùng, Đội trưởng Đội Tham mưu - Hành chính ở Đông Triều cũng tầm 200 cây số.

Bởi vậy, về nhà với họ luôn là một hành trình nhiều vất vả với những ngày phép, tranh thủ đếm trên đầu ngón tay.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm