| Hotline: 0983.970.780

Khó đạt miễn dịch bệnh dại khi chó vẫn đang bị vận chuyển đi giết thịt

Thứ Ba 26/03/2024 , 07:15 (GMT+7)

Số ca tử vong vì bệnh dại trong 2 tháng đầu năm tăng đột biến, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các địa phương.

Trong 2 tháng đầu năm nay ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại tăng đột biến. Ảnh: Quang Linh.

Trong 2 tháng đầu năm nay ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại tăng đột biến. Ảnh: Quang Linh.

Số liệu thống kê mới đây cho thấy, số ca tử vong do bệnh dại ở người ngày càng gia tăng, với 82 ca tử vong do bệnh dại vào năm ngoái ở trên 30 tỉnh, thành phố. Riêng hai tháng đầu năm nay, đã có hơn 22 ca tử vong được ghi nhận (cao hơn gấp đôi cùng kỳ) với gần 70.000 người cần điều trị dự phòng bệnh dại.

Tổ chức Humane Society International (HSI) kêu gọi Chính phủ Việt Nam hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ 6 triệu con chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc, để thực hiện thành công Chỉ thị số 22/CĐ-TTg của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

Bị chó cắn hay tiếp xúc với chó, mèo khi có các vết xước trên da thông qua các tương tác hàng ngày, đặc biệt là việc giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo là nguyên nhân gây ra 99% trường hợp lây truyền bệnh dại sang người.

Dù Chỉ thị của Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương tăng tỷ lệ tiêm phòng dại một cách đồng bộ, các chuyên gia bảo vệ động vật HSI vẫn đưa ra cảnh báo những nỗ lực đó sẽ trở thành vô ích nếu hoạt động buôn bán thịt chó và mèo trong nước vẫn không suy giảm.

Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia của HSI tại Việt Nam cho biết: “Cách loại trừ bệnh dại ở người hiệu quả nhất chính là loại trừ bệnh dại ở chó. Do đó, việc tiêm phòng hàng loạt cho chó là rất quan trọng. Nhưng điều quan trọng nữa là phải đảm bảo rằng những con chó được tiêm phòng đó vẫn ở lại địa phương của chúng để tạo ra khả năng miễn dịch cho đàn.

Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia của Humane Society International tại Việt Nam. Ảnh: Quang Linh.

Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia của Humane Society International tại Việt Nam. Ảnh: Quang Linh.

Dẫu vậy, Việt Nam sẽ khó đạt được khả năng miễn dịch đàn khi những người buôn bán chó vẫn đang vận chuyển hàng triệu con chó không có sự kiểm soát về dịch bệnh, nhất là bệnh dại.

Mỗi tháng, ở Việt Nam có hàng chục nghìn con chó không rõ mầm bệnh và tình trạng tiêm phòng bị nhét lên xe tải và chở từ tỉnh này sang tỉnh khác, phá tan mọi nỗ lực của các nhà quản lý địa phương trong việc tiêm phòng cho chó để phòng tránh bệnh dại và gây nguy cơ lây lan bệnh dại mới".

Giám đốc Quốc gia của HSI tại Việt Nam nhấn mạnh, việc ngăn chặn nhập khẩu trái phép những con chó chưa được tiêm phòng và có thể mắc bệnh dại từ các nước láng giềng bao gồm Campuchia và Lào, điều này đe dọa đến các chương trình kiểm soát bệnh dại của cấp tỉnh.

Khuyến nghị từ các chuyên gia sức khỏe con người và động vật hàng đầu bao gồm WHO, GARC, OIE/WOAH, PAHO và FAO khẳng định rằng việc tiêm phòng đại trà cho chó phải diễn ra đồng thời với việc hạn chế di chuyển đàn chó trên diện rộng để duy trì mức độ bao phủ tiêm phòng bệnh dại đủ cao cho chó ổn định, và để ngăn chặn sự lây truyền bệnh dại. 

Tiến sĩ Katherine Polak, Bác sĩ thú y và Phó chủ tịch phụ trách Chương trình động vật đồng hành của HSI cho biết, việc cho phép hoạt động buôn bán thịt chó và mèo diễn ra, về cơ bản sẽ gây khó khăn cho các chương trình tiêm chủng quốc gia và khiến con người trong chuỗi cung - cầu tiếp xúc trực tiếp có nguy cơ mắc bệnh dại từ chó, mèo bị nhiễm bệnh.

HSI cũng kêu gọi Bộ Thông tin và Truyền thông đưa thông điệp chống buôn bán thịt chó bất hợp pháp vào hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, để đảm bảo rằng công chúng nhận thức được các hoạt động đó là nguyên nhân dẫn đến việc tăng nguy cơ lây truyền bệnh dại.

Tại Việt Nam, HSI đã vận động chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo kể từ năm 2020. Gần đây nhất, HSI đã mở rộng chương trình “Mô hình thay đổi” đã thành công tại Hàn Quốc để giúp những người chăn nuôi thịt chó chuyển đổi sang sinh kế mới và từ bỏ hoàn toàn việc buôn bán, giết mổ, bao gồm cả thịt chó và mèo tại lò mổ và nhà hàng ở Việt Nam. Chương trình này tạo điều kiện chuyển nghề cho chủ lò mổ, nhà hàng liên quan đến thịt chó và mèo ở Đồng Nai và Thái Nguyên.

HSI hiện có Biên bản ghi nhớ 3 năm với cơ quan quản lý liên quan ở cả hai tỉnh nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết bệnh dại thông qua chương trình tiêm phòng bệnh dại, quản lý đàn chó theo cách nhân đạo, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm ngăn cản việc tiêu thụ thịt chó, mèo và thực thi pháp luật về các hoạt động chống buôn bán chó, mèo.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.