| Hotline: 0983.970.780

Khó khăn, thách thức trong phát triển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trước dịch Covid-19

Thứ Hai 14/06/2021 , 14:42 (GMT+7)

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức trước tác động của dịch Covid-19.

Hà Nội đang đẩy mạnh chăn nuôi tập trung, theo chuỗi, an toàn dịch bệnh.

Hà Nội đang đẩy mạnh chăn nuôi tập trung, theo chuỗi, an toàn dịch bệnh.

Cụ thể, là Thủ đô của cả nước, song Hà Nội lại có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi. Đến nay, thành phố có tổng đàn gia súc gia cầm đứng tốp đầu với đàn gia cầm khoảng 38 triệu con, đàn lợn 1,57 triệu con, đàn trâu, bò 164 ngàn con. Đặc biệt, chất lượng đàn vật nuôi được cải thiện đang kể, mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Những khó khăn, thách thức của ngành chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội trước tác động của dịch Covid-19 là:

Thứ nhất, các trang trại chăn nuôi, kể cả các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải đối mặt với giá cả biến động. Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch Covid- 19 xảy ra, giá thức ăn chăn nuôi thay đổi liên tục, khó lường, lúc tăng, lúc giảm do ách tắc nhập khẩu nguyên liệu, do giãn cách xã hội nên việc vận chuyển nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi có nơi có lúc đình trệ.

Trong khi đó, gia súc gia cầm vẫn phải ăn hàng ngày. Việc chủ động dự trữ thức ăn chăn nuôi không thể bình thường như trước đây nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa việc dự trữ thức ăn hàng ngày còn phụ thuộc vào vốn, việc bán động vật và sản phẩm động vật để có kinh phí quay vòng. Nhiều trang trại chăn nuôi lớn nếu ở các vùng bị cách ly do Covid- 19 chi phí vận chuyển thức ăn chăn nuôi còn tăng cao hơn nữa.

Thứ hai, ảnh hưởng dịch Covid- 19 đến vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật giữa các vùng miền. Trên thực tế Hà Nội có số lượng đàn gia súc gia cầm lớn, việc xuất nhập gia súc gia cầm giữa Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại là rất lớn, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm lượng tiêu thụ giảm mạnh.

Đơn cử như lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày có số lượng lợn giết mổ lớn, ngày cao điểm lên tới trên 2.000 con lợn, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay việc vận chuyển lưu thông gặp nhiều khó khăn nên số lượng giết mổ giảm còn khoảng 1.500 con, có thời điểm chỉ còn khoảng hơn 1.000 con/ngày.

 Chợ tiêu thụ gia cầm sống Hà Vĩ (huyện Thường Tín) cao điểm tiêu thụ trên 50 tấn gà, vịt/ngày, hiện tại chỉ còn khoảng 30 – 40 tấn/ngày.

Thứ ba, giá động vật và sản phẩm động vật biến động, khó lường, tăng giảm bất thường.

Hà Nội có thế mạnh là có nhiều trang trại chuyên sản xuất con giống cung cấp cho các tỉnh thành (kể cả các tỉnh miền Trung, miền Nam) nên việc tiêu thụ trong thời điểm dịch Covid- 19 luôn bị ảnh hưởng trực tiếp do vận chuyển lưu thông, giá cả biến động. Đặc biệt khi phải vận chuyển lưu thông qua các vùng có dịch phải giãn cách xã hội.

Có thời điểm giá bò giống đến gần 100 ngàn/kg, có lúc lại xuống chỉ còn khoảng 70 – 80 ngàn/kg làm cho người chăn nuôi thiệt đơn, thiệt kép, vừa khó tiêu thụ vừa bị giảm giá thậm chí thua lỗ do giá thành đầu vào tăng cao.

Thứ tư, tại thời điểm dịch bệnh cao điểm, học sinh phải nghỉ học nhất là ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa (đặc biệt trong đợt dịch từ 27/4/2021 đến nay) nên việc tiêu thụ sản phẩm động vật giảm đáng kể.

Đã có lúc thịt lợn chỉ còn khoảng 60 – 65 ngàn đồng/kg trong khi đó cao điểm lên tới 80 – 85 ngàn đồng/kg; giá gia cầm công nghiệp 25 – 30 ngàn/kg, gà lông màu 45- 50 ngàn đồng/kg trong khi cao điểm là 35 – 40 ngàn/kg và 60 – 70 ngàn đồng/kg.

Trong khi đó giá thức ăn lại không giảm mà tiếp tục tăng làm cho người chăn nuôi không muốn đầu tư, duy trì hoạt động vì không có lãi.

Thời gian qua, do dịch Covid- 19, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian qua, do dịch Covid- 19, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ năm, các chuỗi liên kết chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, thậm chí đứt gãy.

Các cơ sở chế biến nhất là chế biến sâu (giò, chả, xúc xích …) không tiêu thụ được hàng hóa làm ra. Từ đó, tâm lý những người xây dựng chuỗi liên kết chán nản do phải đầu tư lớn, trong khi tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá thành hạ.

Thứ sáu, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm là rất cao do mật độ đàn gia súc gia cầm lớn lại không tiêu thụ được. Từ đầu năm 2021 đến nay mặc dù có sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành song trên địa bàn Hà Nội vẫn xảy ra một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trâu, bò.

Cụ thể, cúm gia cầm xảy ra 32 ổ dịch ở 09 huyện, phải tiêu hủy 63 ngàn con. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi  xảy ra 2 ổ dịch ở 02 huyện, tiêu hủy là 233 con. Bệnh viêm da nổi cục trâu, bò đã xảy ra ở 09 hộ/05 xã/ 03 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phượng), số đầu gia súc mắc bệnh 21 con, tiêu hủy 05 con.

Thứ bảy, đối với các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, các tiểu thương đều gặp khó khăn trong việc nhập, xuất hàng hóa.

Hơn nữa không chủ động trong tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất động vật và sản phẩm động vật. Những cơ sở lớn như lò mổ Vạn Phúc, chợ Hà Vĩ nhiều chủ lò mổ, nhiều tiểu thương phải dừng hoạt động do nguồn hàng thiếu, nhất là các cơ sở phải nhập hàng từ miền Trung và miền Nam ra.

Về mục tiêu phát triển chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh đại dịch Covid- 19, ngành Nông nghiệp- PTNT Hà Nội chủ trương khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi, doanh nghiệp giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm liên kết theo vùng, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lớn với quy trình khép kín.

 Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng sản xuất công nghiệp, hiện đại hóa, chăn nuôi hàng hóa theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm có sức cạnh tranh cao.

 Chú trọng công tác lai tạo giống, cải tạo giống, tạo ra các giống có năng suất, chất lượng cao là trung tâm cung cấp giống cho cả nước.

Chuyển đổi nhanh, mạnh từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại chăn nuôi xa khu dân cư.

(Chi cục trưởng – Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội)

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.