| Hotline: 0983.970.780

'Khoảng tối' phía sau những đám cưới quê 'hoành tráng' thiếu vắng hai nhân vật chính

Thứ Ba 05/06/2018 , 14:09 (GMT+7)

Tuy tiết giảm khoản lễ lạt nhưng khoản trang trí, cỗ bàn vẫn bình thường thậm chí không muốn nói là hoành tráng. Cũng chữ song hỉ dán lên tường, cũng cổng rạp có đôi thiên nga trắng xòe cánh cong đuôi...

Chuyện đám cưới của Thu

Ông Đông Hạ (đã đổi họ tên) ở xã Cổ Thành (thị xã Chí Linh, Hải Dương) là người mở đầu cho trào lưu đi xuất khẩu của làng Cổ Châu cũng như toàn xã khi đi Hàn Quốc năm 1999. Hồi ấy ông làm việc tại cái thành phố có cái tên đọc đau cả mồm nên phải Việt hóa thành Nam Tông cho dễ nói. Lúc ông bị bắt về, năm 2001 cũng có được mấy chục triệu đủ mua cái xe máy Dream Thái bóng loáng để ngày ngày đi dạo trên đường làng khiến cho dân tình tha hồ mà nuốt nước bọt khan. Họ không hề biết rằng tất cả của nả ông tích góp bao năm xuất ngoại cũng chỉ có chừng ấy. Đi được mấy năm cái xe máy bị lỗi mốt nên khi đem bán chỉ còn được có 11 triệu.

12-36-12_dsc_1272
Một góc làng quê ở Hải Dương

Ông bà có hai người con, con trai tên Đông Thu và con gái tên Đông Loan (đã đổi họ tên). Năm 2003, thằng con đầu sinh năm 1983 đòi đi Hàn Quốc xuất khẩu lao động cũng ở đúng thành phố Nam Tông năm xưa ông từng sang. Cả đặt cọc lẫn phí môi giới cho nó mất đúng 160 triệu. Ngoài số tiền tích góp được ông bà còn phải vay 10 sổ tiết kiệm của 10 người quen, họ hàng, mỗi sổ gom 5 - 6 triệu một.

Lúc đầu thằng Thu làm nghề hàn xì, cơ khí rồi bỏ ra ngoài làm chui đến giờ ông bà cũng chẳng biết nó ở đâu mà 15 năm nay không thấy trở về. 3 sào ruộng vắng nó nhà cũng cho người khác cấy. Ở xứ người Thu gặp rồi yêu, rồi ăn ở cùng một cô gái gốc ở ngay phường Phả Lại cách quê mình chỉ độ dăm cây số cũng sang đây theo dạng vừa học vừa làm rồi bỏ trốn ra ngoài.

Nó gọi điện về nhà tha thiết: “Chúng con yêu nhau, muốn ở lại đây làm ăn, ở nhà bố mẹ cứ tổ chức đám cưới cho chúng con”. Ông Hạ nghe thấy thế, giãy lên như đỉa phải vôi bởi muốn thằng con trai phải về tận quê mà tổ chức. Đến lúc này Thu mới nói thật rằng người yêu đã có chửa, sắp đẻ đến nơi, cả hai đều làm chui làm lủi bên ngoài nếu về Việt Nam là mất luôn cửa đi. Thôi thì đành “Con cái đặt đâu bố mẹ ngồi đấy”. Lúc đó đang giữa hè, nắng chang chang không thể tổ chức đám cưới được nên phải đợi đến tháng 10 âm lịch năm 2017 ông bà mới dựng rạp được khi thằng cháu nội đã 1 tháng tuổi.

Đám cưới này lạ hơn cả đám cưới của con ông Văn Đỗ ở Nam Tân (Nam Sách, Hải Dương) là hai nhà trai gái đều không đến thăm nhau dù khoảng cách chỉ có dăm ba cây số. Bởi thế đám cưới không có “lễ trắng” là trầu cau, chai rượu lẫn “lễ đen” là tiền mặt, không khấn gia tiên, không cả rước dâu, rước rể. Trước đấy, con trai, con dâu ông đều đã gửi tiền về cho bố mẹ đẻ của đôi bên mấy ngàn USD để nhà nào tự tổ chức lễ cưới ở nhà đấy.

Cứ theo lời ông Hạ, quanh làng ông sống đã có 3 đám cưới không có cô dâu, chú rể, còn ngoài xã thì không thể biết hết, kể hết được.

Tuy tiết giảm khoản lễ lạt nhưng khoản trang trí, cỗ bàn vẫn bình thường thậm chí không muốn nói là hoành tráng. Cũng chữ song hỉ dán lên tường, cũng cổng rạp có đôi thiên nga trắng xòe cánh cong đuôi, cũng thùng phong bì, cũng chụp ảnh, cũng nhạc sống, cũng dẫn chương trình như thường. Anh MC cầm micro rõng rạc “Kính thưa quan viên hai họ, kính thưa các ông, các bà, các cô, các chú, các anh chị em và các cháu! Hôm nay là ngày lành tháng tốt, ngày cưới của anh Thu với cô Hường (đã đổi tên) mời đôi bên gia đình ăn trầu uống nước, xơi cơm ạ”. Vốn quen mồm dẫn theo lối mòn nên anh đã buột miệng mời cả hai bên gia đình nhưng thực ra chỉ có một phía.

Nhưng nào có hề gì? Chỉ riêng nhà trai đã đủ đông vui rồi. Ở Cổ Thành trước đây dù đám ma hay đám cưới đều ăn uống rất to nhưng giờ đám ma đã thu gọn 10 - 20 mâm trong nội tộc còn đám cưới vẫn cứ linh đình, mỗi mâm trung bình 2 bát, 7 đĩa gồm 1 bát mọc, 1 bát chân giò hầm, 1 đĩa xôi, 1 đĩa giò chả, 1 đĩa nộm, 1 đĩa cá chiên, 1 đĩa thịt gà, 1 đĩa tôm, 1 đĩa thịt bò xào. Sáng hôm dựng rạp ông Hạ cho làm 40 mâm, chiều thêm 55 mâm nữa, hôm sau bữa cỗ chính tới tận 65 mâm. Mỗi mâm tính ra trung bình ngót 1 triệu đồng chưa kể phông bạt 11 triệu, nhạc sống 4 triệu, MC 1 triệu... Nhà ông Hạ cưới tháng 10 âm lịch nhưng nhà gái tận tháng 11 âm lịch mới tổ chức, cả hai không ai mời ai cả.
 

Con khát sữa mẹ phải uống thuốc diệt sữa

Khi con được 2 tháng tuổi thì Thu bàn với vợ gửi về quê cho bố mẹ nuôi. May mắn là có hai con gái người thím cũng đi xuất khẩu lao động rồi lấy chồng ở Hàn Quốc nhận mang về hộ. Từ lúc đứa cháu nội sinh ra đến lúc làm thủ tục gửi về ngốn mất hơn 200 triệu. Bà vợ ông Hạ giải thích: “Con dâu tôi mổ đẻ nên rất tốn kém, mỗi ngày mất 20 triệu đồng tiền chi phí mà cả hai mẹ con nó lại nằm viện rất lâu. Cũng may nhờ được con nhà thím làm thủ tục bảo lãnh, đưa về hộ chứ không phải mất thêm 5.000 USD (hơn 100 triệu) nữa”.

Đứa bé nặng 5kg, đỏ hon hỏn, khóc oe oe được đùm về cho ông bà nội nuôi cùng hành lý gửi kèm là 10 hộp sữa loại 1kg cùng mấy bộ quần áo. Vì nuôi bộ hoàn toàn nên 1 tháng nó ăn hết 5 hộp sữa. Phải mất 3 lần gửi sữa về thì thằng bé mới nặng được 8,5kg, mọc được 4 răng như hiện nay.

Trong khi đó, ở bên kia, người mẹ trẻ ngực căng vì tức sữa, đầu căng tức vì nhớ con. Tức ngực quá không chịu đựng được chị phải uống thuốc cho tiêu sữa đi, một tuần sau mới bớt khó chịu. Ngày nào chị cũng gọi điện thoại về để thấy hình hài của con. Thằng bé rất quấn bà nội, thời gian này nó đang tri trô tập nói “bà bà” nên cũng chẳng thèm để ý mấy đến người mẹ xa lạ trên cái màn hình 5 inch. Chị chạnh lòng, bật khóc. Bởi vậy mà bà vợ ông Hạ thường xuyên phải quay video cảnh cháu tắm, cháu ăn, cháu lẫy, cháu bò, cháu mọc răng để gửi cho con dâu xem cho đỡ nhớ, đỡ tủi. Bà bảo: “Ngày xưa thời chúng tôi đói về kinh tế nhưng no về tinh thần còn giờ đây thời con tôi no về kinh tế nhưng lại đói về tinh thần chú ạ”.

Bà Hạ đang cho cháu nội ăn sữa

Nhiều đợt cảnh sát Hàn Quốc huy động lực lượng để tổng truy bắt người Việt Nam lao động lậu, thanh niên làng Cổ Châu lũ lượt về nhưng chỉ được một thời gian ngắn chúng lại tìm cách băng mình đi nước khác.

Con trai, con dâu ông bà Thu may mắn nhờ trốn chui, trốn nhủi mà thoát được: “Bên đó cứ vùng nào người Việt hay đánh nhau hoặc trộm cắp vặt thì hay bị ghét, bị truy bắt lây cả những lao động chui chứ không cũng quý người lắm! Họ hay bảo rằng: “Việt Nam chúng mày tiền ít lắm, chỉ như một đốt ngón tay thôi trong khi tiền của chúng tao nhiều như một sải tay. Ở đây chịu khó mà làm ăn, cấm cãi nhau, đánh nhau nữa để còn gửi tiền về nhà”. Ông Hạ bảo với tôi như vậy còn bà vợ của ông thì ngậm ngùi, tiếc nuối: “Vì lấy vợ muộn nên thằng Thu ít có điều kiện tích cóp, mới chỉ gửi về cho bố mẹ mua được 1 suất đất 170 triệu rồi góp phần xây cái nhà hơn 900 triệu thôi. Nó mà lấy vợ sớm có nhiều đất, nhiều nhà, có ô tô rồi đấy. Giờ phải nai lưng ra mà làm”.

Ngày ngày vợ chồng Thu làm từ 8h sáng đến 8h30 tối mới nghỉ, sáng, trưa, tối đều ăn ngay tại công ty. Hết làm chính thức họ lại còn làm thêm, tăng ca một ngày tới mấy tiếng, lắm lúc không còn có đủ thời gian để mà thở. Bởi vậy mà hôm nào gọi điện về cho con cũng vào khoảng 7h tối ở Việt Nam tức 9h tối ở Hàn Quốc, khi vừa về chỗ trọ còn chưa kịp tắm táp. Được cái thằng bé rất ngoan, không mấy khi khóc mà chỉ toàn thấy cười. Mỗi lần nhìn thấy nụ cười ấy bà lại nhớ đến thằng Thu, núm ruột 15 năm bôn ba xứ người chưa từng một lần gặp mặt.

Đứa thứ hai của ông bà, con Đông Loan vốn một lần sang ngang lỡ dở có một đứa con gái nhưng vẫn nằng nặc xin đi xuất khẩu lao động Nhật Bản năm 2012 với tổng chi phí 280 triệu. Lạnh lẽo, cô đơn nơi xứ người, cô được ông bố nuôi người Nhật tìm cho một tấm chồng người bản xứ. Khác với đám cưới của người anh rất to, vì đã một lần đò nên đám cưới của cô ở quê, ông bà Hạ chỉ dám làm 10 mâm mời họ hàng nội tộc. Lần đó họ không cho đặt thùng phong bì cũng như không lấy tiền của bất kỳ ai.

 

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.