| Hotline: 0983.970.780

Khởi công xây dựng trại chăn nuôi lợn thịt thông minh 3,1 triệu USD

Thứ Bảy 08/07/2023 , 20:48 (GMT+7)

Dự án thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại Ninh Bình hứa hẹn khắc phục được hạn chế trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ngày 8/7, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc tổ chức “Lễ khởi công Dự án thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại tỉnh Ninh Bình”.

Các đại biểu động thổ khởi công Dự án thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Trung Quân.

Các đại biểu động thổ khởi công Dự án thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Trung Quân.

Dự án có mức đầu tư 3,1 triệu USD

Dự án do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại với mức kinh phí 3,1 triệu USD, được triển khai trong thời gian từ 2022 - 2025 tại Hà Nội và Ninh Bình. Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp được Bộ NN-PTNT giao làm chủ dự án.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, dự án được thực hiện tại Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình).

Thông qua Dự án, hai bên sẽ phối hợp xây dựng mô hình trình diễn trang trại chăn nuôi lợn thịt thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại tại tỉnh Ninh Bình nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Chuyển giao và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt thông minh của Hàn Quốc phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, thông qua các chuyên gia Hàn Quốc làm việc tại dự án.

Nâng cao năng lực trong chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, lưu thông hàng hóa và quản lý dữ liệu hệ thống cho cả cán bộ và nông dân tham gia dự án.

Trên cơ sở đó, dự án sẽ được triển khai theo 5 hợp phần: Lắp đặt mô hình trang trại chăn nuôi lợn thông minh (216m2 chuồng nuôi lợn nái và hơn 467m2 chuồng nuôi lợn thịt), phát triển hệ thống phần mềm điều hành trang trại thông minh, cung cấp vacxin, lợn giống, vật liệu chăn nuôi.

Đào tạo và chuyển giao công nghệ (trong và ngoài nước) về chăn nuôi công nghệ cao, quản lý dữ liệu, điều hành hệ thống trang trại thông minh.

Xây dựng báo cáo chiến lược, kế hoạch tổng thể về phát triển trang trại chăn nuôi lợn thông minh, kết nối thị trường, truyền thông, quảng bá và chia sẻ nội dung hoạt động, sản phẩm của dự án. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thông tin về dự án. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thông tin về dự án. Ảnh: Trung Quân.

Tăng sức cạnh tranh, gia tăng thu nhập cho nông dân

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã nhất trí ký kết và thực hiện “Chương trình hành động” triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol trong tháng 6 vừa qua.

Trong nội dung "Chương trình hành động" thể hiện rõ: Hai bên tăng cường chia sẻ kinh nghiệm hợp tác trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghiệp bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Thúc đẩy thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tiếp tục hỗ trợ công nghệ và hợp tác trong quá trình sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ nhằm xúc tiến thương mại cho hàng hóa nông sản và các loại thực phẩm chế biến từ nông, thủy sản là những mặt hàng hai nước có thế mạnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản và chăn nuôi của Việt Nam.

Hàn Quốc đứng số 1/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt hơn 80 tỷ USD. Bên cạnh đó, là đối tác phát triển ODA lớn thứ 2 vào Việt Nam.

Thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ 2 của Việt Nam với 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt hơn 86 tỷ USD.

Đồng thời, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc chỉ sau hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Lãnh đạo hai bên đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD trong năm nay (tăng khoảng 13 tỷ USD so với năm 2022).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp tương đối cao, đạt 3,07%.

Để đạt được thành công trên, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu, phát huy sức mạnh nội tại thì ngành nông nghiệp đã nhận được nhiều sự hợp tác, giúp đỡ rất thiết thực của các đối tác quốc tế, trong đó có sự giúp đỡ và hỗ trợ hiệu quả của Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kỳ vọng dự án sẽ tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hình, có khả năng cạnh tranh cao, tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kỳ vọng dự án sẽ tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hình, có khả năng cạnh tranh cao, tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Trung Quân.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp đã nhấn mạnh tới yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao khả năng thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu.

Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025).

Tuy nhiên, đến nay, mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh với những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vẫn chưa được đầu tư bài bản, chi phí cao.

Do đó, dự án lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hình, có khả năng cạnh tranh cao, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Viện Chăn nuôi phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình và Cục Đào tạo, Xúc tiến và Dịch vụ thông tin về Lương thực, Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Hàn Quốc (thuộc Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc), các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, hiệu quả, theo đúng các nội dung mà văn kiện dự án đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ như Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y để nghiên cứu, đề xuất các chính sách, kế hoạch tổng thể cải tiến mô hình trang trại chăn nuôi lợn thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng, toàn quốc nói chung.

Đối với các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT, thường xuyên đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá, nghiệm thu kết quả của dự án theo chức năng nhiệm vụ được giao, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.

Theo ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai đúng kế hoạch. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai đúng kế hoạch. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng cũng đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chủ dự án, chuyên gia, nhà thầu thi công thực hiện theo đúng tiến độ và chất lượng đã đề ra.

Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tập trung phát triển theo hướng tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, đặc sản, đặc hữu, nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao, có lợi thế xuất khẩu phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh cũng xác định chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa, đưa sản phẩm trong khu vực trang trại đạt trên 45% năm 2030. Dự án lần này nếu được triển khai thành công và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ rất phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh. Do đó, Ninh Bình sẽ cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để dự án được triển khai theo đúng kế hoạch.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.