| Hotline: 0983.970.780

Khơi dậy phong trào sản xuất lúa

Thứ Năm 21/09/2017 , 15:55 (GMT+7)

Thập niên 80 của thế kỷ trước, xã Kỳ Văn được “ghi danh bảng vàng” của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về phong trào sản xuất lúa giỏi, năng suất thường xuyên đứng top đầu của huyện.

Tuy nhiên, đến những năm 90 thì sa sút hẳn, thậm chí có năm năng suất vụ xuân cao nhất cũng chỉ đạt 45 tạ/ha (thấp hơn bình quân chung toàn huyện 4 tạ/ha).

15-36-21_1
Nhờ tổ chức hội thi, chỉ trong vòng 7 ngày nông dân Kỳ Văn gieo cấy xong 16,5ha

Để lấy lại “phong độ”, khơi dậy tinh thần hăng say sản xuất, bám ruộng của nông dân, cuộc thi mang tên “Sản xuất lúa giỏi” được tổ chức với sự tham gia hăng hái của cả hệ thống chính trị và nông dân.

Ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh chia sẻ, ý tưởng tổ chức cuộc thi “khai sinh” từ Phòng Nông nghiệp huyện. Sau khi bàn bạc, thống nhất, UBND huyện giao cho Hội Nông dân và Phòng Nông nghiệp huyện chỉ đạo xã Kỳ Văn tổ chức thực hiện.

Mục đích tổ chức cuộc thi là để thay đổi tư duy sản xuất tự phát, không theo quy trình kỹ thuật của một số hộ dân; từng bước đưa bộ giống mới năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy; hạn chế sử dụng thuốc BVTV; thay đổi cách bón đạm đơn thành đạm tổng hợp, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Có chủ trương, 8/8 thôn của Kỳ Văn đăng ký tham gia cuộc thi, triển khai trong vụ hè thu 2017 với tổng diện tích dự thi 16,5ha/242 hộ dân, gieo cấy một loại giống VTNA2 nguyên chủng.

Sau khi hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cuộc thi, các hộ dân tham gia năng nổ. Thực hiện ngâm ủ giống theo hướng dẫn của đơn vị cung ứng giống và Ban Khuyến nông xã, tỷ lệ nảy mầm đạt cao. Đồng loạt xuống giống, gieo cấy xong 16,5ha trong vòng 7 ngày (từ 1 – 7/6/2017).

Đến thời kỳ chăm bón, nhà nhà xuống ruộng tỉa dặm, người người phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu cuốn lá theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên ngăn chặn được tất cả các loại sâu bệnh phá hoại lúa. Trong khi những vụ mùa trước, thời kỳ này nông dân xã Kỳ Văn không mấy quan tâm, cỏ dại mọc tốt hơn lúa, “ăn” hết cả chất dinh dưỡng khiến lúa phát triển kém, hiệu quả thấp.

“Trong suốt quá trình lúa sinh trưởng, phát triển các thôn thường xuyên đi thăm đồng, chấm điểm để hối thúc bà con quan tâm đến đồng ruộng. Kết quả thay đổi rõ rệt. Ruộng nào tham gia cuộc thi đều sạch từ bờ bao đến cỏ dại, sâu bệnh. Năng suất thu hoạch đạt tới 2,8 tạ/sào (cao hơn ruộng không tham gia cuộc thi 30kg/sào); lợi nhuận 744.000đ (cao hơn đối chứng 155.000đ/sào)”, ông Nguyễn Tiến Điền, Chủ tịch UBND xã Kỳ Văn phấn khởi nói.

15-36-21_2
Lúa sạch cỏ, sạch sâu bệnh, năng suất đạt trên 2,8 tạ/sào

Chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Đại Đồng cho hay, gia đình chị có 3 sào ruộng liền vùng, liền thửa tham gia cuộc thi. Các vụ sản xuất trước chồng chị đi làm ăn xa, nhà neo người nên từ ngày gieo cấy đến khi thu hoạch chị thăm đồng chỉ vài lần, cỏ không phun, bờ bao không xẻ phát nên năng suất chỉ được 2 tạ/sào là cao. Vụ HT vừa qua, chị tham gia hội thi sản xuất lúa giỏi, nhìn các hộ khác trong thôn đua nhau ra tỉa dặm, làm cỏ, phun thuốc BVTV chị cũng ra làm.

“Đúng là có chăm có khác, giai đoạn nào lúa cũng đẹp, đặc biệt là thời kỳ “con gái”. Năng suất thu hoạch ruộng của tôi đạt hơn 2,8 tạ/sào”, chị Huyền nhấn mạnh.

Có thể khẳng định khi hoạt động sản xuất lúa thường ngày trở thành phong trào, có thưởng, có phạt thì tư duy của người nông dân cũng sẽ thay đổi. Họ yêu đồng ruộng, hăng say sản xuất hơn và quan trọng nhất là làm ruộng có lãi chứ không lỗ như trước đây.

 

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.