Nhiều mô hình sinh kế
Thời gian qua, với mục tiêu đồng hành cùng xã miền núi Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) xóa đói, giảm nghèo, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN) Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm, tăng thu nhập.
Bản An Bai là xã thuộc vùng đệm Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, một trong những bản khó khăn nhất của xã miền núi Kim Thủy.
Vợ chồng anh Hồ Văn Sửu hồ hởi khoe: “Đàn dê của gia đình tôi đã đẻ thêm được 5 con dê con rồi. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn nên giờ tôi đã biết cách nuôi dê đúng kỹ thuật, làm gì để đàn dê phát triển, nhanh sinh sản. Tôi mừng lắm!”.
Gia đình anh Hồ Văn Sửu là một trong 3 hộ gia đình ở bản An Bai và bản Hà Lẹc của xã Kim Thủy được Trung tâm KNKN tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi dê sinh sản. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 8 con dê cái và 1 con dê đực.
Trước khi hỗ trợ con giống cho các hộ dân, Trung tâm KNKN tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh…, đồng thời cử cán kỹ thuật bám sát, hỗ trợ các hộ trong quá trình chăm sóc đến lúc sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại, đàn dê của các hộ dân đều đã sinh thêm lứa dê mới.
Anh Hồ Văn Sửu chia sẻ: “Từ sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông, tôi đã có thêm kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi. Thời gian tới, tôi sẽ mua thêm giống để phát triển mô hình nuôi dê sinh sản, xem đây là hướng phát triển kinh tế bền vững của gia đình”.
Anh Mai Ngọc Thuận, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật (Trung tâm KNKN Quảng Bình) cho biết: Để hướng dẫn bà con nuôi dê đúng kỹ thuật đã khó, hướng dẫn bà con đồng bào thiểu số còn khó hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, bằng các phương pháp khuyến nông, “bắt tay chỉ việc”, các hộ ở đây được hướng dẫn quy trình chăm sóc dê vừa đúng kỹ thuật, dễ hiểu để người dân dễ áp dụng. Trung tâm cử cán bộ về trực tiếp tại hộ hướng dẫn từ việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường, chăn thả dê cho ăn thức ăn tự nhiên, bổ sung thêm các loại lá cây để đàn dê có đủ dinh dưỡng. Hướng dẫn người dân phải bảo đảm chuồng trại được làm cao ráo, chắc chắn, đủ ấm trong mùa đông, phòng các loại bệnh cho dê…
Cũng như bản An Bai, người dân bản Chuôn (xã Kim Thủy) đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu đất sản xuất, người dân ở đây chỉ biết dựa vào rừng và các sản vật của rừng để kiếm sống qua ngày. Để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, Trung tâm KNKN tỉnh đã xây dựng các mô hình trồng mít ruột đỏ, khoai môn, nuôi ngan đen… tại bản Chuôn.
Chị Hồ Thị Lý, bản Chuôn chia sẻ: “Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ 35 con ngan giống, thức ăn, thuốc thú y… và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trong suốt quá trình nuôi. Nuôi ngan hiệu quả kinh tế hơn các con vật khác vì nuôi ngan vài tháng là có thể xuất bán.
Đặc biệt, giống ngan đen được nhiều người dân ưa chuộng, không phải lo về khâu tiêu thụ. Hiện tại, đàn ngan của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến gần một tháng nữa có thể xuất bán. Từ những kim nghiệm đã học được, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ngan đen để phát triển kinh tế gia đình”.
6 mô hình sinh kế hiệu quả năm 2021
Ông Hồ Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho biết: Thời gian qua, Trung tâm KNKN tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Kim Thủy. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ nông nghiệp, bà con dân bản đã biết trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng kinh tế, xây dựng chuồng trại để nuôi ngan, dê…
Các mô hình không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của đồng bào, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Năm 2021, Trung tâm KNKN tỉnh đã thực hiện 6 mô hình sinh kế thuộc các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn xã Kim Thủy, như: Mô hình trồng 1,5 ha khoai môn tại bản Cây Bông, Cồn Cùng và bản Chuôn; trồng 2,5 ha mít ruột đỏ tại bản Chuôn và bản Hà Lẹc; trồng 13,5 ha rừng gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô tại bản Cây Bông, Cồn Cùng, Khe Khế và bản Hà Lẹc; mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại bản Hà Lẹc và An Bai; chăn nuôi bò sinh sản tại bản Mít Cát; nuôi ngan đen tại bản Chuôn, Bang và Cây Bông.
Thực hiện chủ trương giúp đỡ các xã miền núi phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đơn vị đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình sinh kế giúp người dân xã Kim Thủy phát triển sản xuất. Việc triển khai ở Kim Thủy gặp nhiều khó khăn so với vùng đồng bằng vì khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cũng như dân trí của người dân còn thấp. Chính vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn các mô hình phù hợp với người dân, đơn vị còn chú trọng đến vấn đề tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn để bà con tiếp cận, thực hiện tốt các mô hình.
Đến thời điểm hiện tại, các mô hình sinh kế đều phát triển tốt, bước đầu đem lại hiệu quả, tạo công ăn việc làm người dân. Thành công của những mô hình này sẽ là tiền đề bà con dân tộc thiểu số trong vùng và các địa phương lân cận học hỏi, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh Quảng Bình, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện các mô hình sinh kế ở Kim Thủy, Trung tâm đã hướng đến những mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương để có thể nhân rộng các mô hình, hướng đến sinh kế bền vững.
Trước khi thực hiện, Trung tâm đã nhiều lần khảo sát, phối hợp với chính quyền địa phương để có sự thống nhất, chọn ra những mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và phù hợp với trình độ của người dân.
Đến thời điểm hiện tại, các mô hình do Trung tâm KNKN tỉnh thực hiện trên địa bàn xã Kim Thủy đều sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.