Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 và dịch Covid-19 đã tác động lớn đến quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ các mặt hàng chăn nuôi trên địa bàn Hà Giang, trong đó việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng đàn trâu của Hà Giang bị giảm trên 2,97% so với với cùng kỳ năm 2019; tổng đàn bò giảm 2,22%; đàn lợn giảm trên 6,8%; tổng đàn gia cầm giảm gần 3,12%...
Bên cạnh đó, dịch bệnh nhất là dịch tả lợn châu Phi cũng tác động không nhỏ đến các loại vật tư phục vụ chăn nuôi, như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, vì vậy khả năng tái đàn lợn và quá trình kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi bị ảnh hưởng.
Nhằm vực lại ngành chăn nuôi sau dịch bệnh, Sở NN– PTNT Hà Giang đã đề ra các chủ trương và định hướng cho các huyện, thành phố.
Đó là, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi bình ổn giá thịt lợn, hạn chế việc tăng giá thịt lợn quá cao. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và xử lý môi trường trong quá trình chăn nuôi.
Phấn đấu đến cuối năm 2020, đàn trâu, bò của tỉnh đạt trên 295 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 8.900 tấn; đàn dê đạt 178 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 2.000 tấn; đàn lợn đạt 594 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 32.800 tấn; đàn gia cầm đạt 5,1 nghìn con và sản lượng thịt hơi xuất chồng đạt 8.200 tấn.
Nhằm định hướng cho ngành chăn nuôi sau dịch bệnh, cơ quan chức năng của Hà Giang cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về những rủi ro cần phòng, tránh nhất là với các doanh nghiệp, chủ hộ đang có ý định tái đàn lợn.
Đó là vấn đề tái nhiễm đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể xảy ra; giá cả các loại thức ăn chăn nuôi tăng; việc tiếp cận các chính sách nói chung và chính sách về chăn nuôi nói riêng của người dân còn hạn chế; ý thức chủ động trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc của một số địa phương và người dân chưa cao.
Đặc biệt, trong việc liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị chưa thực sự mang lại hiệu quả bền vững; quá trình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi còn hạn chế, nhất là chăn nuôi trang trại quy mô lớn…
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh phát triển đàn lợn, giảm giá lợn trên thị trường, tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mở rộng qui mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, như tiếp tục thực hiện chính sách vay vốn được hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ người dân chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi; tiếp tục nhập khẩu lợn giống ông bà, bố mẹ có năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn lợn....
Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ngành NN- PTNT Hà Giang đã đề ra định hướng cụ thể, như tập trung tổ chức lại sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng trang trại và gia trại theo chuỗi giá trị khép kín; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình phát triển chăn nuôi; nâng cao hiệu quả chăn nuôi của các hộ theo hướng an toàn và bền vững.
Ưu tiên phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng các loại giống bản địa chất lượng cao.
Mục tiêu cần hướng đến là các doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà trước mắt nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả của các trung tâm giống thuộc ngành để bảo tồn tốt nguồn gen và cung ứng con giống đảm bảo chất lượng trong quá trình phát triển chăn nuôi tại các địa phương.