| Hotline: 0983.970.780

Ngành chăn nuôi Nghệ An: Chủ động phòng bệnh, thận trọng tái đàn

Thứ Tư 17/06/2020 , 07:10 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đánh giá cao những kết quả của ngành chăn nuôi Nghệ An trong thời gian qua. Giữa muôn vàn gian khó, địa phương vẫn đạt được những mặt tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận sự cố gắng của ngành chăn nuôi Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận sự cố gắng của ngành chăn nuôi Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Phòng hơn chữa

Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, ngành chăn nuôi tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến khó lường của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã tác động không nhỏ đến kinh tế và an sinh xã hội.

Lũy kế đến ngày 15/6 vừa qua, DTLCP đã xuất hiện tại 21.456 hộ của 21 huyện. Tổng số lợn đã tiêu hủy là 95.724 con, chiếm 10,24% tổng đàn.

Mức thiệt hại nêu trên không nhỏ, tuy nhiên nếu ứng với một tỉnh có quy mô chăn nuôi thuộc tốp đầu thì đây là con số chấp nhận được. Đáng nói hơn, hiện có đến 357 xã đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch nào, chiếm trên 98% số xã hết dịch. Điều rất ấn tượng này, đủ để thấy công tác phòng và chống dịch thời gian qua của Nghệ An là có hiệu quả.

Chăn nuôi nông hộ còn chiếm phần lớn, đây là thách thức của Nghệ An trong việc phòng bệnh cũng như tái đàn. Ảnh: Việt Khánh.

Chăn nuôi nông hộ còn chiếm phần lớn, đây là thách thức của Nghệ An trong việc phòng bệnh cũng như tái đàn. Ảnh: Việt Khánh.

Theo dõi xuyên suốt, dễ thấy thành quả trên không đến một cách ngẫu nhiên, ngược lại đòi hỏi sự vào cuộc rất quyết liệt của các bên liên quan với sự chỉn chu, tỉ mỉ trong thời gian dài.

Nghệ An đang tích cực hỗ trợ Công ty Mavin đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án sản xuất lợn giống tại huyện Anh Sơn.

Về khía cạnh chăn nuôi nông hộ, hiện trên địa bàn còn khoảng 70.000 con lợn nái, 1.200 con lợn đực giống và có 8 cơ sở Trạm giống sản xuất tinh lợn của Trung tâm Giống chăn nuôi, số lượng này chỉ đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu tái đàn, tăng đàn lợn của tỉnh. Đây thực sự là vấn đề rất đáng quan ngại.

Ngay khi DTLCP xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 8/2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành địa phương đã tập trung chỉ đạo cụ thể, sát sao thông qua các công văn có nội dung sát sườn.

Nổi bật phải kể đến Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 về “Kịch bản ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh” hướng dẫn cụ thể những biện pháp trọng tâm xuyên suốt từ cấp tỉnh xuống tận huyện, xã.

Tỉnh Nghệ An đã chủ động tổ chức 6 cuộc họp trực tuyến và nhiều cuộc hội nghị nhằm quán triệt, thống nhất triển khai các giải pháp phòng, chống.

Bên cạnh đó đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống bệnh DTLCP do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, thành viên Ban Chỉ đạo là Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh được phân công trách nhiệm cụ thể.

Đánh giá khách quan, công tác chống dịch được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ trên xuống dưới, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến nay, bệnh DTLCP chỉ xảy ra nhỏ lẻ tại một số xã, nhìn chung tình hình đã được khống chế.

Trong bức tranh tổng thể với nhiều gam màu tươi mới, bật lên rõ nét vai trò của Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nghệ An.

Dựa trên điều kiện thực tế, đơn vị đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Sở NN- PTNT để triển khai hiệu quả Luật Chăn nuôi; tái cơ cấu ngành chăn nuôi; tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển chăn nuôi; ban hành các Kế hoạch và các chính sách tái đàn lợn…

Dù vậy địa phương vẫn duy trì được tín hiệu tích cực, kết quả này được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ phải qua) và Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đánh giá cao. Ảnh: Việt Khánh.

Dù vậy địa phương vẫn duy trì được tín hiệu tích cực, kết quả này được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ phải qua) và Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đánh giá cao. Ảnh: Việt Khánh.

Qua theo dõi, thời gian qua Nghệ An thực hiện khá hiệu quả Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 30/3/2018.

Trên tinh thần đó đã tiến hành hỗ trợ định mức 1.000.000 đồng/con lợn nái hậu bị cấp ông bà, bố mẹ có trọng lượng bình quân 60 kg/con. Mức hỗ trợ bằng 50% số lượng nhập đàn và tối đa không quá 100.000.000 đồng/trang trại.

Chưa hết, tỉnh còn trợ giá lợn đực giống ngoại (chỉ tiêu 30 con lợn nái trở lên được bố trí 1 con lợn đực giống cho trang trại đủ tiêu chuẩn sản xuất giống cấp ông bà, bố mẹ), mức 2.000.000 đồng/con. Ngoài ra, còn hỗ trợ 50% giá lợn đực giống ngoại để thay thế, bổ sung đàn lợn đực giống tại các đơn vị thụ tinh nhân tạo trên địa bàn.

Không chủ quan

Trao đổi với Báo NNVN, ông Đặng Văn Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh khẳng định: “DTLCP trên địa bàn tỉnh Nghệ An cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên hệ thống chăn nuôi  nhỏ lẻ chiếm phần lớn, nhiều cơ sở chưa đảm bảo điều vệ sinh thú y và an toàn sinh học, trong điều kiện thời tiết khó lường, thêm cả mầm bệnh đang lưu hành rộng rãi có thể kéo theo nguy cơ dịch tái phát và lây lan. Người chăn nuôi cần nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là”.

Từ đòi hỏi thực tế, thời gian tới Nghệ An xác định ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, từng bước chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đầu tiên, cần xây dựng và triển khai “Kế hoạch tái đàn và phát triển đàn lợn của tỉnh giai đoạn 2020-2025”. Kế hoạch đến cuối năm 2020, phấn đấu nâng tổng đàn lợn lên khoảng 1 triệu con.

Muốn làm được phải kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, áp dụng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng chính phủ.

Sau nữa, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung Tái cơ cấu ngành chăn nuôi, các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển chăn nuôi của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh.

Masan là điểm sáng trong công tác phòng bệnh và tái đàn. Ảnh: Việt Khánh.

Masan là điểm sáng trong công tác phòng bệnh và tái đàn. Ảnh: Việt Khánh.

Tránh tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, Nghệ An buộc phải thay đổi cung cách thu hút đầu tư bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để mời gọi các doanh nghiệp, người chăn nuôi có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô, tăng khả năng sản xuất giống để phục vụ công tác tái đàn, tăng đàn và phát triển đàn lợn.

Rà soát thực tế, số lượng lợn tái đàn, tăng đàn đến hết tháng 5/2020 trên địa bàn tỉnh đạt 60.000 con. Trong đó các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn khoảng 40.000 con (Tập đoàn Masan 17.000 con, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam 3.000 con, Công ty Tiến Thành 3.000 con, Công ty Darby 3.000 con, Tập đoàn Mavin 1.000 con, các trang trại khác 13.000 con), phần còn lại là chăn nuôi nông hộ, gia trại”.

Để sớm giải quyết vấn đề “muốn thịt lợn rẻ thì lên ti vi mà mua”, Chi cục Chăn nuôi – Thú y sẽ tăng cường phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát từ khâu giết mổ, vận chuyển đến lưu thông. Việc làm này vừa nâng cao yếu tố an toàn dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát chặt chẽ sản lượng thịt lợn được tiêu thụ, qua đó không để người đầu cơ có cơ hội trục lợi.

Đánh giá tổng quan thì công tác tái đàn lúc này đang gặp nhiều khó khăn nhất định, nhất là trên bình diện nông hộ nhỏ lẻ. Xét tổng hòa các yếu tố, việc Nghệ An duy trì được số lượng như trên là thành công và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Nhìn chung ý thức của các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã có sự chuyển biến rõ nét. Ảnh: Việt Khánh.

Nhìn chung ý thức của các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã có sự chuyển biến rõ nét. Ảnh: Việt Khánh.

Mấu chốt là nhận thức của đại bộ phận người nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét, thay vì tư tưởng chủ quan, đến đâu hay đến đó nay công tác phòng bệnh được triển khai hết sức nghiêm ngặt và kỹ lưỡng.

Điển hình là trang trại của anh Nguyễn Đình Dũng, tại xóm 2, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc. Giữa tâm dịch gia đình vẫn duy trì tổng đàn trên 600 con, cả lợn thịt và lợn nái đều phát triển ổn định. Qua kiểm tra, mô hình nhận được sự ghi nhận tích cực của đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Lúc này Nghệ An cần tích cực chỉ đạo, khâu nối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để áp dụng chính sách ưu tiên đối với các cơ sở bị thiệt hại do DTLCP được vay vốn sớm khôi phục sản xuất, tái đàn, tiến tới mở rộng theo tinh thần các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nhìn chung nhiệm vụ đưa ngành chăn nuôi bình ổn trở lại và duy trì một cách bền vững nhất không của riêng ai, ngược lại đòi hỏi tất cả các bên đều phải cùng chung tay, gắng sức.

Xem thêm
Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.