Năm ngoái, ông V, một nông dân ở huyện Tây Sơn (Bình Định) trồng bí. Đến giữa năm 2018 bí cho thu hoạch, nhưng ông V. không cầm được đồng tiền nào bởi vụ bí vừa mất mùa vừa mất giá. Chuyển hướng làm ăn, ông V. quay sang trồng dưa hấu. Trồng dưa hấu đầu tư cao, nhưng trong tay không còn vốn nên ông V. đành vay “nóng” với lãi suất cao, đến 15%/tháng, để về xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) thuê đất trồng dưa hấu.
Đến khi ông V. không còn khả năng trả lãi cũng là lúc dưa hấu cho thu hoạch. Ông V. nước mắt ngắn nước mắt dài khi biết số tiền vay “gánh lãi” giờ đã tăng hơn gấp đôi.
Đêm 17/3 vừa qua, ông N.V.T. ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), 1 thương lái chuyên thu mua dưa hấu xuất sang Trung Quốc về vùng dưa ở xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) để thu mua dưa. Tại đây, ông T. thu mua khoảng 60 tấn dưa hấu, trong đó có mua ruộng dưa của ông V. Dưa cắt xong chất đầy lên 3 xe tải thì bất ngờ có 1 nhóm “giang hồ” ập đến buông lời hăm dọa, “giam” 3 xe dưa của T. đã mua không cho rời đi.
Xe dưa của thương lái N.V.T thu mua tại xã Cát Tân (huyện Phù Cát) bị “giang hồ” chặn không cho ra khỏi ruộng dưa |
Dưa hấu là mặt hàng tươi, thời tiết lại đang nắng gắt, nếu không vận chuyển đi ngay nguy cơ dưa sẽ bị hư thối ngay trên xe trước khi sang Trung Quốc. Ông T. phải kêu cứu chính quyền can thiệp thì các xe dưa của ông mới thoát khỏi “vòng vây” của nhóm “giang hồ” kia.
Ông T. kể: “Nhóm người hung hãn “giam” cả 3 xe dưa của tôi vừa mua với số tiền 700 triệu đồng. Nếu không nhờ chính quyền can thiệp, 3 xe dưa bị “giam” hết ngày 18/3 thì chắc chắn dưa sẽ bị hư hỏng hết khi sang đến Trung Quốc, số tiền 700 triệu đồng nguy cơ mất đứt. Phi lý là tôi có nợ gì họ đâu, họ làm vậy là để tạo áp lực đòi nợ ông V., trong khi dưa tôi mua là của nhiều người chứ phải đâu chỉ mua dưa của ông V.”.
Ông V., đối tượng mà nhóm “giang hồ” nhắm tới để đòi nợ, trần tình: “Vào tháng 6/2018, do trồng bí thất thu nên có tôi vay “nóng” với lãi suất 15%/tháng của 1 người ở xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) để làm ăn. Số tiền lãi mà tôi đã trả cho đến tháng 9/2018 là 20 triệu đồng, sau đó tôi không còn khả năng trả lãi nên liên hệ với chủ nợ xin khất lại, đợi thu hoạch vụ dưa sẽ trả đủ”.
Khi nghe ông V. thu hoạch dưa để bán cho thương lái thì chủ nợ thuê “giang hồ” đến chặn xe chở dưa để đòi nợ ngay tại ruộng. Ông V. đứng ra xin chủ nợ cho khất lại ít hôm nữa, đợi thương lái thanh toán tiền dưa ông sẽ trả nợ ngay. Khi vợ ông V. hỏi chủ nợ số nợ còn lại là bao nhiêu thì cả 2 vợ chồng đều “tá hỏa” khi chủ nợ nói 77 triệu đồng giờ đã “đẻ lãi” lên đến 160 triệu, đó là chưa tính khoản tiền 20 triệu đồng ông V. đã trả trước đó.
Sáng 19/3, ông Trần Công Tòng, Chủ tịch UBND xã Cát Tân, cho biết: “Các đối tượng chặn xe tải chở dưa hấu trên địa bàn xã đều là người ở huyện Tây Sơn. Ông V. cũng là người dân ở huyện Tây Sơn, về xã Cát Tân thuê đất trồng dưa hấu. Vụ việc này liên quan đến chuyện làm ăn, nợ nần trước đó. Sau khi nhận được tin báo, tôi đã chỉ đạo Công an xã đến giải quyết. Ông V. đã trả thêm cho chủ nợ 30 triệu đồng, đồng thời cam kết thời hạn trả nốt số nợ nên trưa 18/3, nhóm đối tượng kia đã thả 3 xe dưa hấu đi rồi”.