Không chủ quan trong mọi tình huống
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP Uông Bí: Ngày 4/6 sau khi nhận được tin báo tại hộ chăn nuôi ông Vũ Văn Thành ở tổ 2, khu Cẩm Hồng, phường Phương Nam (đàn lợn 1 nái, 7 thịt) và ông Phạm Văn Hùng, thôn Tập Đoàn, xã Thượng Yên Công (1 lợn nái) có hiện tượng lợn ốm chết, không rõ nguyên nhân, UBND TP đã cử Trung tâm Dịch vụ KTNN phối hợp với phường Phương Nam, xã Thượng Yên Công tiến hành kiểm tra thực tế, chẩn đoán và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y Vùng II, Hải Phòng xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y Vùng II có 02/02 mẫu dương tính với virus DTLCP. Đến ngày 7/6/2020, thành phố nhận thêm tin báo tại hộ gia đình nhà Đỗ Thị Mùi thôn Đồng Bống, phường Vàng Danh, TP Uông Bí tổng đàn lợn 13 con (1 nái, 12 thịt) ốm và chết. Trung tâm Dịch vụ KTNN kiểm tra và gửi mẫu vùng 2 đến ngày 08/6/2020 trả kết quả phát hiện thấy virus DTLCP trong mẫu.
Theo ông Phạm Văn Sự, Phó phòng Kinh tế TP Uông Bí: Qua quá trình thẩm định, nguồn lây bệnh không phải do người dân mua con giống trôi nổi trên thị trường để tái đàn mà do mầm bệnh được ủ trong một thời gian lâu, đến nay mới tái phát. Đồng thời số lợn nói trên đều được các hộ dân chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, quy mô nhỏ lẻ nên khó khăn hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi này chưa thể áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, vệ sinh truồng trại, khử và sát khuẩn theo quy định.
Hỗ trợ cho người dân bị tiêu hủy lợn nhiễm bệnh, số tiền được TP Uông Bí chi trả đến nay đạt gần 14,2 tỷ đồng. Tỷ lệ hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi đạt 99,6% số hộ thiệt hại do bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy; 100% số hộ dân đã nhận hỗ trợ; còn 03 hộ chăn nuôi trong Quân đội, không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định.
Có thể nói, đây cũng là một trong những bất cập đè nặng lên vai cơ quan quản lý trong việc kiểm soát hoàn toàn DTLCP, trước bối cảnh tái đàn dần trở nên nan giải và khó khăn. Tính đến nay, chỉ tính riêng TP Uông Bí, DTLCP đã xuất hiện tại 788 hộ chăn nuôi/65 thôn, khu/11 xã, phường; Số lợn mắc bệnh ốm và chết buộc phải tiêu hủy trên địa bàn TP Uông Bí là 6.116 con (trên 50% tổng đàn lợn) với khối lượng 310.328 kg hơi (trong đó lợn nái, đực đang khai thác 758 con với khối lượng 109.554 kg; lợn thịt và 5.358 con với khối lượng 200.774 kg).
Không chủ quan, TP Uông Bí đã xây dựng hệ thống xử lý mầm bệnh, tiêu hủy đạt tiêu chuẩn nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh lây lan gián tiếp qua đàn lợn không nhiễm bệnh, đồng thời yêu cầu phòng Kinh tế, Trung tâm DVKTNN, các phòng ban thành phố và UBND các xã, phường có dịch bệnh tiêu hủy toàn bộ số lợn trên và thực hiện các biện pháp khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Cũng theo ông Phạm Văn Sự, Phó phòng Kinh tế TP Uông Bí: Do DTLCP chưa có vacxin phòng bệnh và thuốc điều trị, chỉ sử dụng biện pháp phòng bệnh bằng khử trùng nên hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tại địa phương, người chăn nuôi còn chủ quan trong công tác phòng chống dịch do tập quán chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong dân, khả năng kiểm soát dịch bệnh hạn chế. Đối với những hộ chăn nuôi ở những vùng trũng hoặc xen kẽ trong khu dân cư, khi xảy ra dịch bệnh thì việc tiêu hủy gặp khó khăn cho công tác vận chuyển lợn đến địa điểm tiêu hủy.
Thêm vào đó, lực lượng cán bộ thú y từ cấp huyện đến cấp xã, phường còn ít, hạn chế trong công tác kiểm tra dịch bệnh và thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Thủ tục hướng dẫn về thanh quyết toán của các Sở ban ngành của tỉnh còn nhiều, và không kịp thời, khó khăn cho các đơn vị trong công tác hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ cho các hộ dân chăn nuôi. Các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi ban hành chậm nên việc triển khai thực hiện chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi còn gặp khó khăn, xác định khu vực được phép chăn nuôi để khuyến khích người dân tái đàn, triển khai lựa chọn các điểm chăn nuôi tập trung, xây dựng phương án ngành để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế của thành phố. Ông Sự nói thêm.
Trước tình hình trên, Phòng Kinh tế TP Uông Bí đã tham mưu thành phố ban hành văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, công tác quản lý vệ sinh ATTP, công tác tiêm phòng triển khai tháng tiêu độc khử trùng; hướng dẫn UBND xã, phường tái đàn, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiệt hại DTLCP xảy ra trên địa bàn.
Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh
Để phát triển ngành chăn nuôi đảm bảo bền vững, ổn định trên địa bàn, TP Uông Bí đang xây dựng phát triển nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa. Cụ thể, phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo hướng trang trại, liên kết theo chuỗi để giảm giá thành và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, phát triển chăn nuôi quy trình khép kín từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ.
Trong thời gian tới, TP Uông Bí sẽ kiên quyết xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh cần gắn với việc xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung giúp kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khống chế, đảm bảo quy trình vệ sinh thú y, ATTP. Quản lý các lò giết mổ gia súc đảm bảo công tác quản lý thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm hướng tới môi trường chăn nuôi cho người dân ngày một hoàn thiện.
Quá trình này đòi hỏi quy chuẩn đồng bộ, phù hợp với xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh - xa khu dân cư theo Luật Chăn nuôi mới. Tuy nhiên, để chuyển dịch dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại và trang trại theo hướng chăn nuôi công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần xác định quy mô trang trại phù hợp với từng loại vật nuôi, từng xã, phường nhất là chăn nuôi lợn.
Đến nay, TP Uông Bí đã quy hoạch xong các vùng phát triển chăn nuôi lợn dựa vào vị trí, điều kiện tự nhiên cũng như khả năng đầu tư của các doanh nghiệp, người dân đóng trên địa bàn, nhất là phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc, chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế.
Để có chính sách khuyến khích nhà đầu tư phát triển chăn nuôi, địa phương này cũng đã dành một phần quỹ đất quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, tăng thời gian cho thuê đất để người chăn nuôi có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi. Đồng thời, rà soát quy hoạch đất tại các xã, phường để xây dựng phát triển lâu dài, ổn định các vùng chăn nuôi công nghiệp, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang chăn nuôi tập trung, song song với hỗ trợ xây dựng đường, công trình ngoài hàng rào đến khu chăn nuôi tập trung.