| Hotline: 0983.970.780

Không 'chùn chân' trước bệnh khảm lá sắn

Thứ Ba 30/07/2019 , 08:56 (GMT+7)

Dịch bệnh khảm lá sắn xuất hiện từ 2 năm qua với tỷ lệ nhiễm bệnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2019 cũng vậy...

Mô hình không hiệu quả

Hội nghị Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn (khoai mì) lần 3 vừa diễn ra ngày 30/7 tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh.

16-27-07_1
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra mô hình sản xuất thực nghiệm giống sắn sạch bệnh 160 ha ở huyện Tân Châu. Ảnh: Phú Lộc.

Đây là huyện cách đây 2 năm xuất hiện bệnh khảm lá sắn (KLS) đầu tiên ở Việt Nam, cũng là nơi đầu tiên xây dựng mô hình sản xuất thực nghiệm giống sắn sạch bệnh có đầu tư của nhà nước trên diện tích 160 ha (gồm 100 ha vùng lõi và 60 ha vành đai bảo vệ) bắt đầu triển khai từ cuối năm 2018.

Mô hình này trồng 100% giống sắn KM94 sạch bệnh và được cơ giới hóa từ khâu làm đất, tưới nước, chăm sóc, phun thuốc BVTV (trừ cỏ, bọ phấn). Tuy nhiên sau 25 ngày trồng thì bệnh KLS đã bắt đầu “mon men” xuất hiện, đến nay mới được 8 tháng mà tỉ lệ nhiễm bệnh tăng lên khá cao tới 55%, điều này dẫn tới quyết định của Sở NN- PTNT tỉnh là không sử dụng cây sắn trong mô hình làm giống nữa. Tức mô hình “tiêu tiền nhà nước” thực tế đã không hiệu quả.

Qua đó, ngành NN- PTNT Tây Ninh thừa nhận là không thể thực hiện tốt mô hình, dự án nhân giống sắn sạch bệnh ở vùng đã và đang có dịch áp lực bệnh cao như ở Tây Ninh.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), tính đến cuối tháng 7/2019, diện tích sắn nhiễm bệnh KLS trên cả nước là 32.000 ha (lấy số tròn), tăng gần 9.000 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó Tây Ninh chiếm hết 27.000 ha (chiếm 85% tổng diện tích sắn nhiễm bệnh cả nước). Tuy nhiên, điều đáng mừng là biểu hiện triệu chứng, mức độ hại của bệnh nhẹ hơn so với các năm.
 

Nông dân loay hoay

Ông Lê Văn Vẹn, xã Tân Đông, huyện Tân Châu cho hay qua nhiều vụ sắn, người trồng vẫn không thể biết chính xác nguyên nhân dịch bệnh KLS lây lan từ nguồn nào, bởi vì có những vùng đất mới chưa nhiễm mầm bệnh mà tỷ lệ cây sắn bị nhiễm bệnh vẫn cao.

“Hiện nay, giải pháp tốt nhất là trồng giống sắn kháng bệnh nhưng hàm lượng bột ít dẫn đến giá bán thấp. Trong khi việc sử dụng thuốc BVTV tốn rất nhiều tiền mà lại không hiệu quả trong phòng chống dịch”, ông Vẹn chia sẻ. 

16-27-07_2
Năm 2019 dịch bệnh KLS tăng gần 9.000 ha so cùng kỳ năm trước. Ảnh: Phú Lộc.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, huyện Tân Châu cho biết, dịch KLS xuất hiện đã 2 năm nay, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nhưng người nông dân vẫn chưa tìm ra cách phòng trừ hiệu quả. Ông mong các nhà khoa học, cơ quan chức năng sớm nghiên cứu ra giống sắn kháng bệnh, đặc biệt là đưa ra được các loại thuốc đặc trị bọ phấn trắng để nông dân không phải rơi vào cảnh đi tập huấn về rồi để đó vì không áp dụng được vào thực tế.

Ông Lê Quốc Cường, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, dịch bệnh KLS lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống, cây giống bị bệnh. Nguyên nhân chính khiến diện tích sắn nhiễm bệnh tăng nhanh tại nhiều tỉnh, TP là do nông dân sử dụng giống nhiễm bệnh và tái canh trên ruộng đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước.

“Điều đáng báo động là công tác chỉ đạo phòng chống bệnh tại một số nơi còn chưa hiệu quả, nhất là việc kiểm soát nguồn bệnh trên đồng ruộng và giống nhiễm bệnh lưu thông trên thị trường. Trong thời gian tới, nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh thì dịch này sẽ lây lan rộng ra khắp cả nước”, ông Cường nói

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiêm Trưởng BCĐ Phòng chống dịch bệnh KLS, căn cứ kết quả các mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh và tình hình bệnh KLS hiện tại ở Tây Ninh thì địa phương này không tiếp tục sản xuất giống sạch bệnh nữa mà chỉ hỗ trợ, vận động nông dân trong tỉnh mua giống sạch bệnh ở các tỉnh lân cận không bị bệnh hoặc nhiễm bệnh ít như Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang về làm giống.

Còn các tỉnh khác thì phát động phong trào chia sẻ giống sạch bệnh cho các hộ bị nhiễm bệnh để thực hiện tiêu hủy toàn bộ nguồn cây sắn nhiễm bệnh sắp thu hoạch và giúp cho các hộ này có nguồn giống sạch bệnh trồng trong vụ tới.

Nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh KLS, việc tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh nặng được cho là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, 1 ha bị tiêu hủy hiện được hỗ trợ chỉ có 2 triệu đồng, còn quá thấp so với lợi nhuận hàng chục triệu đồng/ha khi thu hoạch nên hầu hết nông dân không hưởng ứng.

  • Tags:
Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.