Hiện mới bước vào đầu vụ bệnh khảm lá đã lây lan, gây hại sắn ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa với diện tích 85ha trên giống HLS11, KM 419... Tại các vùng sắn đã nhiễm bệnh, nếu không có biện pháp phòng chống quyết liệt ngay đầu vụ khi bệnh mới xuất hiện thì nguy cơ lây lan rộng, không chỉ vụ này mà còn tiếp theo vụ sau.
Nhiều xã “dính” bệnh khảm lá
Thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Yên, hiện bệnh khảm lá virus gây hại sắn với diện tích 95ha, trong đó có 10ha sắn niên vụ 2018-2019 và 85ha sắn niên vụ 2019-2020 ở giai đoạn cây con. Các giống sắn ghi nhận bị nhiễm bệnh HLS11, KM 419...
Cán bộ ngành nông nghiệp kiểm tra tình hình sắn bị bệnh khảm lá |
Tại huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá gây hại 70ha, trong đó 10ha niên vụ 2018-2019, tập trung các các xã Ea Ly, Ea Lâm, Đức Bình Đông, Ea Bia, Ea Bá, Đức Bình Tây, Ea Trol, Sông Hinh; 60 ha niên vụ 2019-2020, gây hại các xã xã Ea Ly, Ea Lâm, Ea Bia, Ea Bá, Ea Trol, Ea Bar. Như vậy trên địa bàn huyện Sông Hinh bệnh khảm lá gây hại sắn ở 2 niên vụ không “chừa” xã nào.
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá vi rút gây hại hầu hết các xã, thị trấn trong huyện, trong đó, nhiều nhất là xã Ea Lâm với 18ha, xã Ea Bar 12ha. UBND huyện yêu cầu Phòng NN-PTNT phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền đến các cơ sở SX, nông dân, người mua bán giống sắn biết rõ tác hại của bệnh, có biện pháp phòng tránh. Đối với sắn bị bệnh khảm phải tiêu hủy để tránh lây lan.
Ông Bùi Văn Hậu, nông dân trồng sắn ở xã Ea Trol cho hay: Giá sắn tăng nên vùng này nông dân “bỏ” mía trồng sắn, có người cưa cả rẫy keo bán đi trồng sắn. Đầu vụ trồng không có hom giống nên nhiều người mua sắn going thương lái chở từ các tỉnh phía Nam về bán lại, khi sắn mọc lên bị khảm đọt quăn tít. Bệnh này “hết thuốc chữa” chờ mưa xuống, tôi cày phá bỏ trồng cây khác. Nhà tôi trồng 0,5ha sắn, khâu cày bừa, giống đầu tư gần 2 triệu đồng.
Còn tại huyện Tây Hòa, niên vụ sắn 2019-2020 bệnh khảm lá gây hại với diện tích 25ha, tỉ lệ bệnh 30-50% cây, tập trung tại xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Thịnh. Trong số diện tích sắn bị bệnh khảm lá nông dân tiêu hủy 6ha sắn non mới trồng. Theo Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, bệnh khảm lá virus gây hại sắn trên những diện tích nông dân sử dụng giống sắn từ các vùng trồng sắn đã bị bệnh.
Phòng chống quyết liệt ngay đầu
Với giá sắn tăng cao, trung bình mỗi héc ta sắn nông dân lãi 15-17 triệu đồng nên bà con ồ ạt trồng sắn, tuy nhiên nếu không kiểm soát nguồn bệnh khảm lá thì nguy cơ thiệt hại nặng về kinh tế. Nếu đầu tư trồng 1ha sắn đầu vụ với đất bằng thì chi phí gần 5 triệu đồng, còn đất rẫy (có độ dốc) hết 7 triệu đồng. Thế nhưng khi sắn bị bệnh tiêu hủy, nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, đó là chưa kể để đất hoang một thời gian. Để tránh sắn bị bệnh khảm lá, tuyệt đối không trồng các giống sắn bị nhiễm bệnh như HLS11, KM 419...
Nông dân xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) chăm sóc sắn non đầu vụ |
Tại huyện Đồng Xuân, niên vụ sắn 2019-2020, ngành chức năng chưa ghi nhận sắn bị bệnh khảm lá, thế nhưng thời gian tới nguy cơ nhiễm bệnh do lây lan là rất cao. Ông Phan Văn Tính, một người trồng sắn ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) giãi bày: Hiện nay nhà nào cũng trồng sắn nên giống rất khan hiếm. Đầu vụ tôi để giống nhưng trồng không đủ nên mới đây tôi lên xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) tìm chặt cây sắn giống về trồng.
Th.S Lê Nguyễn Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Yên cho biết, bệnh khảm lá do virus lan truyền qua hom giống và môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Hiện bệnh khảm lá sắn đang lây lan phát sinh, uy hiếp các vùng trồng sắn trong tỉnh. Do đó, nông dân cần chủ động phòng trừ bằng cách không mua giống từ các tỉnh có dịch bệnh khảm lá virus hại sắn, cũng như các giống không rõ nguồn gốc.
Mỗi khi mua giống, lấy giống phải kiểm tra nguồn gốc giống và người bán, không mua giống từ địa phương đang có bệnh khảm lá; yêu cầu người bán cam kết, bảo hành giống không nhiễm bệnh. Còn đối với giống tự để phải xác minh lại nguồn gốc, nếu lô giống thu hoạch trên ruộng không bị bệnh mới sử dụng trồng.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đưa ra khuyến cáo, sau khi trồng, giai đoạn hom nảy mầm, ra lá, nông dân thường xuyên kiểm tra ruộng sắn, nhổ tiêu hủy những hom sắn có biểu hiện bệnh khảm lá virus, đây là nguồn bệnh lây lan sang cây khác thông qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng không chỉ vụ SX mà khả năng “đeo bám” vụ tiếp theo.
Niên vụ sắn 2019-2020, nông dân Phú Yên trồng 23.000ha sắn, trước tình hình sắn bị bệnh khảm lá có nguy cơ lây lan, gây thiệt hại kinh tế người trồng sắn, UBND tỉnh Phú Yên có công văn đề nghị Sở NN-PTNT, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương điều tra phát hiện bệnh khảm lá virus hại sắn và bọ phấn trắng để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, có hiệu quả. Nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh, người nông dân nhập các giống sắn không rõ nguồn gốc; vận động các hộ nông dân không tiếp tục trồng ra ruộng và tiêu hủy các giống sắn đang tồn trữ. Ngành NN- PTNT xây dựng kế hoạch phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn. Theo đó, những nơi nào xảy ra bệnh thì áp dụng triệt để quy trình phòng trừ do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã ban hành. |