| Hotline: 0983.970.780

“Không chuyển đổi, thì đừng kêu hỗ trợ”

Thứ Ba 14/12/2010 , 09:33 (GMT+7)

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cảnh báo, địa phương nào không chủ động chuyển đổi, để mất mùa vì hạn sẽ khó kêu hỗ trợ.

Ông Nguyễn Trí Ngọc
Vừa qua, NNVN phản ánh tình trạng nhiều địa sẵn sàng chi kinh phí khổng lồ để chống hạn cho vụ ĐX 2010-2011. Xung quanh tình trạng này, ông Nguyễn Trí Ngọc – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cảnh báo, địa phương nào không chủ động chuyển đổi, để mất mùa vì hạn sẽ khó kêu hỗ trợ. 

Các địa phương chủ trương chống hạn quyết liệt bằng cách chi kinh phí rất lớn. Quan điểm của ông về việc này thế nào? 

Khách quan thì đứng về phía ngành trồng trọt, tất nhiên là chúng tôi muốn diện tích nào đã gieo trồng cũng phải được mùa. Nhưng tôi không ủng hộ chủ trương phải được mùa bằng mọi giá, mà phải căn cứ vào quy luật giá trị, tức là chi phí chống hạn trên đầu một diện tích lúa phải trong phạm vi chấp nhận được. Nếu xét thấy chi phí này quá lớn, thì không nên chấp nhận cấy lúa, mà nên chủ động chuyển đổi sang cây trồng cạn. Bởi cây trồng cạn chỉ chiếm khoảng 40% lượng nước so với lúa. Như vậy vừa tiết kiệm được nước, vừa có điều kiện tập trung nước cho các diện tích lúa còn lại. Không phải năm nay, mà chủ trương chuyển đổi Bộ NN-PTNT đã có từ nhiều năm rồi. 

Nhưng thực tế, tỉ lệ diện tích chuyển đổi trong tổng số diện tích lúa có nguy cơ bị hạn ở các tỉnh vẫn rất thấp?  

Cơ cấu cây trồng và diện tích chuyển đổi tới đâu là do Sở NN-PTNT các địa phương đặt kế hoạch, Bộ NN-PTNT, mà cụ thể là Cục Trồng trọt không thể làm thay các địa phương được. Thực tế tôi thừa nhận tốc độ chuyển đổi ở các địa phương là rất chậm và thụ động. Mặc dù được cảnh báo nguy cơ gặp hạn, nhưng hầu hết các tỉnh đều quá trông chờ vào việc xả nước của thủy điện mà không chủ động ra kế hoạch chuyển đổi sớm. 

Nhưng nhiều tỉnh nói vụ ĐX tới, phải đến lúc hết lịch cấy vào cuối tháng 2/2011, nếu diện tích nào không có nước để cấy được thì mới phải chuyển sang trồng cây khác? Như vậy có được không? 

“Việc chuyển đổi sang cây trồng cạn các địa phương cần phải chủ động có chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm... cho nông dân giống như nhiều tỉnh đã có chính sách cho cây vụ đông. Nếu tỉnh nào thiếu kinh phí hỗ trợ, chúng tôi sẽ đề xuất TƯ bổ sung kinh phí.

(Ông Nguyễn Trí Ngọc)

Như thế thì quá thụ động rồi! Chủ trương của Bộ NN-PTNT và Cục Trồng trọt không hướng dẫn như thế. Diện tích nào phải chuyển đổi, sang trồng cây gì, trồng giống nào... để thay cây lúa thì đến thời điểm này, đúng ra các tỉnh phải có kế hoạch rồi! Thời vụ gieo trồng các loại cây màu cạn thích hợp nhất của vụ ĐX 2010-2011 Cục Trồng trọt xác định là vào cuối tháng 1, đầu tháng 2/2011. Đương nhiên là khung thời vụ của cây màu trong vụ ĐX rất rộng, có thể trồng tới tháng 3/2011. Nhưng muốn diện tích chuyển đổi được mùa thì cũng phải gieo trồng gần trùng với lịch gieo cấy, chứ tới lúc hết lịch cấy, không có nước để cấy nữa mới chuyển sang trồng màu thì hỏng! 

Có ý kiến nói bây giờ có Quyết định 142 của Chính phủ về hỗ trợ mất mùa do thiên tai rồi, nên địa phương chẳng cần phải rốt ráo chuyển đổi làm gì. Bởi cứ cấy lúa đi, rồi hạn mà mất mùa thì đã có TƯ hỗ trợ? 

Tôi xin nói cho các địa phương có tư tưởng như vậy rõ, là theo Quyết định 142, một hecta lúa mất mùa 70% trở lên do hạn thì chỉ được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng mà thôi. Mức hỗ trợ đó chẳng nhằm nhò gì. Thứ hai, Cục Trồng trọt là cơ quan kiểm định mức độ mất mùa để đề xuất kinh phí TƯ hỗ trợ cho các địa phương. Nếu địa phương nào không chỉ đạo, hướng dẫn cho dân chủ động chuyển đổi các diện tích khó khăn về nước sang cây trồng cạn, mà để hạn làm mất mùa thì Cục sẽ không đề xuất hỗ trợ cho địa phương đó. Vì thế đừng trông chờ ỷ lại vào TƯ. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.