Ngày 19/5 UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là UBND huyện Chư Sê thuê đơn vị tư vấn độc lập kiểm định chất lượng, thí nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu hạng mục cụm đầu mối thủy lợi Plei Keo.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng giao Sở NN-PTNT theo dõi, đôn đốc UBND huyện Chư Sê triển khai thực hiện và căn cứ báo cáo kết quả kiểm định cùng các hồ sơ khác có liên quan để kiểm tra, đánh giá và khẳng định việc đảm bảo an toàn, chất lượng công trình gồm đập đầu mối và kênh dẫn; tổng hợp báo cáo, đề xuất gửi về UBND tỉnh trước ngày 3/6.
Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai đã đánh giá và cho rằng, kết quả kiểm tra xác định đảm bảo an toàn, chất lượng công trình thủy lợi Plei Keo không đạt yêu cầu. Trong đó, Sở NN-PTNT chưa nêu rõ các khuyết điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc không đảm bảo chất lượng kết quả kiểm tra, báo cáo; chậm trễ xử lý dứt điểm, hoàn thành các nhiệm vụ UBND tỉnh giao.
Do đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT chỉ đạo làm rõ các nội dung công việc đã thực hiện cũng như cơ sở đánh giá để xác định việc đảm bảo an toàn, chất lượng công trình, nhất là đập đầu mối; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan.
Trước yêu cầu của UBND tỉnh Gia Lai, Sở NN-PTNT đã báo cáo về nội dung làm rõ cơ sở đánh giá để xác định việc đảm bảo an toàn, nhất là đập đầu mối.
Theo đó, căn cứ kết quả kiểm tra trực quan tại hiện trường, ty van đóng mở cống lấy nước cụm đầu mối đã được chủ đầu tư khắc phục, đảm bảo hoạt động điều tiết nước. Các kết cấu bê tông thân tràn, tiêu năng, tường bên, cống lấy nước bình thường, không có hiện tượng nứt, lún. Cụm công trình đầu mối thuộc Dự án thủy lợi Plei Keo chưa có hư hỏng và chưa có dấu hiệu bất thường gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn công trình.
Đối với hệ thống kênh dẫn nước phục vụ sản xuất không phát hiện nứt, lún; Không xảy ra hiện tượng rò rỉ nước trên tuyến kênh và cửa vào, cửa ra các kênh ống thép.
Cũng theo Sở NN-PTNT, việc khẳng định chất lượng công trình là trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu tham gia xây dựng, Sở chỉ đánh giá dựa trên kết quả kiểm tra trực quan tại hiện trường công trình. Còn các kết quả khác như kiểm tra hồ sơ chất lượng công trình do chủ đầu tư cung cấp; kết quả kiểm tra, kết luận của Kiểm toán nhà nước khu vực VII; kết quả kiểm định chất lượng của đơn vị tư vấn kiểm định và báo cáo khẳng định chất lượng công trình của chủ đầu tư.
Về nội dung làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, Sở NN-PTNT đã chủ trì cuộc họp phân tích, đánh giá làm rõ khuyết điểm của từng đơn vị.
Sau khi họp, Sở NN-PTNT đã tổ chức kiểm điểm nhiều tập thể, cá nhân liên quan. Cụ thể, UBND huyện Chư Sê với vai trò là chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Gia Lai đã nhận hình thức kiểm điểm phê bình rút kinh nghiệm. Trong khi đó, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Chư Sê với vai trò là đại diện chủ đầu tư nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Riêng cá nhân ông Trần Minh Triều, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê để xảy ra nhiều thiếu sót cũng đã nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Các đơn vị còn lại nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm gồm: Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thuỷ lợi (đơn vị tư vấn thiết kế); Công ty Tư vấn ĐT&XD Tân Việt và Công ty TNHH Anh Quân (liên danh đơn vị tư vấn giám sát); Chi cục Thuỷ lợi (Sở NN-PTNT Gia Lai).
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, hệ thống kênh dẫn của Dự án thủy lợi Plei Keo có tổng mức đầu tư hơn 77 tỷ chưa được nghiệm thu nhưng đã hư hỏng nghiêm trọng.
Công trình được thi công theo kiểu tạm bợ, nhiều điểm nối giữa ống thép với máng bê tông cũng đã bị nứt toác, sạt lở nghiêm trọng. Nhiều nơi máng bê tông không có nắp đậy, đá và vật liệu xây dựng đổ bừa bãi xung quanh đất sản xuất của người dân…
Toàn bộ Dự án thuỷ lợi Plei Keo có tổng vốn đầu tư xây dựng 119 tỷ đồng với công suất tưới 500 ha đất nông nghiệp, trong đó đa phần lúa nước. Riêng hệ thống kênh dẫn của Dự án thủy lợi Plei Keo có tổng mức đầu tư hơn 77 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương là 70 tỷ đồng, ngân sách huyện Chư Sê hơn 7,7 tỷ đồng) được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2018 và giao cho UBND huyện Chư Sê làm chủ đầu tư. Theo đó, UBND huyện Chư Sê chịu trách nhiệm về nội dung dự án, các giải pháp kỹ thuật, hồ sơ thiết kế…