| Hotline: 0983.970.780

Không để dịch tả lợn Châu Phi ảnh hưởng thị trường tết

Chủ Nhật 17/12/2023 , 08:03 (GMT+7)

Tỉnh Thái Nguyên tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào thời điểm các hộ chăn nuôi tăng đàn để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024.

Cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại phường Lương Sơn, TP. Sông Công. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại phường Lương Sơn, TP. Sông Công. Ảnh: Phạm Hiếu.

Xử lý kịp thời khi phát hiện ra dịch bệnh

Sau một thời gian tạm lắng, vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn phường Lương Sơn, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, đã 46 con lợn mắc bệnh, trong đó có 2 con lợn nái, 31 con lợn thịt và 13 lợn con, với tổng trọng lượng gần 3 tấn.

Tháng 11/2023, một số con lợn của gia đình ông Lê Văn Hành (phường Lương Sơn, TP. Sông Công) bị ốm, chết. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân lợn ốm, chết là do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, 3 hộ khác tiếp tục có lợn bị chết. Theo thống kê, trên địa bàn phường Lương Sơn đã có 48 con lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi, với tổng trọng lượng 3,1 tấn.

Theo bà Dương Thị Lưu, Chủ tịch UBND phường Lương Sơn, chính quyền địa phương đã liên tục thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của phường và các tổ dân phố về tình hình dịch bệnh để người dân biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

“Phường cũng đã cấp 200 lít hóa chất cho các tổ dân phố, hộ chăn nuôi để thực hiện phun tiêu độc, khử trùng”, bà Lưu thông tin.

Xử lý hố chôn để tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tại phường Lương Sơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Xử lý hố chôn để tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tại phường Lương Sơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết, sau khi xác định dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn, UBND Thành phố đã ban hành văn bản, yêu cầu chính quyền các xã, phường và phòng chức năng tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách để dập dịch. Đồng thời, triển khai giải pháp phòng, chống dịch ở các địa bàn chưa xảy ra dịch bệnh.

“Đặc biệt là chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, ký cam kết thực hiện ‘5 không’ đối với các hộ, cơ sở chăn nuôi: Không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bị bệnh, lợn chết, không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, chết, không vứt xác lợn ra ngoài môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý chế biến làm thức ăn cho lợn”, ông Ngô Quảng Bá cho hay.

Ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra, làm việc với các phòng chức năng của phường Lương Sơn và TP. Sông Công để thực hiện các biện pháp xử lý. Cụ thể, lực lượng chức năng đã tiêu hủy số lợn ốm, chết, hướng dẫn các hộ tiêu độc, khử trùng chuồng trại và cách ly số lợn còn khỏe mạnh, chưa có biểu hiện mắc bệnh.

Đồng thời đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đàn lợn trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh và xử lý kịp thời lợn mắc dịch bệnh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi về biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác...

Cảnh giác với các ổ dịch tả lợn Châu Phi

Theo thống kê, hiện nay, tổng đàn lợn tính chung trong toàn tỉnh Thái Nguyên là trên 600.000 con. Thời gian này cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi tăng đàn để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024.

Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, đơn vị đang phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện kịp thời các ổ dịch tả lợn Châu Phi.

Từ đó ngay lập tức tiến hành bao vây, khống chế, dập tắt các ổ dịch xảy ra trên địa bàn, hạn chế lây lan dịch giữa các địa phương.

Người dân rắc vôi bột khử trùng chuồng trại có lợn vừa bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người dân rắc vôi bột khử trùng chuồng trại có lợn vừa bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho rằng, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh tái phát và bùng phát trên diện rộng là rất cao. Nguyên nhân do yếu tố bất lợi về thời tiết như mưa, nóng vào ban ngày, lạnh về đêm làm giảm sức đề kháng của đàn lợn và thuận lợi cho mầm bệnh phát tán, lây lan. Thêm nữa, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn...

“Do vậy, để ngăn chặn dịch tái phát, hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi, người dân cần thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi bằng vôi bột, hoá chất; hạn chế người ngoài vào gần khu vực chăn nuôi; cẩn trọng khi tái đàn, tăng đàn nhằm tránh thiệt hại về kinh tế...

Đối với những hộ nuôi mới, cần đăng ký kê khai với chính quyền cơ sở để được kiểm tra, hướng dẫn biện pháp phòng dịch, kiểm soát nguồn dịch vào địa phương…”, ông Lê Đắc Vinh khuyến cáo.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo các địa phương, người chăn nuôi, hộ kinh doanh cần siết chặt biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, không giấu dịch. Nếu thấy lợn có triệu chứng bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.

Xem thêm
Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.