| Hotline: 0983.970.780

Không để rủi ro thiên tai đầu vụ đông xuân 2021 - 2022

Thứ Ba 09/11/2021 , 01:22 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Vụ đông xuân 2021 - 2022, Bình Định lên kịch bản nhằm né rủi ro thiệt hại đầu vụ, phải gieo lại do mưa lớn. Đồng thời, khuyến cáo hạn chế trồng ớt, dưa hấu.

Hạn chế rủi ro, tốn chi phí do phải gieo sạ lại

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong vụ đông xuân (ĐX) 2021 - 2022, Bình Định dự kiến gieo trồng 64.573 ha cây trồng, trong đó, có 47.735 ha lúa, 2.410 ha bắp (ngô)... Trong 47.735 ha lúa, có 7.113 ha sản xuất 3 vụ/năm, 39.135 ha sản xuất 2 vụ/năm và 1.481,5 ha ruộng chân cao sạ cưỡng sản xuất 1 vụ/năm.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, vụ ĐX 2021-2022 sẽ gặp không ít khó khăn do vật tư đầu vào tăng rất cao, đặc biệt là giá phân bón. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp Bình Định, hiện giá phân bón trên địa bàn tỉnh này tăng đến 30 - 40%. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư sản xuất của nông dân.

Nếu phải gieo sạ lại, nông dân sẽ tổn thất lớn bởi phải tốn thêm một lần chi phí đầu tư, trong khi giá vật tư nông nghiệp đang rất cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nếu phải gieo sạ lại, nông dân sẽ tổn thất lớn bởi phải tốn thêm một lần chi phí đầu tư, trong khi giá vật tư nông nghiệp đang rất cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Về thời tiết, trong vụ ĐX 2021 - 2022 cũng dự báo sẽ có nhiều bất lợi. Theo dự báo, trong tháng 12/2021, trên địa bàn Bình Định sẽ còn xảy ra nhiều đợt mưa. Khả năng trong thời điểm nông dân gieo sạ sẽ gặp mưa gây mất giống là rất cao nếu các địa phương không linh động điều chỉnh khung thời gian gieo sạ giống phù hợp. Thêm vào đó, nếu dịch Covid-19 còn ảnh hưởng, sẽ gây khó cho nông dân trong thời điểm ra đồng sản xuất...

Trước thực tế trên, ngành nông nghiệp Bình Định yêu cầu các địa phương có phương án triển khai sản xuất thích ứng với tình hình thời tiết, trữ lượng nguồn nước tưới và diễn biến của dịch Covid-19 theo hướng linh hoạt. Đặc biệt phải tập trung đầy đủ nguồn lực về vật tư nông nghiệp, nhất là về giống cây trồng. Các địa phương phải chuẩn bị các loại giống cây trồng dự phòng đề phòng mưa lũ gây mất giống.

“Trước tình hình giá các loại vật tư nông nghiệp đang tăng cao, nhất là phân bón, chúng tôi khuyến cáo các địa phương tùy điều kiện thời tiết cụ thể để dịch chuyển thời điểm gieo sạ để tránh mưa lũ gây mất giống.

Nếu phải gieo sạ lại, nông dân sẽ tổn thất lớn bởi phải tốn thêm một lần chi phí đầu tư, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay”, bà Nguyễn Thị Tố Trân khuyến cáo.

Giảm trồng dưa hấu và ớt

Khung lịch thời vụ của vụ ĐX 2021-2022 năm nay, ngành nông nghiệp Bình Định ấn định thời điểm gieo sạ sẽ được bắt đầu từ sau ngày 23/10 để tránh mưa lũ gây mất giống. Đối với những diện tích ruộng chân cao sạ cưỡng, sẽ được xuống giống ngay trong tháng 11/2021, chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm gieo sạ từ ngày 1 - 10/12/2021, chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm gieo sạ từ ngày 10 - 25/12/2021.

Bình Định khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng ớt do rủi ro thị trường rất lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng ớt do rủi ro thị trường rất lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Đối với chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm, chúng tôi đang lo bởi đại tiết sẽ rơi vào ngày 7/12. Theo quy luật, hôm ấy sẽ có mưa lớn. Do đó, chúng tôi lưu ý các địa phương bố trí thời điểm gieo sạ trước hoặc sau ngày 7/12 để tránh tình trạng mưa lũ gây mất giống”, bà Trân cho hay.

Một mối lo khác của ngành nông nghiệp Bình Định trong vụ ĐX 2021 - 2022 là trong vụ này, nông dân trồng rất nhiều ớt và dưa hấu, những loại cây trồng mà sản phẩm phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu không chính ngạch.

Ví như cây ớt, trong vụ ĐX 2021 - 2022, các địa phương trên địa bàn Bình Định đã đăng ký trồng đến 1.489 ha, trong đó huyện Phù Mỹ nhiều nhất với 800 ha, tiếp đến là huyện Phù Cát 449 ha, huyện Vĩnh Thạnh 41 ha, thị xã An Nhơn 40 ha, thị xã Hoài Nhơn 9 ha. Còn diện tích trồng dưa hấu trong vụ ĐX ngành nông nghiệp Bình Định không thể thống kê, bởi đây là loại cây trồng không đưa vào kế hoạch sản xuất, chủ yếu nông dân trồng tự phát.

“Hiện nay, theo quy định mới thì sản phẩm ớt và dưa hấu của Bình Định không xuất khẩu theo đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc được, bởi không đáp ứng được những quy định của Hải quan Trung Quốc, mà chỉ có thể xuất qua đường tiểu ngạch.

Cùng với ớt, dưa hấu cũng là cây trồng rất thất thường về giá và thị trường tiêu thụ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cùng với ớt, dưa hấu cũng là cây trồng rất thất thường về giá và thị trường tiêu thụ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Xuất khẩu qua đường tiểu ngạch thì rất bấp bênh, nếu nông dân trồng nhiều quá sẽ có nguy cơ ứ đọng sản phẩm. Do đó, trong vụ ĐX 2021 - 2022, chúng tôi khuyến cáo các địa phương điều chỉnh tăng diện tích cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định như lúa, ngô, lạc, vừng, rau các loại, đồng thời giảm diện tích những loại cây trồng có đầu ra bấp bênh như dưa hấu và ớt”, bà Nguyễn Thị Tố Trân khuyến cáo.

“Dự báo, mùa mưa năm nay sẽ đến muộn, trong tháng 12 sẽ còn nhiều đợt mưa lớn. Do đó, chúng tôi đề nghị Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ ĐX 2021 - 2022 thật chặt chẽ, để trước mắt tránh được tổn thất do mưa lũ gây mất giống trong đầu vụ, đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phối hợp triển khai thật hiệu quả chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong vụ ĐX 2021 - 2022 và cả năm 2022. Đặc biệt, trước khi bước vào sản xuất, ngành nông nghiệp tổ chức kiểm tra, rà soát khả năng cung ứng vật tư nông nghiệp của các doanh nghiệp, đại lý trên địa bàn. Nhất là về lúa giống, phải chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo chất lượng, theo đúng cơ cấu, kể cả phương án dự phòng trong trường hợp bị thiệt hại do mưa lũ”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.