| Hotline: 0983.970.780

Không để ruộng thiếu nước

Thứ Hai 19/01/2015 , 07:45 (GMT+7)

Ngày 19/1, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và huyện Gia Lâm (Hà Nội) bắt đầu lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2014 - 2015./ Tranh thủ lấy nước đổ ải gieo cấy lúa xuân

Trước đó, để chủ động về nguồn nước, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã tập trung trữ nước từ 19h ngày 3/1/2015 thông qua việc mở cống Cầu Xe, An Thổ, Cầu Cất để lấy nước ngược tưới cho vùng Nam hệ thống.

Sau khi hoàn thành việc nạo vét kênh ngoài, ngày 7/1, cống Xuân Quan cũng đã được mở. Các địa phương trữ nước vào các ao, hồ kênh dẫn và tranh thủ bơm rải đổ ải sớm. Hải Dương bơm từ ngày 9/1; Hưng Yên 10/1; Bắc Ninh 15/1.

Theo kế hoạch, từ nay đến 7h ngày 1/2 (bao gồm đợt xả thứ nhất và 3 ngày đầu đợt xả thứ hai), tiếp tục trữ nước và lấy nước diện rộng cho toàn hệ thống. Cụ thể, mở thông cống Xuân Quan, Báo Đáp, Kênh Cầu, Lực Điền; Cống Tranh đóng dòng chảy xuôi, mở dòng chảy ngược; cống Neo, Bá Thủy trữ nước ở thượng lưu, còn cống Cầu Xe, An Thổ, âu Cầu Cất sẽ lấy nước ngược.

Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải theo dõi chặt chẽ nguồn nước, tình hình đưa nước trong hệ thống, tăng cường kiểm tra độ mặn; tận dụng tối đa nguồn nước lấy vào hệ thống và vận hành công trình phân vùng luân phiên đúng kế hoạch.

Cung cấp thông tin điều hành hệ thống bằng văn bản cho các địa phương vào thứ 6 hàng tuần và thông tin hằng ngày trên website của hệ thống.

Ông Đặng Duy Hiển, GĐ Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đề nghị Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Điện lực VN duy trì mực nước ổn định tại Hà Nội trong các giai đoạn xả đúng như thông báo.

Hiện nguồn nước thải trong hệ thống Bắc Hưng Hải đang ô nhiễm. Đặc biệt vụ xuân thiếu nước tưới, hệ thống luôn phải trữ nước và không có nguồn hòa tan pha loãng, nước thải từ kênh cấp 2 ra kênh trục, dẫn đến ô nhiễm nước trong kênh trục tăng rất nhanh. Đề nghị các địa phương quan tâm tuyên truyền, có giải pháp trước mắt và lâu dài bảo vệ nguồn nước tưới cho hệ thống.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, PGĐ Cty Khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên cho hay, năm 2014 tỉnh tập trung dồn điền đổi thửa và khơi thông, nạo vét kênh mương... giải quyết bài toán khó trong lấy nước cho các vùng có chân đất cao ở các huyện Văn Giang, Văn Lâm…

"Sau khi có thông báo của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tập trung bơm sớm, tranh thủ nguồn nước sông. Tuy nhiên, năm nay có một cản trở là mực nước ở cống Xuân Quan vào tương đối thấp, bình quân chỉ đạt mức 1,19 m, do đó chúng tôi phải tranh thủ nguồn nước ngược là chính.

Sau khi bắt đầu tập trung bơm vào ngày 10/1, chúng tôi điều động 50% số máy bơm ở những vùng khó khăn và có nguồn nước. Khi bơm được 2 ngày, nguồn nước trên sông trục đã hết, cơ bản hiện nay mực nước ở mức dưới 1 m", ông Hạnh nói.

Đối với Hưng Yên thì đợt lấy nước này thuận lợi hơn năm ngoái, tính bình quân lượng mưa trong 2 ngày đạt từ 30 - 35 mm cơ bản đáp ứng được việc làm ải. Khu vực nào đổ ải khó khăn nếu có nguồn sẽ được huy động máy bơm bơm trước.

Khi nguồn nước về, Cty Bắc Hưng Hải sẽ tổ chức vận hành tối đa công suất các trạm bơm để lấy nước đổ ải đạt khoảng 50% diện tích có nước và hết đợt 2 cơ bản đạt 38.300 ha (gần đạt 100% diện tích gieo cấy). Đợt lấy nước thứ 3 chỉ tập trung đưa nước vào các vùng khó, cao cục bộ và trữ nước phục vụ tưới dưỡng trong tháng 3, 4.

Đại diện Cty Khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống cho biết: "Bắc Ninh tập trung gieo cấy từ 20/1 - 25/2 nhưng chúng tôi đã bắt đầu bơm nước đổ ải từ hôm 15/1. Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo để điều hành, đảm bảo thông tin, báo cáo, phối hợp kịp thời giữa các đơn vị thành viên".

Theo ông Phạm Ngọc Hân, PGĐ Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm (Hà Nội), diện tích đổ ải chỉ khoảng 100 ha. Đến thời điểm này, xí nghiệp đã vận hành trạm bơm Báo Đáp để cấp nước cho 85 ha. Tuy nhiên vấn đề ô nhiễm vẫn rất nan giải.
Còn ông Trương Mạnh Tiến, PGĐ Cty Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương cho hay, nguồn nước một phần Cty lấy qua cống Xuân Quan, còn lại là lấy ở những nguồn khác. Đến giờ, công tác chuẩn bị về thiết bị, máy móc, con người đã sẵn sàng.
Hải Dương có những nơi ngày 9/1 đã phải bơm để giải quyết chống hạn cho những vùng khó khăn như Cẩm Giàng, Thanh Miện, Bình Giang.

 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.