Mía vàng là loại cây đặc sản chỉ trồng được dọc bờ sông, thung lũng của nhiều xóm thuộc xã Thể Dục và Thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình. Nhờ phù sa bồi đắp của dòng sông cộng với khí hậu phù hợp nên mía vàng Nguyên Bình có chất lượng đặc trưng như: Vỏ màu vàng, mềm, dễ bóc, gióng mía dài, ruột vàng mềm, nhiều nước, vị ngọt đậm đà, thơm mát... nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Mía vàng có nhiều đặc trưng nổi bật, có lợi thế để phát triển nên những năm gần đây, các hộ dân đã mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, do người dân không tính đến khâu tổ chức tiêu thụ nên khi diện tích, sản lượng tăng cao đã khiếnnhiều năm giá mía bấp bênh. Người dân thường phải bán theo bó hoặc theo xe với giá rẻ, giá trị kinh tế không cao.
Bà Lương Thị Lãng ở xóm Bản Nùng, xã Thể Dục chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ trồng ngô, lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ. Thấy nhiều người dân trồng mía có thu nhập cao nên bà trồng thử vài trăm hốc mía. Thấy bán mía giá cao gấp 5 - 7 lần trồng ngô, lúa nên mấy năm qua, gia đình bà đều mở rộng diện tích.
Năm nay, gia đình bà Lãng trồng khoảng 3.000 hốc mía. Với giá bán lẻ 7 - 10.000 đồng/cây, bán buôn 3.000 - 5.000 đồng/cây, mỗi năm thu nhập trung bình 40 - 50 triệu đồng. Năm nào giá mía cao, bán lẻ được nhiều có thể thu nhập gần 100 triệu đồng.
Còn bà Lãnh Thị Thuyên ở xóm Bản Nùng, xã Thể Dục tâm sự: Mặc dù đã được địa phương cảnh báo về vấn đề tiêu thụ cho cây mía vàng, song do lợi nhuận từ trồng mía cao gấp 5 - 7 lần so với các cây trồng khác nên trong mấy năm gần đây, gia đình bà vẫn trồng trung bình 3.000 - 5.000 hom mía (tương đương 12.000 - 25.000 cây mía thành phẩm). Nếu giá bán ổn định, mỗi năm gia đình thu về hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, có năm giá mía xuống rất thấp, chủ yếu phải bán buôn tại vườn theo xe nên thu nhập giảm một nửa.
Ông Lãnh Đức Khôi, Chủ tịch UBND xã Thể Dục thông tin: Thấy trồng mía vàng đem lại thu nhập cao so với các cây trồng truyền thống, nhiều năm nay diện tích trồng mía ở các xóm tăng dần. Có năm, cả xã trồng hơn 20 ha mía. Năm nay, xã trồng hơn 18 ha mía vàng.
Tuy nhiên, diện tích mía tăng kéo theo đầu ra khó khăn, giá bán giảm nên vài năm nay, xã tuyên truyền người dân duy trì, giảm bớt diện tích để tránh trường hợp có năm phải mang mía đi làm thức ăn cho gia súc rất lãng phí công sức chăm bón của người dân.
Đi dọc khu vực chợ Thị trấn Nguyên Bình theo hướng đi huyện Bảo Lạc, hai bên đường bán đầy mía vàng. Khách hàng có thể vào mua theo bó đã được chặt thành từng khúc hoặc chọn theo cây rồi mới chặt ngắn rồi bó lại gọn gàng. Mía vàng Nguyên Bình có hương vị đặc trưng khác biệt so với ở các địa phương khác nên khách hàng trong và ngoài tỉnh đi du lịch ở huyện Nguyên Bình đều mua vài bó về làm quà.
Bà Hoàng Thị Hòa, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nguyên Bình cho biết: Thấy người dân mấy năm qua liên tục mở rộng diện tích, Phòng đã phối hợp các cấp chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích mía. Đồng thời khuyến khích người dân nên luân canh các loại cây trồng khác, cải tạo đất và tập trung chăm sóc tốt diện tích mía đã trồng để đảm bảo chất dinh dưỡng, hạn chế sâu bệnh.
Cũng theo bà Hòa, mía vàng là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng ngô, lúa. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của một số địa phương của huyện. Tuy nhiên, cây mía vẫn để ăn tươi, chưa có giải pháp chế biến thành các sản phẩm đóng gói để hạn sử dụng được lâu dài nên vấn đề cần quan tâm hiện nay là làm thế nào để tìm được đầu ra ổn định, tìm được chỗ đứng cho cây mía vàng Nguyên Bình trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2021, diện tích mía vàng của huyện Nguyên Bình hơn 25 ha. Trong đó, xã Thể Dục 18 ha, Thị trấn Nguyên Bình 6 ha, xã Tam Kim hơn 2 ha. Mía vàng mỗi ha cho năng suất hơn 30 tấn (khoảng 25.000 - 30.000 cây). Nếu giá bán trung bình mỗi cây khoảng 5.000 đồng, mỗi ha mía vàng cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng, cao gấp 3 - 5 lần trồng ngô, lúa.