Thu nhập cao gấp nhiều lần trồng ngô, lúa
Xã Trọng Con, huyện Thạch An là một trong những địa phương được coi là “thủ phủ” của cây thạch đen nhiều năm qua. Năm 2021, diện tích gieo trồng toàn xã hơn 83 ha, bằng gần 25% tổng diện tích cây thạch đen toàn huyện.
Ông Nông Văn Kim, xóm Vĩnh Quang, xã Trọng Con, một trong những hộ trồng thạch đen điển hình của xã chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi quanh năm chỉ trồng ngô, lúa nên chỉ đủ ăn, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Từ hơn 10 năm trở lại đây, gia đình tôi chuyển dần diện tích trồng ngô, tận dụng thêm diện tích đất đồi để trồng thạch đen.
Từ vài nghìn m2 ban đầu, hiện nay gia đình ông Kim mỗi năm trồng hơn 1 ha thạch đen ở ruộng và trên rẫy, mỗi năm thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng. Nhờ trồng thạch đen, kinh tế gia đình ông đã có bước phát triển rõ rệt, có tiền mua sắm thiết bị tiện nghi trong sinh hoạt.
Ông Nông Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Trọng Con thông tin: 2 năm nay, do đầu ra mở rộng, giá cây thạch đen luôn ở mức cao, dao động từ 40 - 45 nghìn đồng/kg. Sản phẩm được giá, người dân tích cực trồng, chăm bón, nâng cao chất lượng, năng suất. Mỗi năm, cây thạch đen mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng cho nông dân trong xã.
Xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân, đặc biệt là hộ nghèo phát triển trồng cây thạch đen nâng cao thu nhập. Qua đó, tạo động lực cho công tác giảm nghèo nhanh, bền vững trong xã. Mỗi năm, xã giảm khoảng 5% hộ nghèo, hiện còn hơn 150 hộ nghèo, bằng 32% số hộ toàn xã.
Cùng với Trọng Con, xã Đức Thông cũng là một trong những địa phương đang phát huy tốt thế mạnh trồng cây thạch đen, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương nhiều năm gần đây.
Ông Nông Nguyễn Biền, Bí thư Đảng ủy xã Đức Thông chia sẻ: Trước đây, cây thạch đen chỉ mọc dại, hoặc được người dân trồng để ăn và không có người thu mua. Nhưng khoảng 5 năm gần đây, diện tích cây thạch đen ở xã ngày càng được trồng nhiều hơn, thương lái thu mua tận nơi. Năm 2021, toàn xã trồng hơn 90 ha thạch đen. Nhờ thu nhập từ trồng thạch đen, nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá.
Trồng thạch đen không quá khó, chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật, chịu khó chăm bón là cây sẽ phát triển tốt. So với trồng ngô, lúa truyền thống thì cây thạch đen đem lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần.
Quy hoạch vùng trồng gắn với đầu ra tiêu thụ
Cây thạch đen (còn được gọi là cây Tiên Thảo hay Sương Sáo) - một loại cây thân cỏ cao chưa tới 1m. Đây là giống cây trồng ngắn ngày, chỉ 4 tháng là có thể thu hoạch. Cây thạch đen có vị ngọt, tính mát, theo Đông y thì lá cây này có tác dụng giải nhiệt, giúp giảm huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp, tiểu đường...
Cây thạch đen được trồng chủ yếu ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển của cây thạch đen. Chính vì vậy, thạch đen đang được coi là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương, giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định hơn, vươn lên thoát nghèo.
Theo số liệu của Phòng NN-PTNT huyện Thạch An, năm 2021, tổng diện tích cây thạch đen khoảng 428 ha, tập trung nhiều ở các xã Đức Thông, Trọng Con, Quang Trọng, Canh Tân, Minh Khai, Kim Đồng, Thái Cường, Thụy Hùng.
Nếu trồng, chăm sóc tốt, mỗi ha thạch đen thu được khoảng 5,5 - 6 tấn, với giá bán từ 20 - 30 nghìn đồng/kg thì 1 ha thu về trên 100 triệu đồng. Chính vì thế, giá trị kinh tế từ cây thạch đen cao hơn rất nhiều so với những cây trồng truyền thống như lúa, ngô. Với tổng sản lượng hơn 2.000 tấn, năm 2021, cây thạch đen đem lại cho người dân huyện vùng cao Thạch An khoảng 60 - 70 tỷ đồng.
Ông Vũ Đức Thiện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạch An cho biết: Nhiều năm qua, cùng với cây hồi, huyện xác định thạch đen là cây trồng mũi nhọn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm rất tốt. Nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/năm từ trồng, sản xuất các sản phẩm từ thạch đen.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ cây thạch đen chủ yếu do tư thương thu mua, sơ chế, rồi xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm, đơn vị phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn quy trình sản xuất, sơ chế cây thạch đen an toàn cho nông dân và cơ sở thu mua. Phòng NN-PTNT phối hợp, lập hồ sơ, cấp 95 mã vùng trồng cây thạch đen, đáp ứng yêu cầu mã vùng khi xuất khẩu sản phẩm.
Tại thị trường trong nước, một số công ty, cá nhân mua cây thạch đen về chế biến thành thạch đen thành phẩm, bán rộng rãi trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Nếu như trước đây, thạch đen được bày bán tại các chợ trong tỉnh Cao Bằng theo hình thức tự phát, đựng trong những chiếc chậu lớn và cắt ra bán theo nhu cầu của người mua thì sản phẩm thạch đen tại các cơ sở sản xuất hiện nay được đóng hộp một cách chuyên nghiệp.
Theo đó, mỗi hộp có trọng lượng cụ thể với đầy đủ nhãn mác, giá bán trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/hộp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh cũng như các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều hộ sản xuất lớn mỗi ngày làm ra từ vài trăm đến hơn 1.000 hộp thạch đen.
Từ tháng 7/2019 - 7/2021, UBND huyện Thạch An phối hợp với Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái nguyên), Sở KH-CN Cao Bằng xây dựng Dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận thạch đen “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện. Qua khảo sát, huyện xây dựng hồ sơ đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân vùng trồng thạch.
Ngày 16/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Thạch đen - Thạch An” số 373302 cho UBND huyện Thạch An. Nhãn hiệu chứng nhận được công nhận và bảo hộ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến thạch đen trên địa bàn được sử dụng tem nhãn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, người tiêu dùng tin tưởng và yên tâm khi sử dụng sản phẩm thạch đen Thạch An.
Ông Nông Thế Phúc, Chủ tịch UBND huyện Thạch An khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021 - 2025 tiếp tục xác định cây thạch đen là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện Thạch An. Tuy nhiên, để phát triển và nâng cao giá trị sản xuất cho cây thạch đen, cần rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là khâu tìm đầu ra tiêu thụ ổn định cho sản phẩm trên thị trường.
Để có thị trường tiêu thụ ổn định, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây thạch đen, huyện mong muốn và kêu gọi nhà đầu tư, các doanh nghiệp hỗ trợ huyện quảng bá cây thạch đen, hỗ trợ sản xuất, chế biến sản phẩm thạch đen. Đặc biệt có thể xây dựng nhà máy chế biến sâu sản phẩm thạch đen trên địa bàn huyện.