| Hotline: 0983.970.780

Không sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi cá lóc

Thứ Hai 25/09/2023 , 14:05 (GMT+7)

Có diện tích nuôi cá lóc lớn nhất ĐBSCL, tỉnh Trà Vinh khuyến cáo người nuôi không sử dụng kháng sinh bị cấm để tạo ra sản phẩm thủy sản an toàn.

Mỗi ao nuôi với diện tích 1.000m2, người nuôi cá lóc phải tốn khoảng 40 triệu đồng cho việc mua thuốc xử lý bệnh trong mỗi vụ nuôi (2 vụ/năm). Ảnh: Hồ Thảo.

Mỗi ao nuôi với diện tích 1.000m2, người nuôi cá lóc phải tốn khoảng 40 triệu đồng cho việc mua thuốc xử lý bệnh trong mỗi vụ nuôi (2 vụ/năm). Ảnh: Hồ Thảo.

Phụ thuộc vào thuốc và biến động giá

Ông Nguyễn Văn Huyện, một nông dân kỳ cựu tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long cho hay, hiện giá thu mua cá lóc (cá quả) đang tăng mạnh, dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi có thể thu lợi nhuận lên đến gần 50 triệu đồng cho mỗi 1.000m2.

Cũng theo ông Huyện, việc nuôi cá lóc không hề đơn giản, bởi loài cá này thường mắc các bệnh như gan, thận mủ, phù đầu, đỏ đuôi và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Trung bình, mỗi ao nuôi cá lóc với diện tích 1.000m2 người nuôi phải tiêu tốn khoảng 40 triệu đồng cho việc mua thuốc xử lý bệnh trong mỗi vụ nuôi (2 vụ/năm).

"Khi cá bị mắc các bệnh nhẹ, chúng tôi thường sử dụng các loại thuốc rẻ. Nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, phải sử dụng kháng sinh. Nhiều người đã phải bán nhà, bán đất để trả tiền thuốc cho cá là chuyện thường", ông Huyện than thở.

Còn tại Trà Cú, huyện có diện tích nuôi cá lóc lớn nhất tỉnh Trà Vinh với khoảng 450ha, người nuôi đã chuyển từ mô hình thâm canh sang áp dụng hệ thống ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, nhằm giảm nguy cơ xuất hiện dịch bệnh và tối ưu hóa năng suất.

Như trường hợp của ông Thạch Sô Phol, ở xã Đại An, huyện Trà Cú nuôi cá lóc với mật độ thưa, khoảng 20.000 - 25.000 con/1.000m2 diện tích mặt nước. Với cách làm trên, ông đã hạn chế được việc ô nhiễm môi trường nước và tăng trọng lượng cho cá. Ông Phol chỉ nuôi 4 tháng mà cá lóc đã đạt trọng lượng từ 0,7 - 1kg/con, ít nhiễm các bệnh thường gặp.

Ông Sô Phol chia sẻ: Tuy giá cá lóc hiện đang ở mức cao, nhưng nguy cơ cung vượt cầu vẫn có thể xảy ra do người nuôi ồ ạt mở rộng diện tích khi cá tăng giá. Để đảm bảo thị trường bền vững, chính quyền địa phương cần xem xét việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện việc nuôi ở mật độ cao và người nuôi sử dụng thuốc kháng sinh quá mức sẽ khó đáp ứng tiêu chí về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như an toàn sinh học.

Do đó, ông Phol cũng mong muốn ngành nông nghiệp có giải pháp hạn chế tình trạng mở rộng diện tích ao nuôi mất kiểm soát cũng như sử dụng kháng sinh tràn lan như hiện nay.

Theo các chuyên gia, để ngành cá lóc phát triển bền vững, cần sắp xếp lại quy trình nuôi, đặc biệt là trong việc sử dụng kháng sinh cấm nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo các chuyên gia, để ngành cá lóc phát triển bền vững, cần sắp xếp lại quy trình nuôi, đặc biệt là trong việc sử dụng kháng sinh cấm nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Hồ Thảo.

Cần quy trình chuẩn an toàn sinh học với nuôi cá lóc

Thời gian qua, Sở NN-PTNT Trà Vinh đã tập trung vào việc khuyến cáo nông dân nuôi cá lóc theo phương pháp thả con giống luân canh, nuôi mật độ thưa để hạn chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Diệp Thành Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nuôi trồng Thủy Sản - Trường Đại học Trà Vinh, với mật độ nuôi của nông dận hiện nay (một ao có diện tích 1.000m2), người nuôi thu hoạch khoảng 300 tấn cá lóc thì cũng tương đương với việc xả thải trực tiếp vào ao nuôi khoảng 300 tấn chất thải, bao gồm cả thức ăn dư thừa và phân cá... Đây chính là nguyên nhân xuất hiện càng nhiều bệnh trên cá lóc, dẫn đến người nuôi cá buộc phải sử dụng thuốc kháng sinh để kiểm soát dịch bệnh.

Để nghề nuôi cá lóc bền vững, ngành nông nghiệp cần sắp xếp lại quy trình nuôi cá an toàn, đặc biệt phải kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh cấm gây hại cho môi trường, vật nuôi.

Hiện, Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, cải thiện môi trường nuôi cá lóc. Bao gồm xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường bằng các phương pháp sinh học. Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải từ quá trình nuôi để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng cũng được nhắc đến.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi Cục Trưởng, Chi cục Thủy Sản tỉnh Trà Vinh khuyến cáo: Hàng năm, người dân cần tuân thủ lịch mùa vụ thả nuôi và áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi do cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Người nuôi nên thả mật độ phù hợp, không sử dụng kháng sinh cấm trong quá trình nuôi, bố trí ao chứa nước thải cùng với ao chứa chất thải hữu cơ. Người nuôi cũng cần tuân thủ ác quy định xử lý nước thải để tạo ra sản phẩm cá lóc thương phẩm an toàn sinh học.

Trà Vinh có diện tích nuôi cá lóc (cá quả) lớn nhất ĐBSCL với khoảng 1.500 hộ nuôi trên tổng diện tích 450ha. Tính đến cuối năm 2022, Trà Vinh đã thu hoạch sản lượng cá lóc ước đạt gần 52.000 tấn.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.