Chọn những cây trồng “cầu vượt cung”
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khuyến nông nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, những năm qua, Khuyến nông Bình Định đã có nhiều đóng góp, trong đó dấu ấn sâu đậm nhất là những mô hình chuyển đổi đất trồng lúa, mía, mì (sắn) kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn phù hợp, mang lại hiệu quả cao.
“Để chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, mía, mì kém hiệu quả, chúng tôi chọn những cây trồng thay thế có sản phẩm “cầu vượt cung”. Hiệu quả rõ nhất trong những năm qua là cây đậu phộng (lạc) và mè (vừng). Đâ là những cây trồng cạn cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng trước đó. Những mô hình này nhanh chóng được nông dân nhân rộng mà không cần ngành chức năng thúc đẩy bởi hiệu quả mang lại quá rõ ràng”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, khẳng định.
Giai đoạn 2021 - 2023, Bình Định đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả cao, trong đó có mô hình thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi tại các địa phương, gồm huyện Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn, huyện Vĩnh Thạnh, thị xã An Nhơn, huyện An Lão, huyện Tây Sơn và huyện Phù Cát. Năng suất mè trong mô hình đạt 11,3 tạ/ha, lợi nhuận bình quân đạt hơn 21,6 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng/ha so với những cây trồng trước đây. Đặc biệt, mè là cây "chịu đời" trước điều kiện nắng hạn, phù hợp với chân đất thiếu nước tưới.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, từ trước đến nay, nông dân Bình Định ít quan tâm đến cây mè bởi họ nghĩ cây mè khó sản xuất. Thế nhưng thực tế cho thấy mè là cây trồng dễ tính, đặc biệt là chịu được hạn nên có thể trồng được trong vụ hè thu, vụ mùa thường thiếu nước tưới. Trên chân đất cao, sản xuất xong vụ đông xuân, sau khi thu hoạch đậu phộng nông dân tiếp tục trồng mè hè thu, vụ này thường thiếu nước tưới nhưng cây mè vẫn phát triển tốt do cây mè ít có nhu cầu nước tưới như nhiều loại cây trồng khác.
“Cây mè không chỉ dễ canh tác, giá cao mà tiêu thụ rất mạnh, có bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu. Vùng Thượng Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) xưa nay thường thiếu nước tưới trong vụ hè thu hiện nay đang phát triển mạnh cây mè”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho hay.
Điểm nhấn khác của mô hình khuyến nông Bình Định trong những năm qua là thâm canh cây đậu phộng gắn với liên kết chuỗi, có sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm được thực hiện tại các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát. Năng suất đậu phộng trong các mô hình đạt gần 38 tạ/ha, lợi nhuận bình quân đạt hơn 33 triệu đồng/ha. Ngoài ra, khi áp dụng tưới phun mưa nông dân giảm được công chăm sóc, giảm thất thoát nước, giảm tiêu tốn điện năng. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngoài làm tăng năng suất đậu phộng còn giúp đất không bị xói mòn, rửa trôi, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo tính toán của ngành chức năng, hiện nay, canh tác cây đậu phộng cho lãi ròng từ 80 triệu đến 150 triệu đồng/ha. Gặp lúc đậu phộng thương phẩm xuống thấp nhất vẫn có giá 20.000 - 22.000đ/kg (mua tại ruộng), nông dân vẫn có lãi ròng 80 triệu đồng/ha, lúc giá tăng cao có thể bán được đến 27.000 - 30.000đ/kg, lãi 100 - 150 triệu đồng/ha.
“Đặc biệt, mô hình đậu phộng sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm triển khai tại xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) thành công đã làm thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Mô hình này chứng minh cây đậu phộng không chỉ trồng thành công trong vụ đông xuân, mà còn trồng được cả trong vụ hè thu, dù nắng hạn.
Năng suất đậu phộng vụ hè thu thấp hơn vụ đông xuân, nhưng đậu phồng hè thu cho hiệu quả cao hơn bởi đậu phộng đông xuân chỉ bán thương phẩm, còn đậu phộng hè thu còn để làm giống cho vụ đông xuân năm sau nên có giá đến 60.000 - 70.000đ/kg”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ.
Lúa hữu cơ tạo sức hút nông dân lẫn người tiêu dùng
Một dấu ấn khác của Khuyến nông Bình Định để lại trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh là những mô hình sản xuất các cây trồng theo hướng hữu cơ và VietGAP như bưởi, xoài, lúa... Hướng đi này không chỉ phù hợp với chủ trương của tỉnh Bình Định mà còn đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
HTX Nông nghiệp Ân Tín (huyện Hoài Ân) là đơn vị đầu tiên thí điểm triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Bình Định từ năm 2019. Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định nhớ lại: Khi triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ đầu tiên tại tỉnh này, nông dân vừa làm vừa run vì mới mẻ quá, thậm chí họ còn né vì cầm chắc năng suất sẽ thấp hơn so với sản xuất truyền thống.
Khi làm, trong đầu nông dân cứ quanh quẩn chuyện lâu nay cây lúa quen “ăn” phân bón và thuốc BVTV hóa học, giờ chỉ được "ăn" phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học - những “món ăn” không “khoái khẩu” nên ắt sẽ cho năng suất thấp, họ lo bị thất thu.
Mặc dù vậy, càng về sau, nhất là trong bối cảnh các loại vật tư nông nghiệp tăng giá chóng mặt, sản xuất lúa hữu cơ chỉ sử dụng phân bón làm từ mụn dừa, phân bò, phế phẩm nông nghiệp nên giảm được chi phí đầu vào, nông dân thấy hiện hữu lợi ích. Một lợi ích khác không hiện hữu nhưng nông dân vẫn cảm nhận được là khi không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, sức khỏe của người trực tiếp sản xuất không còn bị suy giảm như trước đây.
“Trên những diện tích mới chuyển đổi sản xuất lúa từ truyền thống sang hữu cơ năng suất lúa giảm khoảng 10 tạ/ha, nguyên nhân vì không còn sử dụng phân bón hóa học. Nhưng những vụ mùa tiếp theo, sau thời gian đất được “ăn” phân hữu cơ nên đã phục hồi độ màu mỡ, năng suất tăng dần, chỉ còn suy giảm chút ít so với trước đây, vậy nhưng giá bán tăng cao hơn nhiều, khi ấy nông dân mới nhận ra làm lúa hữu cơ lợi ích hơn sản xuất lúa truyền thống rất nhiều”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ.
Thời gian tới đây, nhiều địa phương ở Bình Định đã và đang tăng mạnh diện tích sản xuất lúa hữu cơ, đi đầu là thị xã Hoài Nhơn và huyện Hoài Ân. Riêng huyện Hoài Ân trong năm 2023 đã mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ lên 15,5ha, đồng thời hoàn thiện quy trình canh tác, tiến tới đăng ký cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ và đăng ký nhãn hiệu Gạo hữu cơ Hoài Ân trên diện tích nói trên.
HTX Nông nghiệp Ân Tín, đơn vị đang phát triển mạnh lúa hữu cơ ở Hoài Ân trong năm 2022 đã được cấp chứng nhận sản phẩm gạo hữu cơ, thời gian chứng nhận từ tháng 9/2022 đến tháng 9/2024. Hiện gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp Ân Tín đã được thay đổi bao bì, đóng gói bắt mắt hơn, sản phẩm có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí không có để bán.
Theo ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ân Tín, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ là hướng đi phù hợp với sự phát triển của xã hội. Thực tế cho thấy, gạo hữu cơ Ân Tín dần được người tiêu dùng tín nhiệm. Điều quan trọng là sản xuất hữu cơ tuy có nhiều khó khăn do yêu cầu, tiêu chí cao, nhưng khi nông dân đáp ứng được sẽ nhận thấy nhiều lợi ích như giảm chi phí đầu vào, chất lượng gạo cao, người tiêu dùng chấp nhận mua với giá cao, mang lại lợi nhuận tốt.
Hơn nữa, canh tác hữu cơ giúp thay đổi tư duy của nông dân về quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng môi trường. Hiện gạo hữu cơ Ân Tín có giá đến 22.000 - 23.000đ/kg và được tiêu thụ rất mạnh.
“Đất sản xuất lúa ở Bình Định qua thời gian dài bị nông dân lạm dụng phân bón hóa học, chạy theo năng suất, sản lượng nên đã bị thoái hóa, chai cứng, cạn kiệt dinh dưỡng, nay bón phân hữu cơ nên đất dần tơi xốp trở lại, từng bước phục hồi độ màu mỡ.
Từ năm 2024 trở đi, chúng tôi mạnh dạn đề xuất ngành chủ quản không làm những mô hình sản xuất lúa hữu cơ manh mún nữa, mà phải từ 5ha trở lên và làm nhiều vụ liên tiếp trên nhiều chân đất để khẳng định hiệu quả”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định.