| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông mang sứ mệnh tạo ra giá trị cộng đồng

Thứ Tư 27/07/2022 , 18:12 (GMT+7)

'Khuyến nông không chỉ dừng ở việc hướng dẫn kỹ thuật mà phải cung cấp kiến thức, kỹ năng, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất', Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Thay đổi tư duy, cách làm khuyến nông truyền thống

Nhân hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2022 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh ngày 27/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ, bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, kết quả hoạt động mà Trung tâm KNQG cũng như hệ thống khuyến nông toàn quốc đã đạt được trong thời gian qua.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong lần thăm mô hình vải thiều phục vụ xuất khẩu tại Hải Dương. Ảnh: TL.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong lần thăm mô hình vải thiều phục vụ xuất khẩu tại Hải Dương. Ảnh: TL.

“Tôi đánh giá rất cao sự chuyển biến về tư duy, cách làm của Trung tâm KNQG trong việc tiếp cận được với tư duy, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của ngành”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Trung tâm KNQG đã có những bước đột phá trong việc thay đổi tư duy khuyến nông theo cách thức hoàn toàn mới. Công tác khuyến nông không chỉ còn giới hạn ở việc triển khai các mô hình trình diễn mà đã có độ phủ, bao trùm rộng lớn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, hoạt động khuyến nông không chỉ gói gọn trong hoạt động của bộ máy Trung tâm KNQG hay khuyến nông các cấp mà đã kết nối được với doanh nghiệp; gắn khuyến nông nhà nước với khuyến nông của doanh nghiệp, xã hội.

Đặc biệt, việc tổ chức lại chương trình khuyến nông cộng đồng bước đầu đã cho những kết quả rất khả quan, góp phần không nhỏ đánh thức được những giá trị đích thực của khuyến nông; thay đổi cách nhìn nhận của người dân, lãnh đạo các địa phương, toàn xã hội với công tác khuyến nông.

Thời gian qua, chúng ta rất nặng lòng khi một số nơi xem nhẹ vai trò của khuyến nông. Từ thực tế đó, Bộ NN-PTNT đã đặt lại vấn đề tiếp cận tư duy mới trong hoạt động khuyến nông, mở rộng tầm nhìn khuyến nông, không chỉ dừng lại ở vấn đề kỹ thuật mà khuyến nông phải gắn với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình lúa hữu cơ do khuyến nông Vĩnh Phúc triển khai. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình lúa hữu cơ do khuyến nông Vĩnh Phúc triển khai. Ảnh: Hoàng Anh.

Chiến lược phát triển nông nghiệp hiện nay là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Do đó, công tác khuyến nông cũng phải chuyển đổi tư duy từ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sang hỗ trợ nông dân có kiến thức, kỹ năng làm kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hình thành hệ sinh thái khuyến nông mà hạt nhân là Trung tâm KNQG, hệ thống khuyến nông địa phương, gắn kết chặt chẽ với khuyến nông của các doanh nghiệp. Từ đó, sẽ hình thành được chuỗi khuyến nông từ vấn đề kỹ thuật tới vấn đề kinh tế, tiếp cận vấn đề thị trường.

“Hôm nay, bản thân Bộ trưởng cũng mặc chiếc áo của khuyến nông, để cùng với hệ thống khuyến nông toàn quốc truyền đi một thông điệp: Tất cả chúng ta phải sát sao hơn với người nông dân, ở đâu có nông dân ở đó có khuyến nông”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Thay đổi tầm nhìn, hoàn thành sứ mệnh

Sứ mệnh của khuyến nông là phải hiểu được đặc điểm tâm lý, tập quán sản xuất, sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng miền, các thị trường tiêu thụ, sự đứt gãy của chuỗi ngành hàng… Từ đó, hệ thống khuyến nông phải gắn kết lại, không để xảy ra tình trạng đứt gãy. Bởi lẽ, đứt gãy của hệ thống khuyến nông cũng là sự đứt gãy chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.

Thậm chí, nếu không có khuyến nông, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn không thể đến với nông dân. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hiểu được nông dân đang cần gì, giúp họ điều gì thì công tác khuyến nông chắc chắn sẽ không thành công.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 2 từ trái sang) thăm vùng sản xuất rau an toàn tại Hà Nội. Ảnh: TL.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 2 từ trái sang) thăm vùng sản xuất rau an toàn tại Hà Nội. Ảnh: TL.

Khuyến nông hiện nay không chỉ dừng lại ở việc làm nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật mà phải cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng, thông tin, giúp người nông dân tổ chức lại sản xuất, nâng cao tri thức, đi vào kinh tế tập thể, tổ chức lại ngành hàng.

Đặc biệt, khuyến nông phải đi vào câu chuyện xây dựng nông thôn mới, tổ chức nhiều hoạt động trong khu vực nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn như xây dựng sản phẩm OCOP; phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; phát triển HTX...

Khuyến nông phải thực hiện sứ mệnh kết nối, gắn kết các cơ quan khác trong Bộ NN-PTNT để đưa những vấn đề về tổ chức lại sản xuất, thị trường đến với nông dân. Hỗ trợ nông dân những công nghệ, kỹ thuật, thông tin, kiến thức không theo từng dự án mà phải có những hoạt động mang tính chất cộng đồng để đúng theo khẩu hiệu “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.

Để hoàn thành được những sứ mệnh này, bản thân mỗi cán bộ khuyến nông phải nhận thức được trách nhiệm cao cả của mình là phục vụ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông dân. Mỗi cán bộ khuyến nông phải xác định tâm thế, thái độ phục vụ của mình trước rồi mới đến vấn đề tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách; không nên tư duy theo lối mòn là kinh phí đến đâu thì chỉ triển khai hoạt động đến đó.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình vải VietGAP tại Hải Dương. Ảnh: NNVN.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình vải VietGAP tại Hải Dương. Ảnh: NNVN.

“Điều cần nhất là cán bộ khuyến nông phải xác định được tâm thế của mình là phục vụ nông dân, báo đáp lại việc họ đã cung cấp thực phẩm cho chúng ta sinh sống hàng ngày. Tôi muốn nói với anh em khuyến nông là khi chúng ta làm gì, phải biết được giá trị của việc làm đó mang lại, hiểu được tại sao mình phải làm việc đó, có như vậy mới tạo được động lực thôi thúc trái tim, hành động của chính mình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.

Người làm công tác khuyến nông đừng vội đặt vấn đề kinh phí, chế độ của mình là bao nhiêu lên trên. Bởi lẽ, khi khuyến nông làm tốt nhiệm vụ của mình thì sẽ huy động được những nguồn lực từ xã hội, cùng nhau tạo ra giá trị. Khi hoạt động khuyến nông đã tạo ra giá trị thì bản thân mỗi người làm công tác khuyến nông cũng sẽ được nhận lại những giá trị có thể là vô hình (hạnh phúc, vinh dự...) hoặc giá trị hữu hình.

Khi hoạt động khuyến nông thực sự thu hút được các nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp, sẽ giúp tăng thêm nguồn lực nhà nước. Từ đó, tạo cơ sở vững chắc để điều hoạt động khuyến nông trở nên linh hoạt hơn.

“Trước hết, chúng ta phải truyền đi một thông điệp với xã hội, với nông dân, doanh nghiệp rằng: Chúng ta bắt đầu hành trình tiếp cận tư duy khuyến nông theo một tầm nhìn mới, tạo ra giá trị cộng đồng chứ không chỉ là người hướng dẫn nông dân sản xuất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.