Cách trồng rau ăn lá độc đáo
Nhiều năm qua thương hiệu rau xanh Năm Cải của hộ sản xuất Trần Văn Sáu đã nổi tiếng khắp trong ngoài, tỉnh. Trên mỗi bó rau được đóng gói, khách hàng chỉ cần cầm điện thoại thông minh quét mã vạch là có thể biết được tất tần tật địa chỉ, quy trình sản xuất, để biết chúng có an toàn để mua hay không. Hay ngồi tại nhà, gõ bàn phím để vào trang nongsanhaugiang.com.vn cũng có được thông tin tương tự.
Theo chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông, chúng tôi tìm đến trang trại chuyên sản xuất các loại rau gia vị, rau ăn lá theo quy trình rau hữu cơ của anh Sáu ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Trên diện tích 2.000 m2, đã được đầu tư nhà lưới bài bản, tưới phun sương tự động điều khiển từ xa, anh Sáu trồng rất nhiều các loại rau: húng quế, húng nhủi, diếp cá, cải ngọt, cải xanh, xà lách, rau má…
Hôm chúng tôi đến, trời nắng gắt nhưng trong khu nhà lưới vẫn dịu mát, anh Sáu đang cặm cụi dùng xẻng xới đất trộn với phân hữu cơ đã ủ mục để trồng rau.
Anh Sáu bảo: "Phân hữu cơ mình tự ủ được từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ sau trồng nấm, trấu lót chuồng gà, chuồng vịt nên chi phí rẻ mà lại rất tốt, làm đất tươi xốp, giữ ẩm, hạn chế công tưới… Rau trồng phát triển tốt, ăn ngon ngọt, vị thơm đậm và an toàn khi sử dụng".
Anh Sáu có cách trồng rau rất độc đáo là để chúng gần như mọc tự do trong vườn, cộng sinh nhiều loại trên cùng một luống rau. Anh Sáu giải thích: “Chỉ có các loại rau cải là tôi gieo hạt theo từng luống riêng biệt cho dễ thu hoạch. Còn các loại rau thơm gia vị, tôi chỉ trồng lần đầu, sau chúng già ra bông, tự rụng hạt mọc lại khi tưới nước hoặc gặp mưa. Ngay cả rau má, chúng có sẵn cây và hạt trong đất, khi mình trồng rau chúng cũng mọc theo, thế là tôi để luôn. Cứ vậy chăm sóc và thu hoạch bán, thành ra lúc nào trong vườn cũng có cả chục loại rau khác nhau”.
Dẫn chúng tôi ra khu vườn sau nhà, chị Huỳnh Thị Út Em - vợ anh Sáu cho biết, gia đình có thâm niên sản xuất rau màu đã gần 20 năm qua. Trên diện tích khoảng 2 ha, anh chị chừa ra 2.000 m2 để chuyên trồng rau bán, còn lại làm lúa 2 vụ/năm. Năm 2010, để chuyển sang sản xuất rau an toàn, vợ chồng tôi bắt đầu làm nhà lưới để chống côn trùng gây hại, không phải phun thuốc trừ sâu độc hại.
Theo tính toán của vợ chồng anh Sáu, trồng rau hữu cơ tuy cực hơn làm lúa, do phải tốn nhiều công chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói… nhưng bù lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Ngay cả như khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và các tỉnh, thành phía Nam phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch lây lan, thương hiệu rau Năm Cải vẫn tiêu thụ tốt.
"Rau ăn lá và các loại cây gia vị đều là cây trồng ngắn ngày, một năm có thể trồng được nhiều đợt. Khi có nhà lưới và hệ thống tưới tự động thì trồng được quanh năm. Bình quân, cứ khoảng 10m2 trồng rau màu hữu cơ, cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm", chị Út Em khẳng định.
Sản xuất theo hướng vi sinh, hữu cơ bền vững
Để đảm bảo nguồn nước tưới quanh năm cho vườn rau, nhất là vào thời điểm nắng nóng khô hạn, anh Sáu đã đầu tư đào đường mương lớn giữa vườn để tích trữ nước. Đồng thời, anh thả cá tai tượng, cá tra và tận dụng chính nguồn rau vụn từ quá trình sơ chế để làm thức ăn cho chúng. Vì vậy, gần như khu vườn của gia đình anh thành quy trình sản xuất khép kín, không có chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2019, anh Sáu và một số hộ dân ở đây được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang hướng dẫn làm vi sinh để phục vụ sản xuất, giúp giảm chi phí đầu tư để hạ giá thành sản phẩm. Theo anh Sáu, cách làm vi sinh này cũng khá đơn giản, từ 1 lít vi sinh ban đầu được cấp, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật nhân nuôi để có số lượng nhiều phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
“Nếu làm đúng cách, với diện tích 2.000 m2, tôi tự nhân nuôi vi sinh để tưới chỉ tốn hết khoảng 70-80 ngàn đồng, mà rau phát triển rất tốt. Còn nếu mua phân hữu cơ bán sẵn trên thị trường thì một đợt sử dụng tốn hết từ 400 - 500 ngàn đồng”, anh Sáu phân tích.
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, việc nhân nuôi vi khuẩn cố định đạm và hòa tan lân trong đất là sáng kiến của đơn vị giúp nông dân có diện tích canh tác nhỏ, giảm chí phí trong sản xuất và tăng thu nhập.
Theo đó, cán bộ khuyến nông sẽ cấp cho mỗi hộ nông dân tham gia 1 lít dung dịch gốc mỗi loại để nhân nuôi ra 20 lít vi khuẩn (thời gian mỗi lần nhân nuôi là 14 ngày). Sau đó, tiếp tục lấy 1 lít nhân nuôi ra 100 lít dung dịch để sử dụng và bảo quản 19 lít còn lại.
Khi nào sử dụng hết 100 lít dung dịch nhân nuôi được, tiếp tục lấy ra 1 lít trong 19 lít còn lại để nhân nuôi sử dụng tiếp. Cứ lặp đi lặp lại như vậy thì từ 1 lít dung dịch gốc nông dân có thể nhân nuôi và sử dụng được 20 lần.
"Dung dịch cố định đạm và hòa tan lân giúp gia tăng hoạt động vi sinh vật có ích và cải tạo đất, không gây hại đến môi trường. Góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, tăng chất lượng sản phẩm. Góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Giúp giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho nhà nông", ông Tân đánh giá về hiệu quả của mô hình này.
Không chỉ trồng rau hữu cơ, mà ngay cả diện tích sản xuất lúa của gia đình, anh Sáu cũng làm theo hướng vi sinh hữu cơ, giúp giảm tối đa việc lệ thuộc vào phân bón hóa học với giá thị trường đang rất cao.
Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thêm thu nhập. Anh Sáu tính toán chi li các khoảng chi phí sản xuất vụ lúa đông xuân 2021-2022 của gia đình, với giống lúa Đài Thơm 8, chỉ hết 2 triệu đồng/công, kể cả 2 lần thuê máy bay phun xịt thuốc phòng ngừa đạo ôn và lem lép hạt.
Nếu sử dụng hoàn toàn phân hóa học thì tối thiểu phải tốn cỡ 3 triệu đồng/công, do giá đang rất cao. Mỗi công anh thu hoạch được hơn 1 tấn lúa tươi cắt máy, giá bán 5.900 đồng/kg, thu lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/công.
Vụ hè thu 2022, anh Sáu sẽ đầu tư sản xuất giống lúa OM18 và tiếp tục đi theo con đường hữu cơ vi sinh để bảo vệ môi trường, hạ giá thành sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Sản xuất rau an toàn rộng đầu ra
Bà Bùi Thị Cẩm Tuyền, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Vĩnh Tường cho biết, hiện tổ có 6 thành viên, với diện tích chuyên trồng rau màu khoảng 7.000m2. Ngoài các loại rau ăn lá, rau gia vị, các thành viên còn trồng bầu, bí, mướp, dưa leo, khổ qua… tùy theo mùa và nhu cầu thị trường. Nhìn chung, việc sản xuất rau an toàn thị trường đầu ra rất tốt, thu nhập từ nghề trồng rau cao hơn nhiều so với trồng lúa. Hiện tổ hợp tác đang có kế hoạch kết nạp thêm thành viên, mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao sản lượng. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, để có thể đăng ký trở thành sản phẩm OCOP của xã trong thời gian tới.