Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII chia sẻ, chính việc thực hiện các thủ tục hành chính qua Một cửa quốc gia đã góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với lực lượng làm nhiệm vụ kiểm dịch thực vật tại khu vực cửa khẩu, biên giới.
Theo đó, cơ chế Một cửa Quốc gia đã và đang tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, khi doanh nghiệp không phải trực tiếp lên cửa khẩu, chỉ cần đăng ký kiểm dịch rồi gửi lên hệ thống, cán bộ kiểm dịch thực vật trực tiếp tiếp nhận hồ sơ trên mạng nên rút ngắn được thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Qua đại dịch Covid-19 vừa qua đã thể hiện rõ được ưu thế của cơ chế Một cửa Quốc gia. Việc doanh nghiệp không phải đến đăng kí kiểm dịch trực tiếp đã hạn chế được tiếp xúc cá nhân, tụ tập đông người, từ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh”, bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không gián đoạn hoạt động thông quan hàng hóa, đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động bố trí cán bộ thực hiện một cung đường hai điểm đến.
Đồng thời, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cũng chủ động trong mọi tình huống, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, khi hàng đến cửa khẩu, công chức kiểm dịch thực vật chủ động thực hiện việc kiểm tra giám định kiểm dịch thực vật, thậm chí di chuyển đến nơi xe hàng đỗ để lấy mẫu nên rút ngắn tối đa thời gian thông quan cho các lô hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cũng đã có kết nối trực tuyến với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tại Hà Nội để đánh giá, xác định các loại sinh vật gây hại trên nông sản nhập khẩu ngay tại chỗ thay vì phải gửi mẫu như trước kia. Qua đó, giúp tiết giảm rất nhiều thời gian chờ đợi của phía doanh nghiệp và người dân.