Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”
Theo Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, địa phương này hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng thuốc, Đúng lúc, Đúng nồng độ và liều lượng, Đúng cách” đồng thời, có những nghiên cứu, cải tiến những quy trình, giải pháp canh tác lạc hậu; những loại ảnh hưởng nhiều đến môi trường, sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng...
Là vùng trọng điểm nông nghiệp ở ĐBSCL, diện tích đất nông nghiệp của Cần Thơ có hơn 110.000ha, gồm hơn 75.000ha đất lúa, chiếm gần 70% diện tích đất nông nghiệp, diện tích gieo trồng lúa hơn 215.000 ha/năm; gần 25.000ha cây ăn trái; trên 17.000ha rau màu… Trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, tập trung như vùng sản xuất lúa với trên 140 cánh đồng lớn, diện tích trên 34.000ha; vùng sản xuất cây ăn trái các loại như sầu riêng, nhãn, mận... tập trung với diện tích gần 12.000ha.
Với thực trạng sản xuất trên, để tăng vụ, đảm bảo năng suất, sản lượng, nông dân phải sử dụng thuốc BVTV, hiện nay tổng số lần sử dụng thuốc trên từng loại cây trồng có sự chênh lệch rất lớn.
Đối với cây lúa, tổng số lần sử dụng thuốc BVTV trên vụ/ha từ 5-7 lần; trong đó có ít nhất 1 lần sử dụng thuốc trừ ốc bươu vàng, 1 lần thuốc trừ cỏ. Với cây ăn quả, tổng số lần sử dụng khoảng 10 lần/năm; rau màu có tổng số lần sử dụng từ 3-7 lần/vụ tùy loại cây trồng.
Hiện nay, do giá một số nông sản đang ở mức cao nên nông dân có xu hướng tăng cường đầu tư, chăm sóc và lựa chọn nguồn phân bón, thuốc BVTV chất lượng, có uy tín trên thị trường, dẫn đến việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp so với khuyến cáo, tăng chi phí sản xuất không hợp lý.
Trong thực tế sản xuất, chẳng hạn như với lúa, người dân phải dùng thuốc diệt trừ các đối tượng gây hại (ốc bươu vàng, rầy nâu...); với cây ăn quả như xoài, nhãn, sầu riêng, mận, người trồng sử dụng thuốc giúp cây ra hoa...
Việc xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng hiện nay còn rất khó khăn. Mặc dù ý thức của nông dân ngày càng được nâng lên, tuy nhiên phần lớn thực hiện giải pháp tiêu hủy chưa đúng cách như chôn lấp, thiêu đốt... Việc thu gom, xử lý hằng năm thực hiện chưa nhiều, chưa thường xuyên.
Theo Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, việc sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, do có độ độc cao nên các hóa chất BVTV cũng gây những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Do đó, Sở khuyến cáo, để sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sử dụng thuốc BVTV, cần xây dựng kênh truyền thông hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng, trên cơ sở Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt chất thuốc có nguồn gốc sinh học, có độ độc cấp tính thấp và có thời gian cách ly ngắn.
Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); đa dạng hoá các loại cây trồng - luân phiên thay đổi các giống cây trồng trong năm; áp dụng phương pháp đấu tranh sinh học để quản lý sâu hại trên đồng ruộng bằng cách sử dụng thiên địch, ong ký sinh... từ đó giúp giảm lượng thuốc trừ sâu nông dân sử dụng, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đơn vị này cho biết, công nghệ sinh thái cũng có thể áp dụng để khống chế sâu hại trên ruộng, làm giảm sử dụng thuốc BVTV. Ven bờ ruộng trồng các loại hoa có phấn (sao nhái, đậu bắp...) nhằm thu hút các loài thiên địch, góp phần làm tăng đa dạng sinh học trên ruộng, khống chế sâu hại.
Ngoài ra, chú trọng thu gom, tập kết bao bì, vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng; kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng thuốc BVTV tại các vùng sản xuất trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn về dư lượng thuốc BVTV.
Đồng Tháp giám sát dư lượng thuốc BVTV tại vùng trồng
Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023 đạt gần 580.000ha, tăng 4,0% so cùng kỳ. Ước tính, tổng lượng thuốc BVTV sử dụng trên các loại cây trồng khoảng 3.466 tấn, giảm 170 tấn so với năm 2022.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp) Lê Văn Chấn cho biết, Đồng Tháp thực hiện giám sát dư lượng thuốc BVTV tại các vùng trồng. Chi cục đã lồng ghép hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, thực hành quy trình sử dụng thuốc BVTV, sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc vi sinh thảo mộc hay có thời gian cách ly ngắn theo chủng loại sản phẩm.
Trong năm 2023, đã tiến hành lấy 29 mẫu: xoài, nhãn, chanh, sầu riêng, khoai lang, mận, ổi... tại các vùng trồng tập trung để tiến hành phân tích định tính; lấy 40 mẫu thuốc BVTV tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp để gửi phân tích chất lượng, tăng 10 mẫu so với năm 2022.
Trong năm 2023, đã ban hành 7 Quyết định thành lập đoàn, kiểm tra được 233 cơ sở, trong đó có 36/233 cơ sở vi phạm; ban hành 38 Quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 283 triệu đồng.
Đồng Tháp cũng tổ chức tập huấn chuyên môn về phân bón, thuốc BVTV, cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc BVTV; 36 lớp huấn luyện cho 1.080 nông dân, gồm 22 lớp SRP trọng tâm IPM/MRL và 14 lớp hữu cơ, 37 lớp cho 1.730 nông dân, đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp về nâng cao nhận thức nhận thức trách nhiệm và phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật như mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc; mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP (tại HTX Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông) giúp giảm được phân hóa học 40%, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị của rơm, rạ và lợi nhuận cho nông dân trồng lúa trên đơn vị diện tích.
Mô hình sản xuất hữu cơ trên nhãn tại huyện Châu Thành giúp nông dân tiếp cận với việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học trong canh tác nhãn, giảm số lần phun thuốc của nông dân từ 3 - 4 lần so với canh tác truyền thống; Mô hình thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên sầu riêng và cây ớt thực hiện tại huyện Châu Thành và Thanh Bình giúp nâng cao nhận thức nông dân về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và thu gom chai lọ, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để đúng nơi quy định góp phần trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nông nghiệp nói riêng.
Ông Chấn cho biết, thời gian tới sẽ lồng ghép triển khai các đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp…