| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát giết mổ ở Thanh Hóa: 'Lực bất tòng tâm'!

Thứ Hai 19/11/2018 , 13:05 (GMT+7)

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Thanh Hóa phấn đấu xây dựng 100 cơ sở giết mổ tập trung, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa; tỉnh, huyện chỉ tạo điều kiện về đất đai, cơ chế chính sách…Quy hoạch là thế nhưng kêu gọi nhà đầu tư vô cùng khó. 

Và khảo sát thực tế của chúng tôi, công tác kiểm soát giết mổ ở Thanh Hóa có cũng như không!

Thịt không dấu bày bán khắp đường phố

Mỗi sáng, không khó để bắt gặp những sạp thịt lợn được bày bán ngay trên lề các tuyến đường của TP Thanh Hóa. Lúc đầu, những người bán thịt cho biết, thịt lợn của họ đã được cán bộ thú y xã kiểm tra và lăn dấu KSGM trước khi đưa ra bày bán. Thế nhưng, trên những sạp thịt này, PV tuyệt nhiên không tìm ra một dấu KSGM nào. Cuối cùng, một chủ sạp thịt tên là Lê Xuân L. đến từ xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, có sạp thịt bán bên lề đường Lê Lai thừa nhận: “Con dấu này tôi không cần nhưng người ta thu tiền tôi vẫn đưa hàng tháng. Tôi tự mổ ở nhà vì không có điểm giết mổ tập trung. Nếu làm đúng quy trình, khi tôi chọc tiết, các anh thú y phải đứng đó nhưng họ có đến được đâu. Trước đó họ không đến được, sáng mai cũng không đến đóng dấu”!

07-21-29_mot_sp_thit_chu_duoc_dong_du_ksgm_by_bn_tren_le_duong_le_li
Một sạp thịt chưa được đóng dấu KSGM bày bán bên lề đường Lê Lai. Ảnh: Văn Dũng

Tìm về một số cơ sở giết mổ tập trung (CSGMTT), chúng tôi có câu trả lời vì sao thịt không dấu KSGM bày bán phổ biến trên các tuyến phố. CSGMTT của Công ty thực phẩm sạch Đức Tần tại xã Quảng Phong (Quảng Xương) nằm ngay trong khuôn viên gia đình ông chủ Lê Đình Tần. Cơ sở có tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng, trong đó dự án Lifsap hỗ trợ 30.000 USD (trên 600 triệu đồng).

CSGM này được đầu tư hệ thống mổ cáp treo nhưng nhìn những móc treo đã hoen gỉ đủ biết từ lâu nó đã không được dùng đến. Mặc dù, công suất giết mổ ở đây đạt 30 con lợn/giờ nhưng thực tế mỗi đêm ông chủ tự mình mổ thịt 15 con đem đi nhập cho các siêu thị trên địa bàn, đã từ lâu không có hộ dân đem lợn vào đây giết mổ.

“Ở xã này cũng có 5-6 hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhưng lâu nay họ không đưa lợn vào đây giết mổ. Địa phương cũng không thể bắt buộc họ đưa vào đây giết thịt được. Thành ra, lò mổ này chỉ dành cho công ty tôi giết mổ khoảng 15 con lợn/ngày đêm”.

Hỏi về công tác KSGM tại cơ sở của mình, ông Tần khẳng định, để đưa được thịt vào siêu thị thì công tác KSGM phải được thực hiện nghiêm túc. Còn các điểm giết mổ nhỏ lẻ khác ông không nắm được.

Còn tại huyện Yên Định, tình hình cũng chẳng mấy khả quan mặc dù đây là địa phương “mạnh tay” trong công tác KSGM. Theo ông Lê Xuân Thành, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Định, tỷ lệ sản phẩm động vật đến tay người tiêu dùng qua KSGM trên địa bàn cũng chỉ chiếm khoảng 60%, đa phần là thịt lợn của những ông chủ tìm được các mối bỏ hàng như nhà hàng, siêu thị, trường học… Trong số gần 100 CSGM, điểm giết mổ nhỏ lẻ hiện nay của huyện chỉ có 74 điểm, cơ sở được chứng nhận ATVSTP.

Ông Trịnh Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Định chia sẻ: “Bình quân, mỗi ngày người dân Yên Định tiêu thụ khoảng 10 tấn lợn hơi. Thế nhưng, chỉ khoảng 60-70% trong số này qua KSGM. Riêng gia cầm hiện nay chưa có CSGMTT. Thực tế, lực lượng cán bộ thú y hiện nay quá mỏng trong khi tập quán giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại, địa bàn rộng nên rất khó kiểm soát. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 chỉ cho phép các điểm, cơ sở đủ điều kiện hoạt động; số còn lại phải dừng hoạt động để cải tạo”.


Giật mình những con số

Quảng Xương chỉ nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa chưa đến 10 km, lại có QL 1A đi qua. Tại đây, hàng ngày lượng sản phẩm động vật qua giết mổ được đưa vào TP Thanh Hóa tiêu thụ rất lớn. Và đương nhiên, trên tuyến QL 1A sẽ có nhiều động vật, sản phẩm động vật vận chuyển qua địa bàn vào Nam, ra Bắc.

07-21-29_duoc_lifsp_du_tu_3_nghin_usd_nhung
Được Lifsap đầu tư 30 nghìn USD để nâng cấp nhưng người dân không đem gia súc đến giết mổ tại CSGMTT của ông Tần. Ảnh: Văn Dũng

Thế nhưng, tổng số cán bộ, công nhân viên của Trạm Thú y huyện Quảng Xương lâu nay chỉ có 2 người, một trưởng, một phó. Vì thế, chưa nói đến công tác chuyên môn, trụ sở cơ quan từ tầng 1 lên tầng 2 vắng tanh như chùa Bà Đanh; bụi bám đầy cánh cửa, cầu thang…

Nói về công tác KSGM trên địa bàn, ông Lữ Trọng Đức, Trạm trưởng Trạm Thú y Quảng Xương lắc đầu ngán ngẩm, trạm chỉ có 2 người nhưng việc KSGM lâu nay giao cho trạm đảm nhận. Hai cán bộ, một trưởng, một phó chưa đủ con người để xử lý công vụ chứ chưa nói đến việc chiều chiều, sáng sáng đến các lò giết mổ để làm công tác KSGM. Vì thế, việc KSGM lâu nay được giao cho cán bộ thú y xã đảm nhận. 

“Đội ngũ cán bộ thú y ở huyện thiếu với chỉ bình quân 3 người/trạm gây khó khăn cho việc bố trí con người thực hiện. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt và thiếu đồng bộ… Hầu hết sản phẩm động vật chưa qua KSGM nhưng thực tế việc xử phạt chưa thực hiện được là bao…” – ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Kiểm dịch và Thú y cộng đồng Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết.

Nhưng liệu việc giao cho cán bộ thú y xã đảm nhận có hiệu quả không? - chúng tôi hỏi. Ông Đức thẳng thắn trả lời: “Thực tế thì, họ làm thịt 3 con, may ra cũng chỉ kiểm soát được vài con. Có khi cán bộ thú y đến họ (chủ CSGM - PV) không cho vào thì cũng đành chịu.

Đúng quy trình thì phải kiểm tra lâm sàng trước khi mổ. Sau mổ thịt sẽ tiếp tục kiểm tra mới lăn dấu KSGM. Nhưng chi phí quá thấp, việc kiểm soát chỉ được phép thu 7 nghìn đồng/con lợn, trong đó có 30% là chi cho hóa đơn, con dấu, mực…, lượng giết mổ lại nhỏ lẻ, không tập trung; phụ cấp hàng tháng của cán bộ thú y cấp xã chỉ 0,7 hệ số lương/tháng… nên cũng không thể đòi hỏi nhiều ở các cán bộ thú y cấp xã được, nói “căng” là họ bỏ nghề như chơi”.

Theo thống kê của Trạm Thú y Quảng Xương, hiện trên địa bàn có 5 CSGM đang hoạt động, công suất từ 10-30 con/giờ.

Tuy nhiên, hầu hết các CSGM tập trung này hoạt động dưới công suất, ngoại trừ một số chủ cơ sở chủ động thực hiện các đơn hàng vào siêu thị, nhà hàng vừa để nuôi sống mình, vừa duy trì hoạt động của cơ sở. Bình quân, mỗi cơ sở chỉ được kiểm soát khoảng 1-2 con/ngày đêm.

Mặc dù được UBND huyện Quảng Xương hết sức quan tâm nhưng cấp xã cũng đang gặp những vướng mắc nhất định khiến việc triển khai KSGM gặp nhiều khó khăn. Vì thế, tại huyện Quảng Xương, đa phần sản phẩm động vật trên địa bàn khi ra thị trường chưa được đóng dấu KSGM mà chỉ thực hiện công đoạn kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ.

Tính đến nay, tỉnh Thanh Hóa mới chỉ có 12 CSGMTT đi vào hoạt động. Trong số này hiện có 2 cơ sở không hoạt động hiệu quả. Hiện Thanh Hóa đang có 2 cơ sở sắp đi vào hoạt động và 2 cơ sở sắp khởi công xây dựng. Đại diện Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết, tiến độ xây dựng theo quy hoạch như trên là chậm so với lộ trình đặt ra. Từ nay đến hết năm 2018, Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành 32 CSGMTT nhưng liệu có hoàn thành theo đúng dự kiến khi quỹ thời gian chỉ còn 1-2 tháng?

Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay toàn tỉnh có 2.400 điểm giết mổ nhỏ lẻ nhưng mới chỉ thực hiện KSGM 773 điểm. Số còn lại hiện đang “trắng” KSGM.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa: Chính quyền địa phương không thực hiện quyết liệt!

Vấn đề KSGM được UBND tỉnh Thanh Hóa hết sức quan tâm và đã có chuyển biến mạnh trong những năm qua, từ 40% (2017) lên 45,2% (3018).

Tuy nhiên, chính sách tỉnh ban hành không được chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt. Phải kiên quyết dẹp bỏ những cơ sở, điểm giết mổ không đủ tiêu chuẩn, vi phạm; sản phẩm không đảm bảo lưu hành trên thị trường thì chính quyền địa phương và quản lý thị trường phải xử lý nghiêm thì mới mong doanh nghiệp dám đầu tư CSGM và mới nâng cao được tỷ lệ KSGM.

Thành bại của vấn đề nằm ở vai trò, quyết tâm của chính quyền xã còn lực lượng thú y, nếu giết mổ tập trung thì có thể đáp ứng được và chức năng của thú y là KSGM, kiểm tra vệ sinh thú y ở những cơ sở đủ điều kiện.

 

Xem thêm
Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.