| Hotline: 0983.970.780

Kiếm tiền triệu mỗi ngày từ nuôi cá mè trên hồ Núi Cốc

Thứ Hai 26/09/2022 , 08:30 (GMT+7)

Mặc dù mới chỉ 3-4 giờ sáng, nhưng trên mặt hồ Núi Cốc, Thái Nguyên, những tiếng còi nói vui vẻ vang vọng khắp các điểm thu mua cá mè xung quanh hồ.

BATH5459

Người dân bắt cá tại hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên từ tờ mờ sáng. Ảnh: Bảo Thắng.

Khởi hành từ Hà Nội khi đồng hồ chưa điểm 4 giờ, nhưng khi đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đến mặt hồ Núi Cốc, người dân đã kéo gần trọn mẻ lưới cá mè.

Anh Hiếu, trú tại xã Phúc Trìu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên là một trong số 150 hộ được hỗ trợ, vận động tham gia mô hình thả cá mè tại hồ Núi Cốc vừa kéo lưới vừa chia sẻ. Từ chỗ ngờ vực nay anh đã hoàn toàn tin vào chuyện chỉ làm một tiếng mỗi ngày, tháng có chục triệu.

Theo anh Hiếu, ban ngày, anh vẫn tham gia công việc làm nông cùng gia đình như bình thường. Xẩm tối, anh mới đến hồ ngủ lại. Khoảng 3-4 giờ sáng, anh cùng một vài người nữa theo phân công sẽ đi kéo lưới, bắt cá dọc đường đăng chạy giữa lòng hồ. Làm đến tờ mờ sáng là cũng vừa hết việc. Anh lên điểm cân, chốt sổ với bên thu mua rồi về nhà.

Với giá thu mua khoảng 5.000 đồng/kg như hiện tại, mỗi ca làm cho anh Hiếu thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Trung bình hàng tháng, công việc tại hồ Núi Cốc mang lại cho ngư dân này khoảng 10-15 triệu đồng, cao hơn lương công nhân làm trong khu công nghiệp.

"Cái hay nhất của cách làm này là người dân chúng tôi tự quản lý nhau. Mỗi hộ cử ra một người, chịu trách nhiệm từ đánh bắt, bảo vệ cho đến giám sát. Chúng tôi nhận thức và hiểu rõ rằng, việc nuôi trồng và khai thác cần được thực hiện một cách đúng mức, tránh tận diệt", anh Hiếu nói.

BATH5532

Ông Nguyễn Văn Sáng, người khởi nguồn cho mô hình thả cá mè tại hồ Núi Cốc. Ảnh: Bảo Thắng.

Hồ Núi Cốc rộng 2.500ha, với hàng trăm đảo lớn nhỏ, xung quanh là rừng, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cách không xa TP. Thái Nguyên và được đánh giá là có tiềm năng du lịch sinh thái, cảnh quan và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đến nay hồ Núi Cốc chưa có sản phẩm du lịch xứng tầm nên sinh kế của bà con xung quanh hồ cũng không được ổn định.

Là người có hơn 20 năm lăn lộn trong lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Văn Sáng nhận thấy tiềm năng phát triển thủy sản tại “vịnh Hạ Long trên đất liền” của tỉnh Thái Nguyên.

Sau quá trình khảo sát, ông Sáng bắt đầu vận động một vài hộ dân xung quanh hồ thả cá mè giống từ mùa thu năm ngoái. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", ông kiên trì tuyên truyền cho bà con về lợi ích của việc thả cá mè so với những phương thức khác.

"Ban đầu cũng khó khăn lắm, bởi đã có một số người thử làm nhưng kết quả không đi tới đâu", ông Sáng nhớ lại. "Nhưng tới giờ, những bà con tham gia đều có thu nhập chục triệu mỗi tháng, cá biệt có hộ đạt tới gần trăm triệu, mọi thứ tự nhiên đi vào lòng người như quy hoạch".

Khác với những loài khác, cá mè sống ở tầng nước nông và ăn chủ yếu là tảo, một loạt thực vật tự dưỡng và gần như có sản lượng vô tận trong những hồ chứa nước lớn như Núi Cốc. Bên cạnh lợi ích kinh tế, cá mè còn khả năng làm sạch môi trường nước giống như một công nhân vệ sinh môi trường.

Theo ông Sáng, nuôi cá mè tại hồ chứa tựa như nuôi hàu ngoài biển, giúp cải tạo nguồn nước một cách triệt để. Hai nút thắt cuối cùng, là về giống và đầu ra, được gỡ bỏ khi người đàn ông trung niên kết nối được một đơn vị chuyên chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ cá mè ra thị trường nước ngoài. Hiện cá mè hồ Núi Cốc sau khi vớt lên, được chở trực tiếp về nhà máy chế biến tại Thái Nguyên để làm ra surimi, chả sụn cùng một số phụ phẩm khác.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đánh giá, mô hình thả cá mè và khai thác một cách chọn lọc mà ông Sáng thực hiện có nhiều tiềm năng để chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Trước mắt, cách làm này giúp bảo tồn hệ sinh thái và trực tiếp giúp người dân xung quanh hồ Núi Cốc ổn định sinh kế. Về lâu dài, mô hình hoàn toàn có thể tích hợp và liên kết với các công ty du lịch để xây dựng các tour nghỉ dưỡng. Ngoài bắt cá, mỗi ngư dân sẽ trở thành một hướng dẫn viên nếu được tham gia những chương trình đào tạo ngắn ngày.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.