| Hotline: 0983.970.780

Kiên cường Lý Sơn

Thứ Sáu 13/06/2014 , 09:26 (GMT+7)

Chuyện kiên cường của ngư dân Lý Sơn như đã ngấm vào máu. Những ai hoạt động tại ngư trường này nếu không kiên cường, khó mà bám trụ./ Chuyến biển kinh hoàng

Ngư trường đánh bắt chính của Lý Sơn (Quảng Ngãi) là Hoàng Sa, ngư trường “nóng” từ trước khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Những ai hoạt động tại ngư trường này nếu không kiên cường, khó mà bám trụ.

Chuyện kiên cường của ngư dân Lý Sơn như đã ngấm vào máu. Thế nhưng nếu có người hỏi “Ai kiên cường nhất”, dân Lý Sơn sẽ nói ngay: “Ngư dân trẻ Nguyễn Chí Thạnh, chủ chiếc tàu cá vừa bị cháy trên vùng biển Hoàng Sa”.

Chí tiến thủ

Sinh ra trong một gia đình không có nghề truyền thống đi biển ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn -Quảng Ngãi), cha của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh là nhà giáo nên dù là dân đất đảo nhưng gia đình Thạnh không có tàu đánh bắt hải sản.

Cha mất sớm, mới 16 tuổi Thạnh đã theo tàu cá ở địa phương đi bạn kiếm tiền giúp đỡ mẹ già. Vì thế, năm nay mới vừa tròn 30 tuổi mà Thạnh đã có đến 14 năm bám biển. Những ngày tháng đi bạn, Thạnh đã ôm ấp ước mơ một ngày nào đó được làm chủ một con tàu cá. Để thực hiện ước mơ, chàng trai 16 tuổi vừa làm việc vừa học nghề lặn.

Khi đã thạo nghề, Thạnh được chia điểm (tiền) ngang với những thợ lặn khác thì Thạnh bắt đầu dành dụm để sau này làm vốn thực hiện ước mơ. Không chỉ vậy, trong mỗi chuyến biển Thạnh tự ghi nhớ trong đầu những tọa độ có nhiều hải sản để sau đó về nhà ghi vào “sổ điểm”, chuẩn bị trước cho công cuộc làm ăn của mình sau này.

Thạnh nói: “Ở lớp tuổi của tui, ai may mắn được sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống đi biển, có tàu đánh cá, khi đến tuổi lập nghiệp thì sẽ được thừa kế “sổ điểm” của gia đình. Cầm “sổ điểm” trong tay thì cứ theo đó mà làm, không phải chạy rông tàu đi tìm cá. Tui không có được may mắn ấy, phải tự lo từ nhỏ”.

Theo Thạnh, mấy chục năm trở lại đây, khi các tàu cá đã sử dụng máy định vị, trong những chuyến biển, các chủ tàu thường đánh dấu những tọa độ thường xuất hiện nhiều hải sản vào 1 cuốn sổ. Cuốn sổ ấy được gọi là “sổ điểm”, những chuyến biển sau cứ theo đó cho tàu đi khai thác. Cuốn sổ này được lưu truyền từ đời cha đến đời con.

Biển mênh mông, nhưng không phải chỗ nào cũng có hải sản. Cùng 1 rạn san hô nhưng cá chỉ ở chỗ này chứ không ở chỗ khác. Hải sâm cũng vậy, không đi lang thang, chỉ tập trung ở 1 điểm nên hiệu quả của những chuyến đánh bắt của ngư dân Lý Sơn thường tùy thuộc vào những cuốn “sổ điểm”.

Sau 10 năm đi làm bạn lặn, năm 26 tuổi Thạnh quyết định sắm tàu để làm ăn. Thời bấy giờ, Thạnh được cho là ngư dân trẻ nhất ở Lý Sơn làm chủ tàu cá. Không đủ tiền đóng tàu mới, Thành lặn lội ra đến Quảng Nam tìm mua lại 1 chiếc vỏ tàu cũ với giá 250 triệu đồng.

“Sau đó tui đóng hầm đá mất 100 triệu, đóng ca bin 50 triệu, gắn máy vào tàu mất 300 triệu; trang bị máy hơi để lặn, thùng phuy đựng dầu và nước ngọt, dây bơm, dây chì nịt lặn, dây và mỏ neo, máy dò, 2 máy định vị, Icom… mất thêm khoảng 150 triệu nữa”, Thạnh nói.

Dù đã gom góp hết sức nhưng để hoàn thiện con tàu mang số hiệu QNg-6517 TS, Thạnh phải nhận tiền đầu tư của chủ nậu ở Sa Kỳ (Bình Sơn) 400 triệu và vay ngoài thêm 200 triệu nữa để làm tổn ra khơi.

Thạnh nhớ lại: “Tui mạnh dạn sắm tàu để đi đánh bắt vì những năm trước đây làm ăn sướng lắm. Biển rất nhiều hải sản, chuyến nào đi trúng điểm chỉ cần làm vài ngày là bức đá vào bờ. Những chuyến biển đầu tiên tui chỉ dám tiêu những đồng tiền được chia như 1 bạn lặn, phần chia cho con tàu tui dành dụm trả dần những món nợ đã vay”.

Kiên cường từ trong máu

Ít có ai làm chủ tàu mới chỉ hơn 5 năm mà đã 4 lần bị nạn trên biển như Thạnh, lần thiệt hại ít nhất cũng hơn trăm triệu, lần nhiều nhất bạc tỷ. Đặc biệt, chiếc tàu đầu tiên Thạnh sắm vào cuối năm 2008 mang số hiệu QNg-6517 TS, chỉ đi được 3 chuyến biển, đến tháng 7/2009 đã bị Trung Quốc bắt.

Để đòi tiền chuộc, chúng lai dắt con tàu, bắt Thạnh và 4 ngư dân về đảo Phú Lâm. Chúng ra giá 180 triệu để chuộc 1 người. Sau đó chúng ra lệnh cho Thạnh liên lạc điện thoại về gia đình thông báo giá và giục gia đình kiếm tiền chuộc. Thạnh vờ vâng lời nhưng trong lúc điện đàm, Thạnh lén bảo gia đình đừng nghe theo.

15-10-33_1
Chị Bé (vợ Thạnh, bên phải) lo lắng cho cuộc sống trước mắt

Hiểu ý Thạnh, anh cả của Thạnh là Nguyễn Chí Thanh tiến hành đấu tranh. Ngay sau đó, nhờ Nhà nước can thiệp mạnh mẽ nên Thạnh được thả về vô điều kiện. Đây là trường hợp đầu tiên Trung Quốc bắt người nhưng không lấy được tiền chuộc, một tiền lệ đáng mừng cho ngư dân Lý Sơn.

Bởi trước đó, ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc bắt đã nhiều, nhưng không dám đấu tranh. Khi sự việc xảy ra không báo cáo cho địa phương và ngành chức năng vì sợ nguy hiểm đến người thân của mình đang bị Trung Quốc giam giữ.

Gia đình nào có tiền thì lập tức chuyển tiền chuộc người; ai không sẵn tiền thì vay. “Mình phải đấu tranh chứ cứ bảo nộp là nộp chúng ăn quen, cứ dí bắt mình hoài làm sao làm ăn”, Thạnh nói. Bực dọc vì hỏng ăn, chúng giấu mất tàu cá của Thạnh rồi bảo là đã bị chìm. Thạnh nhớ lại: “Lần đó tui mất đứt con tàu và trang thiết bị trị giá 800 triệu, 100 triệu tiền tổn thất và 200 triệu tiền hải sản đánh bắt được bị chúng tịch thu”.

“Nghỉ ngơi vài hôm tui sẽ đi làm bạn lặn đỡ vài phiên biển kiếm tiền xoay sở cuộc sống , khi nào vay được tiền tui sẽ ở nhà lo việc đóng tàu mới”, Thạnh nói.

Sau lần bị bắt tàu nói trên, Thạnh liên tiếp gánh thêm 2 đại nạn khác, 1 lần bị cháy ca bin tàu mất 120 triệu tiền sữa chữa, 1 lần bị tàu Trung Quốc tấn công phá hoại và tịch thu toàn bộ sản phẩm thiệt hại gần 500 triệu. Rồi mới đây, Thạnh tiếp tục bị cháy hoàn toàn chiếc tàu cá trị giá gần 1,3 tỷ đồng khi đang trên đường đi ra ngư trường Hoàng Sa vào ngày 9/6 vừa qua.

Bà Trần Thị Tám (60 tuổi), mẹ của Thạnh, chua xót cho con trai mình: “Trước đây nó ở nhờ nhà ông chú vợ. Năm ngoái, thằng em con ông chú cưới vợ, vợ chồng nó buộc phải ra ở riêng. Mấy năm nay làm ăn dành dụm trả nợ chứ đâu có dư, anh cả nó cho nó miếng đất Nhà nước cấp bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nó vay bà con họ hàng 5 cây vàng cất nhà, hy vọng vào thu nhập của con tàu trả nợ dần. Bây giờ tàu cháy mất rồi!”.

Vợ chồng Thạnh có 2 đứa con, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Huyện đảo hiếm đất SX nên vợ chồng Thạnh chỉ được cấp 400m2 đất để trồng tỏi. Bây giờ 2 sào đất là tài sản duy nhất của vợ chồng Thạnh. Thế nhưng sẽ chẳng thể nuôi sống gia đình Thạnh. “4 sào tỏi thì làm giỏi lắm cũng chỉ đủ mua mắm qua ngày”, anh Nguyễn Chí Thanh, anh cả của Thạnh nói giọng buồn.

Sau vui mừng vì chồng được tai qua nạn khỏi nhờ tàu chấp pháp cứu hộ, chị Phạm Thị Bé (vợ Thạnh) bắt đầu thấy nỗi đau “trắng tay” nhói trong lòng. Đàn bà lo xa, mấy hôm nay chị Bé khóc đến sưng mắt vì không biết những ngày tháng sắp tới lấy gì cho con ăn học, lấy gì chạy bữa hàng ngày, chưa nói đến khoản nợ khổng lồ đang oằn trên vai đôi vợ chồng trẻ.

Đau khổ là vậy, nhưng khi nghe tôi hỏi nếu được Nhà nước hỗ trợ cho vay tiền đóng tàu mới anh còn dám vươn khơi không. Mắt Thạnh sáng lên, nói chắc nịch: “Bà con Lý Sơn xem ngư trường Hoàng Sa là ngôi nhà của mình rồi, nên không thể sống xa được. Nếu có tàu mới thì tui lại tiếp tục ra biển thôi”.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm