Các đại biểu tham dự hội nghị |
Ông Trương Thanh Hào, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang cho biết, trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, xác định công tác tuyên truyền là trọng tâm, thường xuyên, Chi cục đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương có rừng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đạt hiệu quả. Trong đó, tổ chức được 97 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, có 4.561 lượt người tham dự; triển khai Quy ước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư ấp, khu phố có rừng; vận động, hướng dẫn các hộ nhận khoán rừng, hộ gia đình sống ven rừng ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR)… Qua công tác tuyên truyền, tập huấn, đã nâng lên về nhận thức trách nhiệm tham gia tích cực trong PCCCR ở cộng đồng dân cư.
Năm 2018, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra cháy, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Có được kết quả đó là do ngay từ đầu mùa khô đã kiện toàn Ban chỉ đạo PCCCR các cấp, củng cố các tổ đội ở cơ sở, khoanh vùng trong điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao, công tác phối hợp giữa các lực lượng được tăng cường, bố trí trực 24/24 giờ đã kịp thời phát hiện, triển khai lực lượng dập tắt hàng chục vụ cháy đất nông nghiệp giáp rừng, đất quy hoạch dự án... kiên quyết ngăn chặn không để cháy lan vào rừng.
Bên cạnh đó, Lực lượng Kiểm lâm còn phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra, trên địa bàn được 5.413 cuộc có 21.437 lượt người tham gia. Qua đó, phát hiện và lập biên bản 171 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; phạt tiền 165 vụ, với tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng, khởi tố vụ án hình sự chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định 2 vụ, xử lý vắng chủ và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả 6 vụ, còn lại tiếp tục điều tra xử lý theo quy định; tịch thu tang vật 17,5 m3 gỗ tròn tạp, 32 cá thể động vật hoang dã; còn lại 6 vụ đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định...
Trong năm 2018, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp giám sát các đơn vị chủ rừng thực hiện kế hoạch phát triển rừng: trồng được 1.276,3ha rừng, trong đó, rừng đặc dụng và phòng hộ: 803,3 ha; rừng sản xuất: 360 ha và trồng rừng thay thế: 113 ha. Khoán bảo vệ rừng là 8.604,5 ha, gồm rừng đặc dụng: 5.000 ha; rừng phòng hộ: 3.604,5 ha và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng đặc dụng chuyển tiếp: 609,3 ha. Bên cạnh đó, còn triển khai trồng cây phân tán trên 500 ngàn cây lâm nghiệp các loại. Cấp phép khai thác rừng trồng 4 tổ chức và 102 hộ gia đình, với tổng diện tích 626,7/889,96 ha; trữ lượng 24.915 m3 gỗ, bình quân đạt 43 m3/ha; với tổng giá trị khai thác là 14,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số nơi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán trái phép vẫn còn xảy ra ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải…; rừng phòng hộ ven biển còn bị phá nhỏ lẻ, có nơi không trồng rừng để đất trống nuôi trồng thủy sản; việc xác định ranh giới đất rừng trên bản đồ và thực địa còn nhiều bất cập, chồng chéo với đất khác, dẫn đến tình hình lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp.
Theo ông Hào, dự báo mùa khô năm 2019 tình hình thời tiết có diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết bất thường, khô hạn sẽ diễn ra trên diện rộng và thời gian kéo dài. Vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng và cháy lớn trên diện rộng là rất cao, trọng điểm là hệ sinh thái rừng tràm, diện tích rừng tiếp giáp đất nông nghiệp, vườn rẫy của dân… Rừng phòng hộ ven biển có nguy cơ bị sạt lở do sóng biển và hộ gia đình nhận khoán rừng phá mở rộng diện tích mặt nước nuôi thủy sản sẽ làm giảm diện tích và chất lượng rừng.