Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV. |
Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến thời điểm này, toàn quốc đã có trên 300 trạm BVTV (hoặc trạm trồng trọt - BVTV) huyện và liên huyện trong tổng số gần 700 trạm của cả nước tại 29 tỉnh thành đã triển khai chuyển thành các trung tâm với nhiều tên gọi khác nhau do UBND huyện quản lý.
Bên cạnh đó ở cấp tỉnh, một số chi cục BVTV cũng đã thực hiện giải thể, sáp nhập để thành lập chi cục mới...
Theo ông Trung, mặc dù tháng 12/2018, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các tỉnh tạm dừng việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, tuy nhiên trên thực tế thời gian qua, nhiều địa phương vẫn tiếp tục thực hiện việc sáp nhập, thay đổi cơ cấu tổ chức của hệ thống BVTV. Điều này đang gây rất nhiều khó khăn, bất cập.
Gần đây nhất là Cao Bằng đã có quyết định sáp nhập Chi cục Trồng trọt và BVTV với Chi cục Chăn nuôi Thú y (từ ngày 1/8/2019) thành Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi; tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục triển khai việc sáp nhập các trạm BVTV về các trung tâm cấp huyện...
Ông đánh giá thế nào về tình hình hoạt động của hệ thống ngành BVTV ở địa phương sau khi triển khai sáp nhập, thay đổi cơ cấu tổ chức?
Trước hết, phải khẳng định tinh thần của Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, đồng thời vẫn đảm bảo được hiệu quả hoạt động của ngành BVTV là chủ trương đúng đắn. Ngành BVTV cũng đã và đang rà soát, nghiên cứu để có mô hình tổ chức, hoạt động tinh gọn và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc sáp nhập, điều chỉnh cơ cấu tổ chức của hệ thống ngành BVTV ở các địa phương thời gian qua cũng đã gây nên nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thời gian qua, rất nhiều địa phương đã phản ánh khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo cũng như triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ SX do hệ thống BVTV bị cắt đứt.
Đặc biệt, công tác dự báo gần như không thực hiện được, khiến việc tổ chức hướng dẫn phòng trừ dịch hại rất chậm và bị động. Ở nhiều nơi, có tình trạng những cán bộ có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm về BVTV bị điều chuyển sang công việc mới khi triển khai sát nhập... Việc phối hợp quản lý vật tư nông nghiệp, vệ sinh ATTP, kiểm dịch nội địa cũng gặp rất nhiều khó khăn... Chúng tôi rất lo ngại tình hình nhiều loại dịch bệnh có thể hết sức phức tạp do hiệu quả của công tác tổ chức phòng chống sâu bệnh đang rất bất cập.
Hiện đã có nhiều tỉnh thực hiện sáp nhập, thay đổi tổ chức hệ thống BVTV, có nơi chưa thực hiện, có nơi vẫn đang tiếp tục triển khai. Quan điểm của ông nên xử lí ra sao để vừa tinh gọn bộ máy, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động?
Hiện nay, việc triển khai sáp nhập, thay đổi cơ cấu tổ chức của hệ thống bộ máy BVTV ở các địa phương chưa có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất, nên có thực trạng là mỗi nơi thực hiện một kiểu.
Ví dụ ở cấp tỉnh, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Phước đã giải thể và chuyển sang mô hình thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh. Có 3 tỉnh khác (Đắk Nông, Long An và Cao Bằng) thì thực hiện sáp nhập Chi cục Trồng trọt và BVTV cùng với một số đơn vị khác để trở thành chi cục mới....
Ở cấp huyện, các trạm BVTV được sáp nhập về các trung tâm với nhiều tên gọi khác nhau như Trung tâm Nông nghiệp; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp; Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp...
Thời gian qua, Cục BVTV đã nhiều lần kiến nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến với Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết, nhằm thống nhất việc triển khai điều chỉnh cơ cấu tổ chức của hệ thống BVTV ở địa phương trên cả nước, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.
Quan điểm của chúng tôi, đó là phải giữ lại, không thay đổi, sáp nhập tổ chức Chi cục BVTV cấp tỉnh, bởi không có một quốc gia nào lại xóa bỏ hoặc không có cơ quan BVTV độc lập, có chức năng quản lí nhà nước ở cấp tỉnh cả.
Ở các trạm BVTV cấp huyện, có thể nghiên cứu để tinh gọn đầu mối cho gọn nhẹ (ví dụ không tăng biên chế nhưng tổ chức thành trạm liên huyện...), nhưng phải giữ cho được hệ thống trạm, có chức năng quản lí nhà nước, bởi đây là hệ thống vô cùng quan trọng của ngành BVTV, trực tiếp triển khai nhiều công tác chuyên ngành BVTV.
Cán bộ BVTV điều tra các ổ châu chấu tre. |
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tiến tới xã hội hóa, dịch vụ hóa các dịch vụ công nhằm tinh giản bộ máy hành chính, biên chế và tiết kiệm ngân sách... Vì thế việc sáp nhập các trạm BVTV huyện về trung tâm dịch vụ là nên làm? Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Trước hết, phải đánh giá lại hệ thống ngành BVTV trong hơn 60 năm hình thành và hoạt động. Bộ NN-PTNT qua các thời kỳ luôn bám sát các nhiệm vụ của Chính phủ, trong đó luôn rất chú trọng việc củng cố, kiện toàn hệ thống ngành BVTV (cùng với hệ thống tổ chức ngành thú y).
Theo đó tính đến trước khi triển khai Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19, hệ thống ngành BVTV xuyên suốt từ TƯ đến địa phương đã được kiện toàn và hoạt động một cách có hiệu quả cao. Không chỉ kiện toàn về mặt con người, ngành BVTV cũng đã có sự kiện toàn cả về mặt tổ chức, hệ thống các quy phạm pháp luật.
Theo đó, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (KDTV) năm 2013 và các văn bản thi hành đã quy định rõ hệ thống tổ chức BVTV được tổ chức từ TƯ tới địa phương...
Việt Nam là một quốc gia mà SX nông nghiệp vẫn đang đóng những vai trò vô cùng quan trọng về KT-XH, an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt hơn, diễn biến phức tạp hơn. Nhiều loại sâu bệnh mới trên cây trồng ngày càng phát sinh và gây hại phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, xu thế chung trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Việt Nam đang hướng tới đẩy mạnh XK nông sản, trong đó một trong những yêu cầu hàng đầu là phải đảm bảo ATTP, đảm bảo chất lượng và các yêu cầu về kiểm soát dịch hại nhằm đáp ứng các yêu cầu về KDTV của các thị trường XK. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có một hệ thống tổ chức và lực lượng để triển khai, trong đó sát sườn nhất chính là hệ thống tổ chức các trạm BVTV cấp huyện.
Thực tế, hệ thống các trạm BVTV cấp huyện là vô cùng quan trọng, và lâu nay đã vận hành, hoạt động rất tốt các nhiệm vụ của ngành BVTV, góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ SX.
Trên thực tế, hệ thống các trạm BVTV ở cấp huyện là nơi phải đảm nhiệm một khối lượng công việc khổng lồ. Họ là lực lượng trực tiếp hàng ngày lội ruộng, điều tra, dự thính, dự báo dịch bệnh; triển khai phổ biến hướng dẫn phòng trừ dịch hại; giám sát vệ sinh ATTP và sử dụng thuốc BVTV; triển khai các mô hình SX bền vững, an toàn, vệ sinh môi trường.... tới tận từng nông dân.
Đặc biệt hiện nay, trong bối cảnh XK nông sản ngày càng tăng, đây còn là bộ phận trực tiếp triển khai giám sát, cấp mã số vùng trồng, giám sát SX đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, ATTP... Vì vậy, nếu phá vỡ hệ thống các trạm BVTV và không còn chức năng quản lí nhà nước, thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Xin cảm ơn ông!