| Hotline: 0983.970.780

Kiên quyết không để người dân trên các lồng bè trước khi bão số 4 đổ bộ

Thứ Ba 27/09/2022 , 15:50 (GMT+7)

Các tỉnh Nam Trung bộ kiên quyết không để người dân trên các lồng bè trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra công tác ứng phó bão số 4. Ảnh: AC.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra công tác ứng phó bão số 4. Ảnh: AC.

Ngày 27/9, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra ứng phó cơn bão số 4 ở các khu vực dân cư ven biển, khu neo đậu tàu thuyền, khu vực nuôi trồng thủy sản và một số điểm, khu vực xung yếu…trên địa bàn thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An.

Tại thị xã Sông Cầu, theo chính quyền địa phương, toàn thị xã hiện có hơn 965 tàu cá đã được tổ chức, hướng dẫn vào các khu neo đậu an toàn. Thị xã Sông Cầu kiên quyết đưa các tàu thuyền neo đậu không đúng nơi quy định như khu vực sông Tam Giang, kè Thị Thạc, kè Lục Khẩu… vào các khu neo đậu tránh trú.

Theo UBND thị xã Sông Cầu, đến 8 giờ ngày 27/9, trên địa bàn còn 2 tàu cá đang hoạt động đánh bắt trên khu vực biển Ninh Thuận, Đồn Biên phòng Xuân Đài đã liên lạc với 2 tàu cá này vào bờ để tránh trú bão.

Đối với nuôi trồng thủy sản, toàn thị xã có khoảng 4.765 hộ nuôi lồng, bè với gần 2.000 bè nổi. Những ngày qua, để ứng phó bão số 4, các chủ lồng, bè đã triển khai chằng néo, gia cố ngay tại vị trí nuôi, đồng thời thả trệt lồng nuôi xuống sát đáy nhằm tránh gió, nước lũ. Thị xã Sông Cầu sẽ sơ tán toàn bộ người trên các bè vào bờ trước 16 giờ ngày 27/9.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong sáng 27/9, các địa phương trên địa bàn thị xã đã triển khai sơ tán dân và đảm bảo không còn người tại các khu vực nguy hiểm và sẽ hoàn thành trước 16 giờ ngày 27/9.

Còn tại huyện Tuy An, hiện có hơn 650 tàu cá, trong đó có 84 tàu cá với 420 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển. Theo UBND huyện Tuy An, đến nay tất cả các tàu cá này đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão số 4, từ đó chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc được về gia đình và Đồn Biên phòng An Hải.

Các tàu thuyền ở thị xã Sông Cầu vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: CA.

Các tàu thuyền ở thị xã Sông Cầu vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: CA.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Tuy An còn khoảng 75 ha nuôi trồng thủy sản và trên 740 lồng (125 bè nổi) của 216 hộ nuôi. Các địa phương trên địa bàn huyện đã hướng dẫn người dân các biện pháp chằng néo lồng bè chắc chắn, cũng như hướng dẫn thả trệt lồng nuôi xuống sát đáy để đảm bảo an toàn.

Các địa phương trên địa bàn huyện này cũng đã sẵn sàng phương án sơ tán dân tại khu vực ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng gió bão và nước biển dâng, dự kiến khoảng 295 hộ với hơn 855 người. Đồng thời sơ tán dân những nơi có nguy cơ ảnh hưởng ngập lụt khoảng 820 hộ với hơn 2065 người và sơ tán dân khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khoảng 55 hộ với hơn 175 người.

Sau khi thị sát kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đánh giá cao công tác chuẩn bị, triển khai phương án và sẵn sàng lực lượng ứng phó cơn bão số 4. Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh cho rằng bão số 4 diễn biến phức tạp, vì vậy 2 địa phương Sông Cầu, Tuy An và các địa phương trên địa bàn tỉnh không để bị động, lúng túng và không được chủ quan, lơ là. Các địa phương cần tiếp tục thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cơ quan, tổ chức, người dân để triển khai biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế.

Các tỉnh Nam Trung bộ kiên quyết không để người dân trên các lồng bè trước khi bão đổ bộ. Ảnh: KS.

Các tỉnh Nam Trung bộ kiên quyết không để người dân trên các lồng bè trước khi bão đổ bộ. Ảnh: KS.

Các địa phương chủ động huy động lực lượng để hỗ trợ, giúp người dân sơ tán tại các vùng trọng điểm, xung yếu, trũng thấp ven sông, vùng ảnh hưởng bởi triều cường ven biển… Cũng như sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không để người ở lại trên các bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản và trên tàu cá trước khi bão đổ bộ vào đất liền…

Tại Khánh Hòa, sáng 27/9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 01 ngày 25/9 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Công điện số 02 hồi 11 giờ 00 ngày 26/9 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa.

Người dân ở các lồng bè đã vào bờ tránh trú an toàn. Ảnh: KS.

Người dân ở các lồng bè đã vào bờ tránh trú an toàn. Ảnh: KS.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ người dân thực hiện chằng néo, gia cố lồng bè đảm bảo an toàn; đồng thời yêu cầu người dân nuôi trồng thủy sản trên lồng bè vào nơi tránh trú an toàn trước 14 giờ ngày 27/9. Kiên quyết cưỡng chế đối với những trường hợp người dân không chấp hành yêu cầu vào nơi tránh trú an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, toàn huyện có 1.304 hộ, tương đương 2.743 lao động đang nuôi trồng thủy sản lồng bè trên biển với 1.511 bè và 39.407 lồng. Đến nay, tất cả lao động trên biển đã vào bờ tránh trú an toàn.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó, nhất là phương án neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu; Hướng dẫn gia cố chằng néo lồng bè nhằm đảm bảo an toàn về người, tài sản; Vận động người dân thu hoạch sớm sản phẩm nông nghiệp, thủy sản nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra; Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất nhằm kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.