| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm ứng phó ô nhiễm môi trường: [Bài II] Hơn 4 thập kỷ Nhật Bản chiến đấu với ô nhiễm môi trường

Thứ Sáu 10/01/2020 , 10:40 (GMT+7)

Nhật Bản bắt đầu phải giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ những năm 1970, khi mật độ bụi mịn trong không khí (PM2.5) chạm ngưỡng cao nguy hiểm xung quanh các thành phố lớn.

Vấn đề có thể bắt nguồn từ quá trình công nghiệp hóa nhanh của Nhật thời Minh Trị thế kỷ 19.

Than, gỗ và gas trở thành nguồn nhiên liệu chính đưa Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia công nghệ tiên tiến nhất thế giới vào cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, đổi lại, chính phủ Nhật Bản lại nhắm mắt làm ngơ với tình trạng ô nhiễm không khí và chất thải tràn lan. Thay vào đó, họ tập trung vào nhu cầu của các doanh nghiệp, những bên đóng góp lớn cho các chiến dịch bầu cử, theo AZO Clean Tech.

Song vào năm 1968, Luật Cơ bản về Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường đã được kích hoạt, một phần vì sự bùng phát của các bệnh liên quan đến ô nhiễm, điển hình như bệnh Minamata do nhiễm độc thủy ngân hay bệnh hen suyễn Yokkaichi.

Từ đó đến nay, Nhật Bản đã tập trung vào các nỗ lực đối phó với ô nhiễm theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn thay đổi phương hướng chính sách, cho phép các chính quyền địa phương tự do thắt chặt những tiêu chuẩn vượt cả yêu cầu quốc gia; Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ và phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường; Hiện đại hóa các nhà máy sản xuất hay nhà máy điện cũ, kém hiệu quả; Đầu tư vào công nghệ kiểm soát môi trường, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với công cuộc giảm thiểu ô nhiễm không khí và rác thải là thuyết phục doanh nghiệp thích nghi. Luật Kiểm soát Ô nhiễm năm 1970 của Nhật đã đưa ra 14 quy định nhằm thúc đẩy thay đổi nhận thức về môi trường. Dù không thể giải quyết toàn bộ các vấn đề, đạo luật đánh dấu sự khởi đầu của Nhật trên hành trình chiến đấu với ô nhiễm.

Nhật Bản là nước đi đầu trong nhóm G7 về phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và chống ô nhiễm môi trường. Những năm 1960, thành phố Kitakyushu là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính của Nhật nhưng đi đôi với đó là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trải qua nhiều năm, hóa chất và những vật liệu sản xuất khác, bao gồm cả nhựa, đã làm nhiễm bẩn vùng vịnh, gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Khi người dân địa phương đặt biệt danh cho vùng vịnh là “biển chết”, cả chính quyền thành phố và quốc gia lúc này đều nhận ra rằng đã đến lúc phải thay đổi. Kitakyushu hiện là thành phố tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân, thành phố đã giảm lượng khí thải bồ hóng cùng các chất độc hại khác thông qua đầu tư vào công nghệ tái tạo. Các trang trại gió giờ đây mọc lên khắp nơi, giúp thành phố tân dụng được những luồng gió lớn xung quanh bờ biển. Dù vậy, một trong những cách hiệu quả nhất mà thành phố đã sử dụng để đối phó với ô nhiễm có lẽ nằm ở việc sử dụng năng lượng hydro.

Hợp tác với Hiệp hội Nghiên cứu Công nghệ Cung ứng và Sử dụng Hydro, chính quyền địa phương đã tạo nên cái gọi là “Thị trấn Hydro”. Là một phần trong “chiến lược hydro” của tỉnh Fukuoka, Thị trấn Hydro Kitakyushu hiện cung cấp điện hydro cho người dân và cả các khu công nghiệp, sử dụng pin nhiên liệu cấp năng lượng trực tiếp qua đường ống. Chiến lược trên thành công đến mức Kitakyushu hiện còn nhận trách nhiệm tư vấn và hỗ trợ những nước khác, như Trung Quốc hay Campuchia trong việc tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm.

Một trong những thành công lớn nhất là “Phép màu Phnom Penh”. Kitakyushu đã phối hợp với chính phủ Campuchia trong việc làm mới cơ sở hạ tầng nước của thành phố, xây dựng hệ thống lọc và cung cấp cho Phnom Penh nước uống sạch 24/7.

Giáo dục cũng là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công. Kitakyushu đã đầu tư mạnh giáo dục công nhân, cộng đồng dân cư và các công ty về lợi ích cũng như ý nghĩa thực tiễn của việc áp dụng những công nghệ mới thân thiện với môi trường.

Kitakyushu không đơn độc trong nỗ lực mang đến công nghệ chống ô nhiễm. Thành phố Kawasaki đã xây dựng nhà máy điện Mặt trời lớn nhất Nhật Bản ngay trên một bãi rác công nghiệp gần sân bay Haneda Tokyo, làm thay đổi toàn bộ khu vực và biến tái chế rác thải thành ngành công nghiệp sinh lời.

Nhà máy điện Ukishima rộng 11 hecta có 37.926 tấm pin năng lượng. Vì vị trí cách xa khu tập trung nhà cao tầng, nó có thể tận dụng triệt để ánh sáng Mặt trời. Thành phố Kawasaki còn hợp tác với công ty tư nhân Tepco vận hành một nhà máy điện Mặt trời trên đảo nhân tạo Ogishima. Tổng cộng, hai nhà máy điện Mặt trời tạo ra 20.000 kilowatt điện cho Tokyo, đồng thời là yếu tố chính giúp làm sạch không khí thủ đô Nhật Bản thông qua việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất