| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế rừng ở tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất nước

Chủ Nhật 26/12/2021 , 08:00 (GMT+7)

Bắc Kạn có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, lên đến trên 71%. Tỉnh này được ví như "máy điều hòa không khí siêu to khổng lồ" cho cả nước.

Đổi đời từ rừng

Những năm gần đây, nhận thấy việc trồng rừng không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn có thu nhập cao, nhiều hộ dân đã có tiền tỷ từ khai thác rừng trồng. Trồng rừng ở tỉnh Bắc Kạn đã trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn các địa phương. Chuyện người dân nói chuyện với nhau, hay những cuộc mặc cả giá mua gỗ tiền trăm triệu, tiền tỷ đã trở thành điều bình thường đối với người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao của tỉnh Bắc Kạn.

Những ngôi nhà của một gia đình ở huyện Pác Nặm mới được xây dựng sau khi thu hoạch gỗ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Những ngôi nhà của một gia đình ở huyện Pác Nặm mới được xây dựng sau khi thu hoạch gỗ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Điều này có được cũng bắt nguồn việc thực hiện những chính sách phát triển kinh tế rừng được tỉnh Bắc Kạn quan tâm thực hiện từ trước những năm 2000 cho tới nay. Ban đầu người dân được hỗ trợ giống cây, phân bón để trồng rừng theo các dự án, nổi tiếng như dự án 327 và 611 đã in vào trí óc của người dân. Mỗi ha rừng chỉ sau 8 - 15 năm (tùy từng loại cây) đã mang lại nguồn thu nhập từ 70 đến hơn 200 triệu đồng.

Gia đình ông Trung ở xã Thanh Mai, năm 2010 chỉ là một hộ nghèo, anh phải vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng để mua giống cây keo, cây mỡ, phân bón đầu tư trồng hơn 2 ha rừng. Đến năm 2018, rừng trồng đã được thu hoạch, gia đình ông Trung đã thu về được gần 200 triệu đồng, trả được tiền gốc và lãi vốn vay của ngân hàng trước đó, mua sắm được nhiều tài sản giá trị.

Ông Trung cho biết, nhờ trồng rừng, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá hơn. Ở xã Thanh Mai bây giờ, không có ai để đất trống, cứ khai thác rừng xong là trồng lại ngay. Trồng rừng đem lại thu nhập cao, mỗi ha keo đến lúc thu hoạch cũng được từ 80 đến 100 triệu đồng, tùy từng vị trí khai thác (khó hay dễ).

Đến với những ngôi làng vùng cao trên khắp tỉnh Bắc Kạn, những hộ khá và giàu phần lớn là có thu nhập từ rừng. Rừng cho thu nhập cao, nên những mô hình gia đình trồng vài chục ha rừng đã không còn là chuyện lạ. Đó cũng là minh chứng sống động về hiệu quả của chính sách hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng. Khi người dân đã biết trân trọng và sống dựa vào rừng thì câu chuyện bảo vệ rừng cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Trồng rừng thành phong trào tại tỉnh Bắc Kạn

Theo ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2021, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng thay thế sau khai thác và trồng mới được hơn 5.000 ha rừng, tăng 141% so với năm 2020. Bắc Kạn cũng có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, lên đến trên 71%, được ghi nhận như "máy điều hòa không khí siêu to khổng lồ" cho cả nước.

Nhiều gia đình có thu nhập tiền tỷ từ việc trồng rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhiều gia đình có thu nhập tiền tỷ từ việc trồng rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hiện nay, một ha cây keo, cây mỡ đến tuổi khai thác có giá từ 70 đến hơn 120 triệu đồng, nhờ đó nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng tỷ đồng. Ngoài một số vùng trồng cây ăn quả đặc sản, trồng rừng thực sự đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Người dân đã không còn trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước đầu tư nữa, mà tự bỏ tiền hoặc vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng rừng.

Song song đó, việc bảo vệ và phát triển rừng cũng được các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020, chỉ tính riêng tại hai huyện nghèo là Ba Bể và Pác Nặm của tỉnh Bắc Kạn, đã có 18.000 hộ dân được hỗ trợ trồng rừng, 660 hộ nghèo tham gia khoán bảo vệ, chăm sóc rừng.

Ông Nguyễn Đình Điệp, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Việc phát triển rừng tại tỉnh Bắc Kạn đến nay rất tốt, đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên hiện nay tại địa phương vẫn còn rất ít các xưởng, nhà máy chế biến gỗ và chủ yếu là hoạt động thủ công, nhỏ lẻ. Huyện Pác Nặm đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư có quy mô lớn, nhỏ đến đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ, điều này không chỉ là tận dụng được nguyên liệu sẵn có, mà góp phần vào việc nâng cao giá trị rừng ở địa phương.

Thu hút đầu tư phát triển rừng và chế biến gỗ

Để hỗ trợ người dân vươn lên từ kinh tế rừng, bên cạnh những chương trình hỗ trợ theo chính sách chung, Bắc Kạn đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư. Nghị quyết 08 của tỉnh Bắc Kạn ra đời đã có thêm chính sách cụ thể để khuyến khích các HTX, doanh nghiệp tham gia trồng rừng và chế biến gỗ.

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia trồng và chế biến. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Kạn đã định hướng tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu.

Tiềm năng của lĩnh vực chế biên gỗ tại tỉnh Bắc Kạn còn rất lớn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tiềm năng của lĩnh vực chế biên gỗ tại tỉnh Bắc Kạn còn rất lớn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo số liệu của Sở Công thương Bắc Kạn, lĩnh vực công nghiệp chế biến những năm qua luôn chiếm tỷ trọng trên 50% trong ngành công nghiệp; tỷ trọng tăng từ 53,48% năm 2015 lên 65,72% năm 2020. Đây cũng là lĩnh vực có mức tăng trưởng bình quân cao nhất trong nội ngành công nghiệp của tỉnh, ước đạt 16,64%/năm. Nổi bật trong công nghiệp chế biến, chế tạo là khu vực chế biến nông - lâm sản, mà cụ thể là chế biến gỗ.

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã thu hút được một số dự án chế biến nông, lâm sản có quy mô như: Dự án nhà máy chế biến gỗ Bắc Kạn công suất 120.000 m3 ván dán các loại/năm của Công ty Cổ phần Đầu tư Govina; dự án chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam công suất 30.000 m3 ván dán/năm, 200.000 m3 ván sàn/năm; dự án đầu tư sản xuất chế biến gỗ công suất 12.000 m3 sản phẩm ván dán/năm, 3.000 m3 sản phẩm ván ghép thanh/năm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc...

Các dự án đi vào hoạt động sản xuất tương đối ổn định, đã tạo ra một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chế biến gỗ tại tỉnh Bắc Kạn cũng chỉ giải quyết được 1 phần sản phẩm gỗ rừng trồng tại địa phương, phần lớn sản phẩm gỗ khai thác vẫn phải chuyển về các tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang. Vì vậy, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Bắc Kạn vẫn còn tiềm năng rất lớn để đón các nhà đầu tư.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.